Trong cuộc sống hàng ngày, nhiều người không rõ tình trạng sức khỏe của mình cho đến khi vô tình đi khám sức khỏe. Trên thực tế, kiểu khám sức khỏe này thường có thể tiết lộ những vấn đề không mong muốn. Dưới đây là một câu chuyện thực tế để minh họa rõ ràng.
Người đàn ông 54 tuổi bị ung thư túi mật dù có nếp sống lành mạnh
Chú Trương (Hàng Châu, Trung Quốc) năm nay 54 tuổi. Chú thường thích đi bộ, tập thái cực quyền và ăn kiêng nhẹ. Tuy nhiên, trong một lần khám sức khỏe định kỳ vào tháng trước, các bác sĩ bất ngờ phát hiện chú bị ung thư túi mật. Bản thân các bác sĩ cũng vô cùng bất ngờ vì theo logic, thói quen sinh hoạt của chú Trương không tệ. Sao đột nhiên chú Trương lại mắc bệnh nặng như vậy?
Gia đình chú quyết định tìm gặp bác sĩ để tìm hiểu thêm nguyên nhân gây ung thư túi mật. BS Lưu Bá (người thăm khám cho chú Trương) cho biết, ung thư túi mật là một loại ung thư tương đối hiếm gặp nhưng nguy hiểm. Nó có thể do nhiều yếu tố gây ra, bao gồm di truyền, môi trường sống...
Mặc dù chú Trương chú ý đến chế độ ăn uống và tập thể dục vào các ngày trong tuần, nhưng có thể đã bỏ qua một số chi tiết, dẫn đến hại sức khỏe. Khi xuất hiện các triệu chứng ban đầu, chú Trương cũng đã bỏ qua.
Các triệu chứng ban đầu của ung thư túi mật rất khó phát hiện, thường gặp bao gồm đau bụng trên bên phải, khó tiêu, sụt cân... Những triệu chứng này thường bị nhầm lẫn với các vấn đề về đường tiêu hóa thông thường.
Lúc này, chú Trương mới nhớ ra, thỉnh thoảng cảm thấy khó chịu ở bụng vài tháng qua. Chú không để ý lắm, cho rằng đó chỉ là do dạ dày khó chịu. Bác sĩ giải thích, đây là vấn đề thường gặp của nhiều bệnh nhân ung thư túi mật. Họ thường bỏ qua những "vấn đề nhỏ" này và bỏ lỡ cơ hội điều trị tốt nhất.
Ngoài những triệu chứng phổ biến này, ung thư túi mật còn có thể gây vàng da. Điều này là do khối u chặn đường mật, ảnh hưởng đến việc thải mật khiến các phần trắng của da và mắt có màu vàng. Tuy nhiên, vàng da thường xuất hiện vào thời điểm bệnh đã tiến triển nặng.
Vị bác sĩ cũng nhắc nhở, tiền sử gia đình mắc bệnh túi mật là một yếu tố nguy cơ hàng đầu gây bệnh. Sau khi tìm hiểu chi tiết về tiền sử bệnh gia đình của chú Trương, bác sĩ phát hiện, một trong những người họ hàng xa của chú cũng mắc ung thư túi mật. Điều này có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh cho chú.
Lời giải thích của bác sĩ khiến gia đình chú Trương nhận ra, dù thói quen sinh hoạt lành mạnh đến đâu, họ cũng không thể tránh ung thư 100%. Việc tầm soát, khám sức khỏe đều đặn cần duy trì theo định kỳ để phối hợp điều trị và phòng ngừa tốt hơn.
Không chủ quan dù luôn duy trì lối sống lành mạnh
Lối sống lành mạnh rất quan trọng nhưng việc luôn đề phòng bệnh tật cũng không thể xem nhẹ. Mỗi chúng ta nên đi khám sức khỏe định kỳ để có sự hiểu biết toàn diện về tình trạng thể chất của mình.
Quan trọng hơn, một khi phát hiện ra bất thường trên cơ thể, bạn nên đi khám kịp thời. Bạn không nên đợi đến khi vấn đề trở nên nghiêm trọng mới hành động. Đây không chỉ là trách nhiệm cho bản thân mà còn là một cách để bảo vệ gia đình bạn.
Các chuyên gia thừa nhận, những dấu hiệu ban đầu của bệnh túi mật có thể rất khó phát hiện và dễ bị bỏ qua. Nếu bạn có các triệu chứng như đau bụng dai dẳng, khó tiêu, sụt cân đáng kể hoặc vàng da, mắt thì nên tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức. Những triệu chứng này có thể là dấu hiệu của bệnh túi mật, thậm chí là ung thư túi mật.
Trong chế độ ăn uống, bạn nên tăng cường thực phẩm giàu chất xơ để giảm nguy cơ mắc bệnh túi mật. Thực phẩm giàu chất xơ có thể thúc đẩy nhu động ruột, giúp bài tiết mật, từ đó làm giảm sự lắng đọng mật trong túi mật. Đây là một cách đơn giản nhưng hiệu quả để giảm nguy cơ sỏi mật và bệnh túi mật.
Ung thư túi mật xảy ra có thể liên quan nhiều yếu tố. Tuy nhiên, bằng cách khám sức khỏe thường xuyên, chú ý đến các tín hiệu cơ thể và duy trì lối sống lành mạnh, chúng ta có thể giảm thiểu đáng kể nguy cơ mắc bệnh. Hy vọng ví dụ trên sẽ khiến mọi người cảnh giác hơn, quan tâm đến sức khỏe của chính mình hơn nữa.
(Nguồn: Sohu, Mayo Clinic)