Cụ thể, dự án đang được đơn vị thiết kế, nghiên cứu thi công hoàn thiện để báo cáo Sở Giao thông – Vận tải với quy mô giống với tuyến đường trên cao Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng với kinh phí xây dựng khoảng 3.000 tỷ đồng.

Nhiều người dân đang rất băn khoăn, lo lắng về hiệu quả thực tế của công trình sau khi xây dựng, vận hành. Lo lắng này của người dân là hoàn toàn có cơ sở khi trước đó tuyến đường Vành đai 2 đoạn qua đường Trường Chinh sau khi đi vào vận hành vẫn không cải thiện được tình trạng giao thông tại đây.  

Người dân Hà Nội băn khoăn trước thông tin xây dựng đường Vành đai 2 nối Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy - Ảnh 2.

Dù đã đi vào vận hành tuyến Vành đai 2 đoạn qua Trường Chinh nhưng cảnh tắc đường vẫn diễn ra nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Việt Anh (46 tuổi, Trần Thái Tông, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: "Mỗi tuyến đường hàng nghìn tỷ đồng mà làm xong vẫn tắc cứng như tuyến đường ở Trường Chinh thì rất lãng phí. Người dân chúng tôi rất hoang mang và lo lắng khi nghe thông tin lại tiếp tục làm một con đường như vậy".

Chung quan điểm, chị Nguyễn Phương Anh (29 tuổi, Dịch Vọng Hậu) bày tỏ: "Nói chung là chúng tôi từ lâu đã quen với châm ngôn "Hà Nội không vội được đâu" rồi nên rất lo ngại đến tính khả thi của công trình. Hy vọng làm xong sẽ có hiệu quả thực tế không như tuyến Trường Chinh vừa rồi, tắc vẫn hoàn tắc".

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở Giao thông thành phố Hà Nội, việc xây dựng tuyến đường Vành đai 2 trên cao đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy chính là giải pháp để thông tắc cho tuyến đường này. Cụ thể, đoạn đường Vành đai 2 đoạn qua Trường Chinh chỉ là một đoạn nằm trong tổng hệ thống đường Vành đai 2 của Hà Nội.

Người dân Hà Nội băn khoăn trước thông tin xây dựng đường Vành đai 2 nối Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy - Ảnh 3.

Vành đai 2 đoạn nối Ngã Tư Sở - Cầu Giấy sẽ là một trong các đoạn của tuyến Vành đai 2 trên cao dài gần 43km.

Dự kiến, sau khi hoàn thiện tuyến Vành đai 2 trên cao nối Ngã Tư Sở với Cầu Giấy, Hà Nội sẽ tiếp tục hoàn thiện tuyến nối Ngã Tư Sở với cầu Vĩnh Tuy. 

Theo báo cáo từ BQL, dự án đầu xây dựng tuyến đường bộ trên cao dọc đường Vành đai 2 đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở sẽ kết hợp với mở rộng theo quy hoạch phần đi bằng đoạn từ Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Vọng theo hình thức BT hoàn thành trong quý II/2022.

Ngoài đường trên cao dọc Vành đai 2, Hà Nội đang tiếp tục triển khai xây dựng tuyến đường trên cao dọc đường Vành đai 3, tuyến đường trên cao kết nối tuyến đường Vành đai 2 và Vành đai 3. Đây chính là những giải pháp đồng bộ nhằm giảm tắc nghẽn giao thông tại Hà Nội trong thời gian qua.

Tuyến đường Vành đai 2 có tổng chiều dài dự kiến hơn 43 km đi qua các tuyến đường Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Tây Hồ, Cầu Giấy và huyện Đông Anh. Đoạn đường trên cao dọc đường Trường Chinh đã được đưa vào khai thác, đường Vành đai 2 trên cao đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng và đường Vành đai 2 (phần đi bằng) đoạn Vĩnh Tuy - Chợ Mơ - Ngã Tư Vọng cũng đang triển khai thi công.