Theo dữ liệu tháng 7 của công ty nghiên cứu thị trường IRI, người tiêu dùng đang có những sự thay đổi rõ nét trong việc mua sắm các mặt hàng thực phẩm khi lạm phát tăng cao. Người tiêu dùng đang dần chuyển từ thịt bò sang thịt gà, họ cũng hạn chế ra ngoài ăn uống tại những nhà hàng đắt tiền.
William Masters, giáo sư tại Đại học Tufts cho hay: "Thực phẩm ảnh hưởng rất nhiều đến tâm trạng của chúng ta. Việc không thể mua những thứ mà chúng ta quen dùng, đó là một điều rất khó khăn. Bất kỳ việc phá vỡ thói quen nào cũng đều rất chật vật".
Từ bỏ những thú vui đơn giản
Đối với bà Carol Ehrman, nấu ăn là một trải nghiệm thú vị: "Tôi thích nấu ăn, đó là niềm đam mê của tôi".
Carol Ehrman đặc biệt yêu thích nấu đồ ăn Ấn Độ và Thái Lan nhưng việc dự trữ các loại gia vị và nguyên liệu mà bà cần cho những món ăn đó không còn khả thi nữa.
"Mọi thứ đều tăng giá, điều đó khiến tờ hóa đơn nặng hơn", Carol Ehrman chia sẻ.
"Chúng tôi từng tiêu tốn 250 - 300 USD (5,9 - 7,1 triệu đồng) cho hàng tạp hóa và bây giờ là 400 USD (9,4 triệu đồng). Chúng tôi không thể tiêu tốn thêm nữa", bà Ehrman, 60 tuổi và chồng, 65 tuổi, hiện phải sống dựa vào thu nhập từ an sinh xã hội cho hay.
Khoảng 6 tháng trước, bà Carol Ehrman nhận ra mình phải thay đổi cách mua sắm hàng tạp hóa để nỗ lực cắt giảm chi phí. Ehrman ngừng mua sắm hàng loạt như trước đây. Hiện tại người phụ nữ này săn lùng các mặt hàng giảm giá, tránh mua thịt bò, chọn rượu vang có giá cả mềm hơn. Bà Ehrman cũng lựa chọn nấu những bữa ăn đơn giản, không còn cầu kỳ như trước đây.
Thậm chí, bà Ehrman còn phải loại bỏ việc chuẩn bị những món cơ bản như nước sốt cà chua vì chi phí đắt đỏ, giờ đây bà lựa chọn các sản phẩm đóng gói sẵn, giá mềm hơn: "Tôi biết rõ dùng đồ tươi ngon bao giờ cũng tốt cho sức khỏe nhưng những nguyên liệu đó hiện quá đắt đỏ".
Vợ chồng bà Ehrman đang sống ở thành phố Billings, Montana. Họ từng có thú vui giản dị là ở bên cạnh bạn bè, người thân cùng nhau nấu ăn và tụ tập nói chuyện. Nhưng giờ mọi thứ đã không còn.
Bà Ehrman cho hay: "Tôi không còn niềm vui nào nữa. Thật đáng buồn".
Chọn những thứ rẻ hơn
Rick Wichmann, 64 tuổi và vợ ít ra ngoài ăn hơn trong những năm gần đây, do đại dịch và trong nỗ lực ăn uống lành mạnh hơn. Với giá thực đơn tăng vì lạm phát, họ càng không có lý do gì để ra ngoài ăn nhà hàng.
Ông Rick Wichmann cho hay: "Ăn bên ngoài rất đắt. Chúng tôi cảm thấy vui vẻ hơn khi ăn những đồ mình nấu".
Mặc dù vậy, việc mua sắm các đồ dùng hàng ngày cũng trở nên đắt đỏ hơn. Trong năm qua, Wichmann nhận thấy rằng ông đã chi nhiều hơn trước đây khoảng 25% để mua sắm hàng tạp hóa cho cả gia đình.
Để giúp giảm thiểu chi phí, ông Rick Wichmann, sống ở Brookline, Massachusetts, bắt đầu đến các cửa hàng tạp hóa khác nhau để tìm những mặt hàng giá rẻ hơn.
Người đàn ông cũng chuyển sang các loại thương hiệu khác nhau thay vì trung thành với một số nhãn hiệu trước đây. Nếu hai món đồ chất lượng tương đương, ông sẽ chọn đồ có giá rẻ hơn.
Wichmann cũng chú ý đến các bản tin dự báo thời tiết hơn vì chúng có thể ảnh hưởng đến giá cả. Khi thấy các báo cáo nói về tình trạng thiếu cà chua do hạn hán ở California, người đàn ông đã ngay lập tức mua nước sốt cà chua để tích trữ, dùng được trong nhiều tháng.
Trồng rau tự cung tự cấp
Giống như ông Wichmann, cô Jenni Wells, 38 tuổi, cũng rất chú ý đến các dự báo thời tiết. Từng là đầu bếp và chủ trang trại, người phụ nữ này hiểu rõ sự biến động của giá cả.
Jenni Wells cho hay: "Hồi chuông cảnh báo của tôi bắt đầu vang lên khi lũ lụt xảy ra làm chết nhiều gia súc và phá hủy mùa màng. Tôi biết giá thực phẩm sẽ tăng".
Cô quyết định cải tạo bãi cỏ trước nhà mình ở Fort Worth, Texas, để trồng rau. Năm nay, cô đã trồng được súp lơ, đậu bắp, cà chua, ớt cùng nhiều thứ khác trong vườn mình.
Giờ đây, gia đình cô Wells không chi quá nhiều tiền cho thực phẩm nữa: "Tôi cảm thấy tự hào về mỗi bữa ăn do chính tay mình tạo ra".
Tránh lãng phí thức ăn
Giờ đây, cô Altman, mẹ 3 người con ở Austin, đặt mục tiêu giữ hóa đơn hàng tạp hóa của mình ở mức khoảng 100 đến 125 USD (2,3 - 2,9 triệu đồng) mỗi tuần bằng cách mua nhãn hiệu bình dân, nhiều mì ống và một lượng protein hạn chế so với trước đây.
Thay vì gọi món ăn bên ngoài hoặc nướng bít tết, dẻ sườn, gia đình của Altman ăn những bữa ăn cơ bản hơn với khẩu phần nhỏ hơn.
“Giờ đây, bữa ăn của chúng tôi chỉ có một món chính và đi kèm với một ít bánh mì hoặc một món salad”, Altman chia sẻ.
Nếu ra ngoài ăn, họ sẽ chọn một bữa ăn nhanh với một vài món như bánh mì kẹp thịt và khoai tây chiên, chia nhỏ các món thành nhiều phần và mang đồ uống ở nhà đi.
Khi Altman có đủ khả năng chi trả, cô ấy sẽ mua thêm trái cây và rau. Nhưng cô ấy hy vọng, một số thói quen như khuyến khích con cái tránh ăn uống quá mức và giảm lãng phí thức ăn, vẫn sẽ được duy trì.
“Tôi sẽ không chi 1.200 USD (28 triệu đồng) một tháng cho cửa hàng tạp hóa. Lạm phát đã dạy chúng tôi rằng cần phải sống tiết kiệm hơn, đừng hoang phí", người mẹ 3 con cho biết thêm.
Nguồn: CNN