Chú Zhang, sống ở Hồ Nam (Trung Quốc) sợ nhất là mùa hè. Chú bị béo phì nên dễ đổ mồ hôi. Vì vậy, cứ đến mùa hè, chú Zhang chỉ muốn trốn trong phòng máy lạnh, mỗi lần ra ngoài là toát mồ hôi và thở hổn hển.
Thế nhưng, sau vài ngày liên tục ở trong phòng bật điều hòa kết hợp bật quạt, rồi lại đi ra ngoài, liên tục thay đổi môi trường từ nóng sang lạnh, từ lạnh sang nóng, chú đã phải nhập viện vì đột quỵ.
Dùng điều hòa vào mùa hè sai cách thực sự có thể gây đột quỵ. Nhiều người lầm tưởng rằng điều hòa chỉ là một thú vui trong mùa hè nóng bức nhưng thực ra có thể trở thành "kẻ giết người thầm lặng" khi quá lạm dụng hay dùng không đúng.
Như mọi người đều biết, thời tiết mùa hè nóng bức, cơ thể con người dễ đổ mồ hôi, hàm lượng nước trong máu sẽ giảm, độ nhớt của máu tăng lên.
Nhiều người không bổ sung nước kịp thời. Dùng điều hòa trong nhà liên tục sẽ khiến chênh lệch nhiệt độ bên trong và bên ngoài quá lớn. Nếu thường xuyên ra vào giữa 2 môi trường sẽ kích thích các mạch máu trên da co lại và giãn ra liên tục, dễ gây đột quỵ.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai) nhấn mạnh: "Bước vào phòng lạnh đột ngột khi vừa đi nắng hoặc hoạt động thể lực khiến cơ thể bạn chưa kịp thích nghi, do đó rất dễ bị đột quỵ. Khi đi ngoài nắng hoặc tập thể dục thể thao khiến mạch máu bị giãn ra. Bước vào phòng lạnh ngay khiến mạch máu đột ngột bị co lại, người có thể trạng yếu khó tránh tình trạng này".
Chuyên gia khuyến cáo, thực ra có nhiều cách khác nhau để trốn nóng trong mùa hè. Không phải ai cũng thích hợp sử dụng điều hòa trong thời gian dài. Người bị huyết áp cao, mỡ máu cao không nên ở trong phòng điều hòa quá lâu, nhất là ở trong môi trường chênh lệch nhiệt độ điều hòa trong nhà và ngoài trời quá 10 độ C. Đồng thời, bạn không nên dùng đồ ăn lạnh để giải nhiệt như dưa hấu đá, kem, đồ uống có đá… Bạn nên giữ tinh thần thoải mái và tắm nước ấm nhiều hơn.
3 cách dùng điều hòa, quạt mát tránh nguy cơ đột quỵ, bệnh tật nói chung
Vào mùa hè, để tránh bị đột quỵ do dùng điều hòa, quạt mát, chúng ta nên ghim 3 cách, không chỉ có thể tạm biệt những rắc rối do đột quỵ mà còn có tác dụng giảm nhiệt độ hiệu quả.
1. Điều hòa đảo gió lên xuống
Ở điều hòa luôn có chế độ đảo gió lên xuống. Tuy nhiên, rất ít người bật điều hòa lên để thực hiện thao tác này. Chúng ta thường chỉnh gió thẳng vào phía của mình để làm mát cơ thể trong thời gian ngắn.
Cách làm đúng là thiết lập luồng gió đảo chiều lên xuống để làm mát đều căn phòng và tránh thổi trực tiếp. Bật điều hòa không nên quá thấp, tốt nhất dừng lại ở 26 độ C. Nếu chênh lệch nhiệt độ quá lớn sẽ làm tăng gánh nặng cho trung tâm điều hòa nhiệt độ, dễ gây chóng mặt, khô miệng, ho, sổ mũi và các triệu chứng khó chịu khác. Trường hợp nặng còn có thể gây đột quỵ.
2. Chỉnh quạt ở chế độ quay
Tương tự như điều hòa, mỗi chiếc quạt đều có chức năng chỉnh quay qua quay lại nhưng nhiều người lại bật thổi trực tiếp.
Điều này khiến máu lưu thông không đều ở các bộ phận trên cơ thể, dẫn đến lưu thông máu chênh lệch và mất cân bằng ở trung tâm thần kinh.
Vì vậy, hãy luôn để quạt ở chế độ quay, giữ cơ thể cách xa quạt khoảng 1 mét. Điều này có thể làm mát mọi bộ phận trên cơ thể và đạt được nhiệt độ đồng đều, tránh thổi trực tiếp vào một bộ phận, rất dễ mắc bệnh.
3. Kiểm soát thời gian thổi
Dù là máy điều hòa hay quạt, nhiều người không thể ngừng bật vì không thể chịu được mồ hôi trên cơ thể. Bật điều hòa hay quạt lâu dễ gây cảm lạnh, đau bụng, tiêu chảy và các bệnh khác nên cần kiểm soát thời gian bật.
Đổ mồ hôi đúng cách rất tốt cho cơ thể. Không đổ mồ hôi trong thời gian dài sẽ khiến chất độc không được thải ra ngoài cơ thể và dễ gây bệnh tật. Do đó, mọi người hãy để mọi chuyện tự nhiên hơn, giúp cơ thể khỏe mạnh hơn.