Nam bệnh nhân bất ngờ phát hiện ung thư tinh hoàn, buộc phải cắt bỏ một bên tinh hoàn sau khi phát hiện tinh hoàn trái tăng kích thước bất thường, kèm theo tình trạng cứng chắc ở tinh hoàn.
Kết quả thăm khám bác sĩ phát hiện tinh hoàn phải teo nhỏ, nằm cao trong bìu phải, tinh hoàn trái cứng chắc, kích thước khoảng 3x4 cm, gấp hơn 6 lần bên còn lại.
PGS Nguyễn Quang thăm khám, tư vấn cho bệnh nhân
Bác sĩ Cao Đắc Tuấn, Trung tâm nam học (Bệnh viện Việt Đức), cho biết do tổ chức xơ dính từ vết mổ cũ gây đã biến đổi cấu trúc giải phẫu khiến việc bộc lộ cuống mạch thừng tinh và cắt dây chằng bìu tinh hoàn trái gặp nhiều khó khăn.
Sau khi phẫu thuật mở tinh hoàn, phát hiện khối u chiếm gần toàn bộ thể tích tinh hoàn trái, mật độ cứng, màu vàng sẫm. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cắt tinh hoàn trái, nạo vét hạch bẹn…
Trước đó, bệnh nhân bị ẩn tinh hoàn 2 bên trong ổ bụng và được phẫu thuật hạ tinh hoàn. Tuy nhiên, thời điểm phẫu thuật khá muộn, khi đó bệnh nhân đã 27 tuổi. Mặc dù đã hạ tinh hoàn xuống bìu nhưng kích thước tinh hoàn nhỏ, không tìm thấy tinh trùng trên mẫu xét nghiệm tinh dịch đồ.
"Với bệnh nhân này, dù ung thư di căn có thể được kiểm soát nhưng tỉ lệ có con rất thấp do tinh hoàn phải bị tác động của hóa chất làm teo nhỏ đi" - nhóm nghiên cứu Trung tâm nam học chia sẻ.
Theo PGS-TS Nguyễn Quang, Giám đốc Trung tâm nam học - Bệnh viện Việt Đức, Chủ tịch Hội Y Học giới tính Việt Nam, ung thư tinh hoàn gặp ở khoảng 1% nam giới và là ung thư thường gặp nhất ở độ tuổi 15 tuổi đến 34 tuổi. Đáng nói tình trạng ẩn tinh hoàn sẽ làm tăng nguy cơ ung thư tinh hoàn, trong khi đây là bệnh lý bẩm sinh phổ biến ở trẻ trai với tỉ lệ 3-5% ở trẻ đủ tháng, 30-45% ở trẻ sinh non.
Việc phẫu thuật hạ tinh hoàn cần được tiến hành sớm (trước 18 tháng tuổi) để giảm khả năng ung thư và đảm bảo chức năng nội tiết, sinh sản; giảm nguy cơ teo tinh hoàn, xoắn tinh hoàn, chấn thương tinh hoàn... Tuy nhiên, ngay cả khi phẫu thuật hạ tinh hoàn sớm, nguy cơ ung thư tinh hoàn vẫn cao hơn ở bệnh nhân ẩn tinh hoàn.