Ngày 18/10, có mặt tại xã Phú Minh (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình) người dân bức xúc cho biết họ phải “sống dở chết dở” vì trang trại hơn 1.000 con lợn đóng ở địa bàn xóm Quốc cách các hộ dân cư khoảng 1km gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.
Nguồn nước thải lúc thì đen sì, lúc thì xanh đặc cùng mùi hôi thối nồng nặc phát ra từ trang trại này đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống, sức khỏe cũng như sản xuất của người dân quanh khu vực.
Qua tìm hiểu của PV, trang trại lợn này hiện không có bảng tên, đang nuôi với quy mô khoảng 1.000 con lợn nái.
Năm 2017, trang trại này đi vào hoạt động và được quảng cáo xây dựng theo mô hình hiện đại với quy trình xử lý nước thải tiên tiến.
Vị trí đặt trại lợn nằm ở xóm Pu Chằm thuộc xã Phú Minh, nằm trên triền núi cao và hướng thẳng xuống khu dân cư. Khu vực trại lợn cách nhà các hộ dân gần nhất chừng 400 – 500m. Nước thải từ trang trại theo quy trình được xử lý qua bể biogas, tiếp tục qua hai bể lắng, cuối cùng nước thải chảy xuống suối đầu nguồn, chảy qua khu dân cư và đồng ruộng đang canh tác của nhân dân xã Phú Minh.
Bà Nguyễn Thị Thành, sinh sống tại xóm Pu, xã Phú Minh, huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình cho biết: “Từ ngày có cái trại lợn này dân chúng tôi khổ lắm, từ lúc xây dựng là đã phản đối mạnh. Ngày xưa con suối này trong xanh, dân chúng tôi còn tắm rửa, sinh hoạt được ở đây chứ giờ thì không ai dám.
Hằng ngày chả cần phải đi làm thì ở trong nhà cũng thấy mùi hôi thối, cứ tối tối khoảng 6h là nước thải lợn được xả ra suối chảy đến đây bốc mùi nồng nặc, dân chúng tôi không biết thế nào. Kiến nghị rồi thì bao nhiêu đoàn về kiểm tra xong đâu lại vào đấy".
Theo tìm hiểu của PV, trang trại lợn có một bể chứa chất thải lớn được phủ kín, sau đó nước thải tiếp tục được chảy đến bể lắng số 2 và bể số 3 trước khi thải ra suối. Tại hồ sinh học số 3 (hồ chứa nước thải cuối cùng trước khi thải ra môi trường), xuất hiện những váng nước xanh lè, đặc quánh, bốc mùi hôi thối.
Dẫn chúng tôi đến sát khu vực bể nước thải, ông Nguyễn Văn Hiến, chủ trang trại hoa quả sát trang trại lợn bức xúc: “Cứ khoảng 4h chiều khi trang trại rửa chuồng là nước thải đen ngòm, chảy tràn xuống hồ số 2. Những hôm mưa lớn gây tràn hồ thì không nói nhưng tôi biết, người ta còn chủ động xả trộm nước thải từ các hồ chứa này ra suối đầu nguồn.
Bao nhiêu lần tôi sang trực tiếp phản ánh với người quản lý trông coi ở trang trại rồi cả phản ánh với chính quyền địa phương, thậm chí có lần xô xát vì không thể chịu được mùi hôi thối đó.
Hai hôm nay mưa to nên suối có nước thì không thấy được nước đen mà còn bốc mùi thế này, chứ hằng ngày suối này không có nước thì thấy rõ nước thải đen sì, hôi thối".
Liên quan đến những bức xúc của người dân, sáng 19/10, trao đổi với PV, ông Nguyễn Trọng Lê, chủ tịch UBND xã Phú Minh, huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình cho biết trang trại lợn là của ông Nguyễn Xuân Hoàng làm chủ được cấp phép và hoạt động theo quy chuẩn.
Hỏi về việc phản ánh của người dân trước việc nước thải từ trang trại lợn thải ra gây ô nhiễm nguồn nước và ảnh hưởng đến cuộc sống, ông Lê cho biết chưa nhận được bất kì phản ánh trực tiếp nào của người dân.
"Chúng tôi không nhận được bất kì phản ánh trực tiếp nào của người dân về việc trang trại lợn gây ô nhiễm nguồn nước làm ảnh hưởng tới cuộc sống của họ. Trong những lần tiếp cử tri thì mới có ý kiến của người dân phản ánh về việc này. Những cái bà con phản ánh nó cũng chỉ là cảm quan.
Trang trại này không chỉ có chính quyền địa phương quản lý mà cả tỉnh quản lý, quy trình sản xuất căn cứ vào văn bản, quy định cấp phép của tỉnh. Quá trình xả nước thải thì nó đạt theo yêu cầu và quy định được cấp phép xả thải ra nguồn nước sinh hoạt.
Khi người dân phản ánh thì chúng tôi cũng đã xuống kiểm tra tuy nhiên không phát hiện những việc như bà con phản ánh, không có chuyện trang trại đó xả thải trực tiếp ra môi trường. Thi thoảng đúng là có mùi hôi thôi điều này không tránh khỏi", ông Lê cho biết.