Xuất hiệu triệu chứng lạ sau 1 tháng ngâm chân nước nóng

Mới đây, bác sĩ Lưu Dương, Phó trưởng khoa phẫu thuật mạch máu, Bệnh viện số 6 Vũ Hán, Trung Quốc đã chia sẻ về trường hợp bệnh nhân nam 58 tuổi mà ông từng điều trị.

Theo bác sĩ, bệnh nhân Vương Khoa đã có tiền sử mắc tiểu đường 10 năm. Khoảng 1 tháng trước, thời tiết bước vào mùa đông, ông Vương quyết định ngâm chân nước nóng khoảng 30 phút vào buổi tối để cải thiện tuần hoàn máu, làm ấm chân và giúp dễ ngủ.

Tuy nhiên, gần đây, ông Vương thấy chân bị sưng tấy, ngón chân và lòng bàn chân bị đỏ bất thường. Sau đó, chân ông Vương xuất hiện một số vết loét nhỏ, cũng bốc mùi khó chịu.

Thấy chân có biểu hiện bất thường nên ông Vương đã lập tức tới viện để thăm khám. Kết quả khám cho thấy ông Vương bị bỏng ở chân, vết thương bị bội nhiễm. Bác sĩ Lưu Dương cho biết, nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân Vương Khoa có thể sẽ phải cắt cụt chân. Kết quả này khiến ông Vương vô cùng bất ngờ.

 - Ảnh 1.

Người đàn ông ngâm chân nước nóng 30 phút vào buổi tối để cải thiện tuần hoàn máu, làm ấm chân và giúp dễ ngủ. (Ảnh minh họa, nguồn: Sohu)

Chuyên gia lý giải nguyên nhân

Bác sĩ Lưu Dương giải thích: “Người mắc bệnh tiểu đường thường dễ gặp các biến chứng thần kinh. Điều này khiến bệnh nhân gặp khó khăn khi cảm nhận cơn đau hoặc nhiệt độ nóng/lạnh ở chân. Lúc này, nếu bệnh nhân ngâm chân bằng nước nóng, chân có thể bị bỏng, gây ra các tổn thương ở chân”.

“Thông thường, người bình thường sẽ hồi phục các vết thương ở chân sau khi bôi thuốc. Tuy nhiên, ngoài biến chứng thần kinh, bệnh nhân tiểu đường cũng có nguy cơ bị hẹp hoặc tắc các động mạch ở chân. Điều này gây ảnh hưởng tới lưu lượng máu cung cấp tới khu vực bị tổn thương để chữa lành. Đây cũng là lý do khiến các vết thương ở bệnh nhân mắc tiểu đường dễ bị nhiễm trùng và lâu lành”, bác sĩ Lưu bổ sung.

Theo bác sĩ, ngay cả khi chân bị thương nhẹ, bị bỏng nhẹ, người bệnh cũng không thể cảm nhận được chân bị đau. Chỉ khi chân sưng to hoặc có nhiễm trùng nặng thì bệnh nhân mới nhận ra và đến viện thăm khám. Điều này gây khó khăn cho quá trình điều trị.

Bác sĩ Lưu cho biết với trường hợp của bệnh nhân Vương, để điều trị tình trạng loét ở chân của bệnh nhân, bác sĩ sẽ cố gắng kiểm soát tốt lượng đường trong máu ở mức ổn định, tiến hành cắt bỏ những khu vực bị hoại tử, dùng thuốc hỗ trợ nuôi dưỡng vùng tổn thương để kích thích da tự mọc và hạn chế tối đa xuất hiện thêm vết thương mới.

 - Ảnh 2.

Bệnh tiểu đường có thể gây ảnh hưởng tới hệ thần kinh và mạch máu ở chân. (Ảnh minh họa: Foot and ankle specialist)

Theo chuyên gia, để phòng ngừa các biến chứng ở chân của bệnh đái tháo đường, người bệnh nên lưu ý những điều sau:

- Ổn định đường trong máu bằng cách thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, tập luyện thể thao vừa phải và tuân thủ sử dụng thuốc.

- Thường xuyên vệ sinh chân bằng nước ấm, không nên dùng nước nóng.

- Không đi chân trần để hạn chế nguy cơ giẫm, đạp phải dị vật gây tổn thương chân.

- Cẩn trọng khi sử dụng dụng cụ cắt móng chân, cắt da, tránh gây tổn thương và tăng nguy cơ nhiễm trùng.

- Tránh ngâm chân nước quá nóng và sử dụng các thiết bị tạo nhiệt ở chân để hạn chế nguy cơ bị bỏng, gây nhiễm trùng, viêm, loét chân.

- Khi chân có biểu hiện bất thường, có các vết loét, mọi người nên đến bệnh viện thăm khám sớm và điều trị kịp thời, từ đó giúp hạn chế nguy cơ chân hoại tử, phải cắt cụt chi dưới.