Không chỉ các diện tích sản xuất cây trồng, rau màu của bà con bị ảnh hưởng, mà trong đợt mực nước sông Hồng dâng cao vừa qua, 27.000 hộ dân tại Hà Nội phải di dời khỏi các khu vực ngập úng.
Ngay sau khi nước rút, nhiều gia đình bắt đầu trở lại dọn dẹp sạch nơi ở, phố phường cũng như khắc phục những tổn thất do mưa lũ gây ra. Thành phố cũng đang huy động tối đa lực lượng để hỗ trợ người dân sớm ổn định lại cuộc sống.
Nằm sát ven sông Hồng, phường Tứ Liên có khoảng 400 hộ trồng quất cảnh. Không còn màu xanh của lá, thay vào đó là màu của bùn và đất, nhiều cây đã chết cháy.
Từ sau khi nước rút, bà Ngà vẫn miệt mài xịt rửa từng nhánh cây, cố vớt vát những gì còn sót lại.
"Chúng tôi nhắc nhau, bảo nhau cây này làm sao, sẽ cố sửa đi để nuôi cố sang năm, chỉ hy vọng bị đuối quá nửa, chết một nửa nó sẽ hồi lại", bà Ngô Thị Ngà (Làng nghề quất cảnh phường Tứ Liên, Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ.
"Cố gắng khắc phục, còn nước còn tát, những cành khô, cành chết mình phải cắt đi, xịt nước để nó bong đất ra, những cành xanh tươi có khả năng bật mầm ra thêm. Dù không đủ tươi, tốt, đẹp để phục vụ Tết năm nay, nhưng vẫn còn cây giống cho sang năm", ông Bùi Thế Mạnh (Làng nghề quất cảnh phường Tứ Liên, Tây Hồ, Hà Nội) cho hay.
Nước lũ không chỉ mang theo bùn đất, mà còn cả rác thải. Ngay khi có điện và nước, người dân tại phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm tất bật vệ sinh lại nhà ở, tuyến phố.
Hàng núi rác thải, đồ đạc hư hỏng được tập kết lại để vận chuyển đi, mặt đường cũng liên tục xịt rửa.
"Sau khi nước rút chúng tôi đã triển khai phun khử khuẩn và rắc vôi bột toàn bộ khu vực ngập úng để phòng chống dịch bệnh. Một số xác động vật trôi về mắc ở kênh rất nhiều, sau đây phường sẽ chỉ đạo dọn sạch khu vực dưới sông sau khi nước rút", ông Nguyễn Thành Công (Phó Chủ tịch UBND phường Phúc Tân, Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết.
Những người phụ nữ cặm cụi vệ sinh lại các đồ đạc bị ngâm lâu dưới nước, lấm lem bùn đất. (Ảnh: Báo GT)
Hai ngày cuối tuần vừa qua, Hà Nội đã phát động toàn dân phong trào toàn dân tham gia tổng vệ sinh môi trường. Hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ, nhân viên vệ sinh môi trường, cây xanh đã được huy động đến khu vực bị ngập lụt, cây xanh đổ gãy, cùng người dân khắc phục hậu quả cơn bão số 3.
Hàng tấn rác thải đã được vận chuyển khỏi các khu dân cư, nhiều tuyến phố bị ngập từ 1 - 2 m đến nay đã lấy lại được vẻ khang trang, sạch sẽ vốn có. Cuộc sống sinh hoạt đang dần trở lại bình thường dẫu còn nhiều khó khăn, thiệt hại chưa thể khắc phục ngay. Càng vào những thời điểm như thế này, càng thấy được sự nỗ lực của từng cá nhân, sự chung tay của cả cộng đồng trong việc khôi phục môi trường xanh, sạch, đẹp.