Vài ngày trước, một tin nhắn có tiêu đề "Một người đàn ông bị nhồi máu cơ tim do uống nước đá sau khi chơi cầu lông", trở thành xu hướng trên Baidu.
Được biết, đó là ông Vương đến từ Hàng Châu, Chiết Giang (Trung Quốc). Ông đột nhiên cảm thấy tức ngực và khó thở khi đang chơi cầu lông với bạn bè, ngay sau khi uống nước đá vào giờ nghỉ ngơi.
Một người bạn đã đưa ông vào bệnh viện gần đó điều trị. Bác sĩ chẩn đoán ông bị nhồi máu cơ tim. Sau điều trị tích cực, các dấu hiệu sinh tồn của ông dần ổn định.
Trước đó, vào tháng 7/2022, một sinh viên 19 tuổi ở Phúc Châu, Phúc Kiến (Trung Quốc) qua đời vì cơn đau tim do uống đồ uống có đá sau khi chơi bóng rổ.
Hậu quả của việc uống nước đá, đồ uống lạnh sau khi tập luyện vất vả có thực sự nguy hiểm đến vậy? Liệu còn những lưu ý gì khác không thể được thực hiện ngay sau khi tập thể dục hay không?
Tại sao uống nước lạnh có thể gây đau tim?
BS Trương Tứ Quán (Trưởng khoa Hồi sức và Chăm sóc đặc biệt, Bệnh viện Nhân dân thành phố Hàng Châu) cho biết, ông Vương khỏe mạnh bình thường, yêu thích thể thao nhưng thường xuyên thức khuya, cơ thể luôn mệt mỏi.
Ngoài ra, tập thể dục dưới nhiệt độ cao vào mùa hè sẽ tiêu tốn nhiều oxy và làm tăng gánh nặng cho tim. Đổ mồ hôi nhiều gây mất cân bằng điện giải. Uống nước đá gây co mạch nội tạng và làm tăng gánh nặng cho tim. Điều này có thể gây ra co thắt mạch vành, dẫn đến nhồi máu cơ tim.
BS Hồ Đào Hồng (Trưởng khoa Tim mạch, Trung tâm Y tế Quân đội Tên lửa thuộc Hàng Châu) cho biết, khi nhiệt độ cao, các mạch máu khắp cơ thể con người sẽ ở trạng thái căng cứng.
Nếu cơ thể đột nhiên gặp kích thích lạnh sau khi vận động mạnh như uống nhiều nước đá, bật điều hòa, tắm nước lạnh... sẽ khiến các mạch máu co lại. Huyết áp tăng, mức tiêu thụ oxy của tim tăng đáng kể, dẫn đến co thắt mạch máu não.
Khi bị kích thích bởi lạnh, lượng máu cung cấp cho tim và não sẽ giảm đi đáng kể. Từ đó dẫn đến mất cân bằng nghiêm trọng giữa cung và cầu về lượng máu, cơ thể con người không thể bù đắp hiệu quả trong thời gian ngắn. Từ đó làm xuất hiện các triệu chứng như tức ngực, đau thắt ngực. Trong trường hợp nghiêm trọng, nó có thể gây ra nhồi máu cơ tim cấp tính.
Theo các chuyên gia, tim tiêu thụ rất nhiều oxy khi tập thể dục. Tình trạng "thiếu oxy" hình thành sau khi tập thể dục do sự tích tụ axit lactic trong cơ thể đòi hỏi phải giãn nở mạch máu, cần thở nhanh để tăng lượng oxy nạp vào từ bên ngoài và đào thải khí cacbonic.
Nếu uống nhiều nước đá hoặc đồ uống lạnh vào thời điểm này sẽ dễ khiến mạch máu co bóp mạnh, dẫn đến co thắt động mạch vành, thiếu oxy và thiếu máu cục bộ cơ tim, tăng huyết áp. Điều này làm tăng nguy cơ hình thành huyết khối, gây nhồi máu cơ tim và đột tử.
Đừng làm 3 việc này ngay sau khi tập luyện vất vả để tránh nhồi máu cơ tim
1. Ngồi xổm
Nếu bạn ngồi xổm để nghỉ ngơi ngay sau khi tập luyện vất vả, nó sẽ cản trở sự lưu thông của máu ở chi dưới, ảnh hưởng đến tuần hoàn máu, làm cơ thể mệt mỏi hơn.
Vì vậy, sau mỗi bài tập, bạn nên điều chỉnh nhịp thở và thực hiện một số hoạt động như đi bộ chậm. Thực hiện một số bài tập thư giãn hoặc hít thở sâu đơn giản để khuyến khích máu ở tứ chi chảy về tim.
2. Ăn ngay
Trong quá trình tập luyện vất vả, trung tâm thần kinh vận động ở trạng thái hưng phấn cao độ. Máu đi khắp cơ thể tương đối tập trung để cung cấp cho nhu cầu của các cơ quan vận động.
Lúc này, lượng máu cung cấp cho các cơ quan khác nhau trong khoang bụng lại tương đối giảm. Những yếu tố này làm suy yếu nhu động ruột, làm giảm đáng kể sự bài tiết của các tuyến tiêu hóa khác nhau. Tình trạng này cần trở lại bình thường sau khi kết thúc tập luyện 20-30 phút.
Nếu bạn vội vã ăn uống sẽ làm tăng gánh nặng cho cơ quan tiêu hóa, gây rối loạn chức năng, dẫn đến nhiều bệnh khác nhau.
3. Giảm nhiệt độ cơ thể đột ngột
Trong quá trình tập luyện, các mạch máu trên bề mặt cơ thể giãn ra, nhiệt độ cơ thể tăng lên, lỗ chân lông giãn ra và mồ hôi đổ nhiều hơn.
Nếu bạn ngay lập tức bước vào phòng máy lạnh hoặc chợp mắt trước quạt thổi sau khi tập thể dục, dùng nước lạnh để làm mát đầu... sẽ khiến da bị căng và tắc mồ hôi, gây rối loạn chức năng điều hòa nhiệt độ cơ thể. Điều này khiến chức năng miễn dịch suy giảm, dẫn đến cảm lạnh, tiêu chảy, hen suyễn...