Một người đàn ông 59 tuổi, mắc bệnh tiểu đường loại 2, phải tiêm insulin hàng ngày đã được cấy ghép tế bào.

Hiện ông đã không dùng insulin hay bất kỳ loại thuốc nào khác trong 33 tháng. Điều này mang lại hy vọng cho những người mắc bệnh tiểu đường khác.

Bệnh nhân đã được điều trị tế bào đột phá vào năm 2021 và đã ngừng tất cả các loại thuốc kể từ năm 2022.

"Điều này thể hiện một tiến bộ quan trọng trong lĩnh vực trị liệu tế bào cho bệnh tiểu đường", Timothy Kieffer, Giáo sư khoa học tế bào và sinh lý tại Đại học British Columbia ở Canada, nói với trang South China Morning Post.

Bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường loại 2 hơn 25 năm trước và đã phải đối mặt với các biến chứng nghiêm trọng.

Người đàn ông 59 tuổi "chữa khỏi" bệnh tiểu đường bằng liệu pháp tế bào cải tiến - Ảnh 2.

Một người đàn ông 59 tuổi, mắc bệnh tiểu đường loại 2, phải tiêm insulin hàng ngày đã được cấy ghép tế bào. Ảnh mình họa

Mặc dù đã được ghép thận vào năm 2017 nhưng ông cũng đã mất hầu hết chức năng đảo tụy - chức năng quan trọng để điều chỉnh lượng đường trong máu. Kết quả là, ông phải dựa vào việc tiêm insulin nhiều lần hàng ngày.

Các nhà nghiên cứu ở Thượng Hải, Trung Quốc, đã sử dụng tế bào máu của chính bệnh nhân để tạo ra tế bào gốc, sau đó chuyển đổi thành tế bào cải tiến sản xuất insulin nhằm kiểm soát lượng đường trong máu. Tháng 7/2021, các tế bào cải tiến được cấy ghép vào cơ thể bệnh nhân. Trong vòng 11 tuần sau cấy ghép, bệnh nhân không còn cần tiêm insulin nữa. Ông cũng giảm dần thuốc uống để kiểm soát lượng đường trong máu và sau 12 tháng thì ngừng hoàn toàn.

Hao Yin, nhà nghiên cứu hàng đầu tại Bệnh viện Trường Chinh Thượng Hải, Trung Quốc, cho biết: Các cuộc kiểm tra tiếp theo cho thấy chức năng đảo tụy của bệnh nhân đã được phục hồi hiệu quả và chức năng thận cũng nằm trong phạm vi bình thường. Kết quả như vậy cho thấy rằng việc điều trị có thể giúp tránh được sự tiến triển của các biến chứng tiểu đường.

Người đàn ông 59 tuổi "chữa khỏi" bệnh tiểu đường bằng liệu pháp tế bào cải tiến - Ảnh 3.

Các nhà nghiên cứu ở Thượng Hải, Trung Quốc, đã sử dụng tế bào máu của chính bệnh nhân để tạo ra tế bào gốc, sau đó chuyển đổi thành tế bào cải tiến sản xuất insulin nhằm kiểm soát lượng đường trong máu. Ảnh minh họa

Hiện tại, bệnh nhân đã cai insulin hoàn toàn được 33 tháng. Chế độ ăn uống, thói quen tập thể dục cũng không cần phải thay đổi quá nhiều.

Theo Giáo sư Kieffer, đây là lần đầu tiên liệu pháp tế bào gốc được sử dụng để "chữa khỏi" bệnh tiểu đường loại 2.

Công bố trên tạp chí Cell Discovery vào ngày 30/4, nhóm nghiên cứu cho biết hy vọng có thể thử nghiệm liệu pháp này ở nhiều bệnh nhân tiểu đường hơn và một ngày nào đó sẽ thay đổi cuộc sống của hàng triệu người mắc bệnh.

Trên toàn cầu, số bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường được ước tính khoảng 415 triệu, chưa kể nhiều người không được chẩn đoán. Theo tổ chức Diabetes UK, con số này dự kiến sẽ tăng lên 642 triệu vào năm 2040.

Người đàn ông 59 tuổi "chữa khỏi" bệnh tiểu đường bằng liệu pháp tế bào cải tiến - Ảnh 4.

Cùng với việc giảm cân, ăn uống lành mạnh, uống thuốc, insulin là phương pháp điều trị chính hiện nay với một số người, nhưng đòi hỏi phải tiêm và theo dõi thường xuyên. Ảnh minh họa

Hầu hết mọi người (90%) mắc bệnh tiểu đường loại 2 (cơ thể không thể tạo ra đủ insulin). Triệu chứng phổ biến của bệnh tiểu đường thường là: Đi tiểu nhiều, khát nước liên tục, cảm thấy mệt mỏi hơn bình thường và giảm cân mà không cần cố gắng.

Một số bệnh nhân còn thấy xuất hiện các triệu chứng khác như ngứa bộ phận sinh dục, tưa miệng, mờ mắt, tăng cảm giác đói, vết xước hay vết thương lâu lành... Cùng với việc giảm cân, ăn uống lành mạnh, uống thuốc, insulin là phương pháp điều trị chính hiện nay với một số người, nhưng đòi hỏi phải tiêm và theo dõi thường xuyên.

Làm thế nào để giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2

Theo Diabetes UK, có một vài điều chỉnh trong chế độ ăn uống bạn có thể thực hiện để giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 như sau:

1. Chọn đồ uống không thêm đường. Không thêm đường trong trà và cà phê. Tránh xa đồ uống có ga và giàu năng lượng.

2. Ăn ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt, mì ống nguyên hạt, bột mì nguyên hạt, bánh mì nguyên hạt và yến mạch thay vì carbs tinh chế.

3. Cắt giảm thịt đỏ và thịt chế biến sẵn như thịt xông khói, giăm bông, xúc xích, thịt lợn, thịt bò và thịt cừu.

4. Ăn nhiều trái cây và rau.

5. Bổ sung sữa chua và phô mai không đường.

6. Cắt giảm rượu càng triệt để càng tốt.

7. Có thể ăn đồ ăn nhẹ lành mạnh như sữa chua không đường, các loại hạt không ướp muối, trái cây và rau.

8. Ăn chất béo lành mạnh có trong các loại hạt, bơ và dầu ô liu.

9. Cắt giảm lượng muối tiêu thụ.

10. Bổ sung vitamin và khoáng chất từ thực phẩm hơn là thực phẩm bổ sung.

Theo SCMP, The Sun