Theo thông tin từ Khoa Cấp cứu, Bệnh viện E những ngày quá khoa liên tiếp tiếp nhận các ca đột quỵ não và ca mắc bệnh tim mạch, trong đó có cả những trường hợp còn rất trẻ, chỉ mới ngoài 30 tuổi.

Trường hợp bệnh nhân Kiên (tên nhân vật đã được thay đổi) 34 tuổi ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội nhập viện trong tình trạng yếu nửa người trái, nói khó…

Kết quả chụp chiếu, xét nghiệm cho thấy người bệnh bị đột quỵ não. Khai thác tiền sử người bệnh có biểu hiện yếu nửa người, nói khó khi đang chơi bóng bàn tại cơ quan sau giờ làm việc.

Lúc đầu, mọi người trong cơ quan nghĩ Kiên bị trúng gió, nhưng thấy bệnh nhân có biểu hiện yếu nửa người, nói khó… nên mọi người đã gọi xe cấp cứu. Bệnh nhân được chẩn đoán tắc mạch máu não cấp. Người bệnh được chụp CT và được chỉ định sử dụng thuốc tiêu huyết khối tái tưới thông mạch máu não.

Người đàn ông 34 tuổi bị đột quỵ khi đang chơi bóng bàn: Bác sĩ cảnh báo 5 dấu hiệu cần đặc biệt lưu ý - Ảnh 1.

Bệnh nhân đột quỵ đã được can thiệp thành công. (Ảnh BSCC)

ThS.BS Nguyễn Ngọc Vĩnh Yên – Khoa Cấp cứu, Bệnh viện E cho biết, thời tiết biến đổi thất thường như những ngày vừa qua khiến số người bệnh nhập viện gia tăng đột biến, nhất là các bệnh lý về đột quỵ não và tim mạch. Mặc dù vậy, nhờ áp dụng tiêu chí chất lượng điều trị đột quỵ thế giới, Bệnh viện E đã có thể tối ưu hóa thời gian chỉ mất 25-30 phút từ khi cấp cứu vào viện đến khi được can thiệp thành công cho người bệnh.

Để phòng tránh đột quỵ não và tim mạch mùa lạnh, bác sĩ Yên lưu ý người dân cần thực hiện một số lưu ý như sau:

- Tầm soát các yếu tố nguy cơ như huyết áp, mỡ máu, đái tháo đường, thuốc lá, bia rượu, chất kích thích…

- Với những người có tiền sử bệnh tim mạch, cao huyết áp, đái tháo đường,... nếu thấy những triệu chứng như đột nhiên nói khó, liệt nửa người, nhìn mờ 1 bên mắt, liệt nửa mặt…thì gia đình nên chủ động gọi cấp cứu hoặc đưa bệnh nhân đến bệnh viện sớm.

Việc trì hoãn điều trị sớm có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe vì trong vòng vài phút các tế bào não sẽ bắt đầu chết nếu không được cung cấp đủ máu. Thời gian kéo dài càng lâu, số lượng tế bào não chết càng nhiều sẽ ảnh hưởng lớn tới khả năng vận động và tư duy của cơ thể, thậm chí là tăng nguy cơ tử vong. Do đó, bệnh nhân đột quỵ cần được đưa vào bệnh viện sớm để các bác sĩ cứu chữa trong khoảng thời gian vàng.

"Khoảng thời gian vàng là từ dưới 3 giờ đến 4,5 giờ đầu sau khi khởi phát đột quỵ, nếu người bệnh được đưa đến bệnh viện chữa trị kịp thời thì cơ hội sống sót và phục hồi sẽ rất cao", bác sĩ Yên nói.

Dấu hiệu cảnh báo đột quỵ

Theo các chuyên gia, đột quỵ không phải là bệnh chỉ gặp ở người già mà hiện nay đang có chiều hướng gia tăng ở người trẻ. Theo số liệu thống kê, tỉ lệ đột quỵ ở người trẻ đã tăng gần 50% trong vòng 12 năm qua.

Đột quỵ thường có nguy cơ gặp cao ở những người lạm dụng bia, rượu, thuốc lá, sử dụng các chất kích thích, những người bị béo phì...

Một số nguyên nhân khác gây ra đột quỵ ở người trẻ như: Người có dị dạng mạch máu não; mắc một số bệnh rối loạn nhịp tim, rung nhĩ.

Nguyên nhân đột quỵ gia tăng ở người trẻ còn liên quan tới chế độ ăn uống và lối sống không lành mạnh như: Thường xuyên hút thuốc lá, có chế độ ăn quá nhiều dầu mỡ, thường xuyên ăn thức ăn nhanh, ít vận động, lạm dụng rượu bia, sử dụng chất kích thích,…

Một số dấu hiệu cảnh báo đột quỵ cần lưu ý bao gồm:

- Người bệnh đột ngột tê hay yếu liệt mặt, tay hay chân, đặc biệt ở một nửa cơ thể;

- Đột ngột lú lẫn, rối loạn hay không hiểu lời nói;

- Đột ngột rối loạn thị giác ở một bên hoặc cả hai bên;

- Đột ngột rối loạn khả năng vận động, đi đứng loạng choạng, choáng váng, mất thăng bằng hay mất khả năng phối hợp động tác;

- Đột ngột đau đầu nhiều không rõ nguyên nhân...

Khi bệnh nhân có những dấu hiệu trên, gia đình hoặc người xung quanh cần nhanh chóng gọi xe cấp cứu để được vận chuyển tới bệnh viện sớm và an toàn.