9 năm trước, anh Lưu ở Chiết Giang, Trung Quốc, nhận thấy ngôi nhà đang ở không còn đáp ứng được nhu cầu của gia đình nên đã vay tiền để tậu một căn nhà mới. Với khoản vay 2,08 triệu NDT (hơn 7,3 tỷ đồng) từ ngân hàng, người đàn ông này bắt đầu hành trình trả nợ của mình với số tiền phải trả là 9.100 NDT/ tháng (gần 32 triệu đồng).
Sau 9 năm ròng rã tích góp trả nợ, khi đến ngân hàng để kiểm tra, anh Lưu rất ngạc nhiên khi thấy số tiền gốc của mình vẫn còn rất nhiều. Quá hoang mang, người đàn ông này lập tức tranh cãi với nhân viên ngân hàng. Tuy nhiên, phản ứng của đối phương khiến anh tuyệt vọng.
Theo đó, nhân viên ngân hàng cho biết tất cả số liệu từ khoản vay của anh Lưu không có sai sót. Hợp đồng vay cũng là do chính anh Lưu ký, ngân hàng đã làm đúng theo thỏa thuận trong hợp đồng và việc số tiền nợ của người đàn ông này vẫn còn nhiều không liên quan gì đến họ.
Sau khi nghe lời nhân viên nói, anh Lưu suy sụp, bật khóc ở ngay hành lang ngân hàng khi nhìn vào số dư nợ của mình. Bấy lâu nay, người đàn ông này vẫn tin rằng mình sắp trả hết số nợ của 9 năm trước, vì vậy nên khi biết sự thật này, anh Lưu dường như không thể chấp nhận được.
Trường hợp của anh Lưu sau khi được chia sẻ đã thu hút sự quan tâm của nhiều cư dân mạng. Nhiều người bày tỏ sự thông cảm với hoàn cảnh của người đàn ông này, một số khác cũng tỏ ra bất bình trước sự thờ ơ của phía ngân hàng.
Vậy chính xác chuyện gì đang xảy ra?
Không nhận được câu trả lời rõ ràng từ phía ngân hàng, anh Lưu quyết định báo cảnh sát Trung Quốc để tìm hiểu rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, dù phía cảnh sát vào cuộc điều tra cũng không thể thay đổi cục diện.
Sau khi kiểm tra hồ sơ vay tiền, cảnh sát cho biết lúc làm hợp đồng vay tiền, anh Lưu đã chọn phương thức trả nợ gốc và lãi bằng nhau qua các kỳ thanh toán. Đặc điểm của phương thức này là số tiền phải trả hàng tháng là như nhau, nhưng trong đó, tiền lãi chiếm đa số, tiền gốc chiếm phần nhỏ. Theo thời gian, tiền lãi ngày càng ít đi còn tiền gốc thì vẫn vậy.
Điều đó cũng có nghĩa là vì chọn thanh toán khoản vay theo phương thức trả gốc và lãi bằng nhau này nên trong 9 năm đầu, phần lớn số tiền mà anh Lưu trả ngân hàng đều là tiền lãi và số nợ gốc vẫn không giảm đi bao nhiêu. Tuy nhiên, anh Lưu không hề hay biết về điều này. Nguyên nhân có thể là khi nhân viên ngân hàng hướng dẫn anh Lưu làm hợp đồng cho vay, họ đã không đưa ra lời giải thích đầy đủ và rõ ràng nên mới dẫn đến việc khách hàng lâm vào tình huống éo le như vậy.
Mặt khác, theo quy định có liên quan của Bộ luật Dân sự Trung Quốc, hợp đồng vay vốn là hợp đồng trong đó người đi vay vay tiền của người cho vay và trả lại tiền đã vay cùng lãi khi đến hạn. Hợp đồng vay vốn giữa anh Lưu và ngân hàng liên quan quy định rõ ràng về phương thức trả nợ, trả lãi và các nội dung liên quan khác. Do đó, khi ký hợp đồng, anh Lưu cũng nên đọc kỹ các điều khoản và hiểu rõ quyền lợi, nghĩa vụ của mình.
Có thể nói trong trường hợp này, vì anh Lưu chưa nắm rõ các điều khoản và quy định về khoản vay của mình nên dẫn đến những mâu thuẫn không đáng có. Cũng qua câu chuyện trên, người đi vay cũng nên nhớ rằng ngoài việc tìm hiểu kỹ thông tin về khoản vay, họ cần căn cứ vào tình hình thực tế của bản thân để lựa chọn phương thức trả nợ hợp lý. Chỉ bằng cách này, người đi vay mới có thể đảm bảo rằng lợi ích kinh tế của mình không bị tổn hại.
(Theo Sohu)