Phố phường Hà Nội trong những ngày cận Tết không khó để bắt gặp những nồi bánh chưng đang đỏ lửa trên vỉa hè. Mọi người trong cùng khu phố, khu dân cư, hay anh em trong gia đình quây quần bên nồi bánh chưng cười nói rộn rã. Đêm 27 Tết, chúng tôi ghé thăm hai điểm nấu bánh chưng của người dân trên phố Tố Hữu (Thanh Xuân-Hà Nội) và phố Hàng Cháo (Đống Đa-Hà Nội) để ghi nhận lại không khí rộn rã của người dân nơi đây.
Người dân Hà Nội thức thâu đêm, hàng xóm quây quần vui vẻ bên nồi bánh chưng Tết
Không có nhiều không gian, người dân Hà Nội chọn vỉa hè làm nơi nấu bánh chưng
Bếp luộc bánh được bắc trên những viên gạch xếp chồng lên nhau, đun bằng củi và trấu
Trên phố Hàng Cháo về đêm khuya tiếng cười nói của hàng xóm láng giềng vẫn vang lên trong những ngày cận Tết
Trong quá trình luộc bánh, thỉnh thoảng phải đổ thêm nước để đảm bảo nước luôn ngập bánh
Trên phố Tố Hữu, nhiều gia đình căng bạt luộc bánh chưng dưới trời mưa
Mọi người trong gia đình quây quần bên ngay quanh nồi bánh chưng đợi đến 3h sáng để vớt bánh
Ông T cho biết năm nào gia đình ông cũng cố gắng làm bánh chưng để cho con cháu trong nhà biết về phong tục cổ truyền, và những lúc như thế này cũng là lúc để mọi người sum vầy bên nhau
Không chỉ ở Hà Nội, ở Sài Gòn nhiều gia đình cũng rủ nhau nhóm lửa rồi cùng nhau quây quần bên nồi bánh chưng, bánh tét cả đêm để cảm nhận sự nồng ấm của một cái Tết cổ truyền đang đến rất gần.
Cả gia đình ông Bảo quây quần bên nồi bánh chưng tối 27 Tết.
Cặm cụi đẩy lửa cho nồi bánh được chín đều.
Người lớn, trẻ nhỏ thích thú với công việc nấu bánh chưng, bánh tét mỗi năm.
Dọc đại lộ Võ Văn Kiệt tối 27 Tết, vài hộ gia đình đã tập trung trên vỉa hè, giữa dòng xe cộ tấp nập những ngày cuối năm để gói, nấu bánh chưng. Để tránh gió, nhiều người đã che chắn nồi bánh chưng rất kỹ lưỡng bằng những tấm ván, gỗ mỏng dựng xung quanh rồi cứ thế đỏ lửa để nấu bánh.
Ngồi nói chuyện cùng nhau bên nồi bánh chưng rực lửa, ông Lê Văn Cư (70 tuổi) và ông Lê Thanh Giản (60 tuổi) cùng nhau ngồi "tám chuyện đời" trong khi đợi ấm trà của người nhà đem ra. Vào Sài Gòn lập nghiệp từ sau năm 1975, hơn 40 năm nay, cả hai gia đình ông Cư, ông Giản không năm nào bỏ sót việc nấu bánh chưng mỗi độ tết đến, xuân về.
Đỏ lửa bên những nồi bánh truyền thống của dân tộc.
Coi mực nước trong nồi để tránh tình trạng hết nước.
Vừa đợi bánh chín, vừa ôn lại những câu chuyện xưa cũ.
Ông Cư chia sẻ: "Hai đứa tui quê ở miền Bắc, rồi bén duyên ở mảnh đất Sài Gòn này, nhưng cứ độ 27, 28 Tết là rủ nhau đi mua củi, lá dong, thịt heo mỡ để về gói bánh chưng. Vì nhà cũng neo người nên hai gia đình mới hùn lại, cùng nhau nấu bánh cho vui. Năm nào cũng vậy, nấu xong là đem cho con cháu ăn lấy thảo. Nói chứ Tết cổ truyền, mà không có nồi bánh chưng, bánh tét thì còn gì ý nghĩa nữa".
Trông chừng nồi bánh chưng bên cạnh những tấm chắn gió tạm bợ.
Hồ hởi khi chờ những chiếc bánh đầu tiên.
Khói nghi ngút của nồi bánh đỏ lửa cho biết tết đang đến rất gần.
Theo ông Cư, năm nay gia đình ông nấu vài chục bánh chưng, năm ngoái mãi đến 29 ông mới nấu, năm nay chuẩn bị được sớm nên cả gia đình tranh thủ. "Giờ hai tụi tui cứ ngồi đây thôi, đợi lửa to, lửa nhỏ, túc trực cả đêm chứ đi ngủ không khéo khét mất, nhiều người nhóm lửa xong bỏ đi là bánh sống đó", ông Giản vui vẻ nói.
Trong khi đó, tại kênh Tân Hóa - Lò Gốm (quận 6), cả gia đình ông Nguyễn Văn Bảo (quê Nam Định) cũng tất bật với việc gói bánh, nấu banh chưng. Vì nhà đông người, trước kia có truyền thống làm bánh chưng nên nhiều hộ gia đình cùng quê ngỏ ý đặt bánh chưng dịp Tết. Vì vậy, thay vì gói vài chục bánh để dùng, cả nhà ông Bảo phải gói gần 140 cái bánh chưng mới đủ nhu cầu.
Các cụ già trong nhà vẫn thi nhau gói bánh.
Bánh chưng, nét đặc sắc của cái tết cổ truyền người Việt Nam.
Kế bên nồi lớn, chiếc nồi đựng nước nhỏ cũng được đặt sẵn.
"Nói chứ bỏ nghề cũng lâu rồi, chỉ có tết đến mấy bà con mới quây quần bên nhau gói bánh thôi. Sẵn công việc, ai có đặt bánh thì mình gói luôn, việc thức đêm canh bánh cũng là thú vui tuổi già, gia đình lại có điều kiện để trò chuyện, chia sẻ với nhau. Mấy đứa con, cháu của chú năm nào cũng về cùng ông bà tham gia gói bánh. Mang tiếng là gói bánh bán, chứ chủ yếu tạo niềm vui cho mình là chính, phần cũng đỡ nhớ quê. Trẻ nhỏ lại có cơ hội học hỏi ông bà làm nghề gia truyền", ông Bảo hồ hởi nói.
Bé Bi thích thú ngồi canh nồi.
Những chiếc bánh chưng chờ vào lò để nấu.
Dọc con đường Võ Văn Kiệt, nhiều nhà đã tranh thủ nấu bánh chưng, bánh tét.
Đứng kế bên nồi bánh chưng đang sôi sùng sục, bé Bi (4 tuổi) thích thú ngắm nhìn ngọn lửa đỏ đang cháy dưới nồi, những đứa trẻ nhà ông Bảo cũng thỏ thẻ với nhau những câu chuyện vui trong lúc gói bánh, ai nấy đều mong mỏi một cái Tết mới lại đến với nhiều điều may mắn, hạnh phúc sum vầy.