Đoạn đường ray xe lửa hướng từ Cầu Thăng Long chạy qua khu vực này là một trong những địa điểm lý tưởng để... làm không gian tập thể dục. Tại khu vực cầu đường sắt Cổ Nhuế vượt sông, mặc dù đã có biển cấm người dân đi lên cầu nhưng hàng ngày vẫn có hàng trăm lượt cuốc bộ, đi xe đạp, thậm chí cả xe máy qua đây.
Trao đổi với chúng tôi, bác Huy cho biết: "Bao năm nay, chúng tôi chọn khu vực dọc đường ray này làm nơi tập thể dục bởi khi quá trình đô thị hóa tăng mạnh, không gian bị thu hẹp lại nên không có chỗ để thư giãn, sinh hoạt chung và tập thể dục nên chúng tôi mới phải làm thế này".
Cũng theo bác Huy thì mỗi ngày có khoảng 5-6 chuyến tàu chạy qua, mỗi khi tàu đến đều kéo còi khá lớn và nếu trong quá trình đang tập thể dục mà gặp tàu đến thì sẽ nhanh chóng nép mình vào 2 bên thành cầu hoặc xuống ven đường.
Chính vì lý do đó nên mỗi ngày có hàng trăm lượt người tham gia tập thể dục trên đường ray như một thói quen bấy lâu nay, họ chỉ nhờ vào cảm giác, âm thanh và các tín hiệu khi tàu đến để phòng tránh tai nạn.
Người già đi ven đường ray, còn giới trẻ thì tràn xuống giữa đường.
Nhiều thanh niên thậm chí còn tỏ ra thích thú khi lựa chọn đường ray làm nơi tập thể dục. Anh Nguyễn Văn Cương (SV HV Tài Chính) cho hay: "Đúng là có nguy hiểm thật nhưng chúng em quen rồi, khi nào có tàu sắp chạy đến sẽ có các tín hiệu báo, hơn nữa đây là khu dân cư nên tàu cũng hạn chế tốc độ hơn".
Hành lang quá hẹp, vậy nên khi có tàu chạy qua cầu, người dân buộc phải nép mình vào thành.
Vặn mình, chống đẩy, thậm chí tập xà đơn xà kép trên đường ray, mặc cho hiểm nguy rình rập.
Ngay cả những em học sinh cũng hồn nhiên đạp xe trên cầu...
Nhiều người di chuyển qua đây không khỏi "thót tim" khi quan sát thấy có hàng chục người đi bộ trên đường ray, họ chỉ biết lắc đầu ái ngại.
Những thanh niên có thói quen nghe nhạc khi tập thể dục hoặc những cụ già tai không còn thính sẽ khó nhận biết được tín hiệu tàu sắp đến. Và có một thực tế là trong nhiều năm qua đã có không ít vụ tai nạn thương tâm xảy ra ở khu vực này.