Sự việc này đã diễn ra từ năm 2020-2021 tại Trung Quốc. Song mới đây, nó tiếp tục được chia sẻ trở lại trên Sohu và thu hút sự chú ý của nhiều người.

Giang Khương là nhân viên của một công ty thực phẩm chuyên giải quyết các tranh chấp và khiếu nại của khách hàng tại Hàng Châu, Trung Quốc. Hiểu và nắm rõ các quy định của pháp luật, kể từ năm 2020, anh đã vào các siêu thị trong thành phố và chỉ tìm mua những thực phẩm đã hết hạn. Sau đó, anh tiến hành chụp lại biên lai, bằng chứng mua hàng rồi yêu cầu người bán bồi thường theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Trung Quốc).

Người đàn ông đến hơn 52 siêu thị mua thực phẩm đã hết hạn rồi đòi bồi thường, tòa án khẳng định: Anh sẽ chẳng nhận được 1 xu nào- Ảnh 1.

Thông thường bên cạnh hoàn trả tiền hàng, cơ sở kinh doanh còn phải đền bù số tiền bồi thường lớn hơn gấp nhiều lần giá trị của hàng hóa. Để giải quyết vụ việc nhanh chóng và tránh rắc rối, chủ siêu thị thường làm theo yêu cầu mà không ý kiến gì.

Nhận thấy việc làm này có thể kiếm lời, Giang Khương đi khắp các siêu thị ở Hàng Châu chỉ để tìm mua các thực phẩm hết hạn rồi yêu cầu được bồi thường. Theo thời gian, người đàn ông này trở thành “khách hàng quen” của các siêu thị. Chỉ cần anh xuất hiện, nhân viên hiểu rằng sắp có chuyện xảy ra.

Vào khoảng cuối năm 2021, Giang Khương đến 1 một siêu thị trong thành phố để mua một số thực phẩm. Vào thời điểm mua, những loại hàng hóa này đã quá hạn sử dụng. Sau khi yêu cầu chủ siêu thị bồi thường không được, người đàn ông quyết định đưa vụ việc này ra tòa. Đồng thời, anh yêu cầu người bán chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Trung Quốc) với số tiền 5.000 NDT và hoàn lại tiền mua hàng trị giá 30 NDT.

Sau khi tiến hành điều tra và làm rõ, Tòa án phát hiện kể từ năm 2020, Giang Khương đã nhiều lần mua thực phẩm hết hạn rồi làm đơn kiện đòi bồi thường. Đại diện Tòa án thống kê được người đàn ông này đã kiện 52 siêu thị cùng với lý do bán hàng đã quá hạn sử dụng.

Theo Thẩm phán phụ trách, dựa vào Điều 2 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Trung Quốc: Người bán hàng phải bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng trong trường hợp bán sản phẩm đã quá hạn sử dụng.

Trong trường hợp này, Giang Khương có ý thức chụp lại thời điểm mua hàng, thông tin sản phẩm nhằm làm bằng chứng. Tuy nhiên, theo dữ liệu hồ sơ thông tin của người đàn ông này, tòa án cho rằng anh đã lợi dụng kẽ hở của luật pháp để trục lợi. Bởi số tiền đền bù mà người tiêu dùng nhận về lớn hơn rất nhiều lần so với tiền hàng họ bỏ ra ban đầu.

Người đàn ông đến hơn 52 siêu thị mua thực phẩm đã hết hạn rồi đòi bồi thường, tòa án khẳng định: Anh sẽ chẳng nhận được 1 xu nào- Ảnh 2.

Vì thế, tòa án không chấp nhận yêu cầu bồi thường. Tuy nhiên, việc các siêu thị bán thực phẩm đã quá hạn sử dụng cũng là trái với luật định. Họ cần chịu trách nhiệm pháp lý và phải hoàn lại số tiền 30 NDT mà Giang Khương đã mua hàng.

Theo Sohu, thẩm phán của vụ việc này cũng thông tin: Người tiêu dùng phát hiện các hành vi vi phạm Luật An toàn thực phẩm, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các luật khác tại Trung Quốc của bất kỳ cơ sở kinh doanh nào có thể khiếu nại hoặc báo cáo với cơ quan giám sát. Điều này đóng vai trò tích cực trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, đồng thời ngăn chặn các cơ sở buôn bán khỏi những hành vi kiếm lợi bất chấp sức khỏe, tính mạng và quyền lợi của người tiêu dùng.

Nếu biết là hàng giả mà vẫn cố tình mua, lợi dụng việc này để kiện cáo và trục lợi cho mình thì người đó đã vi phạm nguyên tắc trung thực trong quan hệ dân sự tại Trung Quốc.

Theo Sohu