Một người đàn ông họ Hứa, sống tại Thượng Hải (Trung Quốc) đột tử giữa đêm ở tuổi 48 sau 3 ngày thức khuya liên tiếp. Vợ của ông Hứa kể lại, khoảng gần 1 giờ sáng, đang ngủ thì nghe thấy kêu cứu của chồng từ phòng khách tầng một vọng lên. Sau đó là tiếng động lớn kèm theo tiếng đồ đạc đổ vỡ nên tưởng là trộm đột nhập vào nhà.

Khi chạy xuống đến phòng khách, bà Hứa sững sờ khi thấy chồng mình nằm co quắp trên sàn nhà, hai tay ôm ghì lấy ngực. Nhịp thở của ông rất khó khăn, da xanh xao, đổ nhiều mồ hôi, cau mày vì đau đớn. Ngay lập tức, bà gọi xe cấp cứu đưa ông Hứa tới bệnh viện.

Bác sĩ tại phòng cấp cứu Bệnh viện Nhân dân số 9 thuộc Trường Y Đại học Giao thông Thượng Hải (Trung Quốc) cho biết ông Hứa bị nhồi máu cơ tim cấp tính. Sau nhiều giờ nỗ lực đội ngũ y bác sĩ vẫn không thể cứu sống ông Hứa, ông qua đời ngay trong đêm đó khi mới 48 tuổi.

Người đàn ông đột tử giữa đêm vì làm 2 việc này khi thức khuya - Ảnh 1.

Người đàn ông 48 tuổi qua đời vì nhồi máu cơ tim sau 3 đêm thức khuya liên tiếp (Ảnh minh họa)

Theo bác sĩ Yin Zhaofang, Phó trưởng khoa Tim mạch của bệnh viện, lý do gây nhồi máu cơ tim ở ông Hứa là lối sống không lành mạnh. Cụ thể, ông thường xuyên thức khuya và còn làm một việc khác rất hại cho trái tim trong lúc thức khuya là hút nhiều thuốc lá.

Bà Hứa cho biết, mấy năm gần đây sau khi nghỉ việc công chức sớm và làm ở nhà, ông Hứa rất hay thức khuya. Nhiều lần vợ con khuyên ông đi ngủ sớm để bảo vệ sức khỏe nhưng ông đều nói là không ngủ được, thức khuya xem vô tuyến thú vị hơn xem ban ngày. Những ngày như vậy, buổi sáng bà Hứa dọn dẹp phòng khách đều thấy tàn thuốc lá chất đầy trong gạt tàn, ông còn uống cả bia rượu nếu xem bóng đá.

Cũng theo lời kể của bà Hứa, cơn nhồi máu cơ tim của chồng mình thật ra không hề đến âm thầm. Bắt đầu từ 2 tháng trước, ông Hứa thỉnh thoảng lại bị đau tức ngực, nhất là vào ban đêm. Khi leo cầu thang hay đi bộ nhanh một chút là ông thấy khó thở, chóng mặt và còn bị mất thị lực thoáng qua. Tuy nhiên, khi người nhà khuyên đi thăm khám ông liền gạt phăng đi, cho rằng mình sắp bước sang tuổi 50 và tăng cân khá nhiều nên cơ thể chưa kịp thích nghi. Đêm xảy ra sự việc là đêm thứ 3 liên tiếp ông Hứa thức khuya và hút rất nhiều thuốc.

Bác sĩ cảnh báo những việc làm khi thức khuya dễ gây nhồi máu cơ tim

Bác sĩ Yin Zhaofang khẳng định, bản thân việc thức khuya đã là hành động cực hại cho tim mạch và làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim nếu lặp lại trong thời gian dài. “Mỗi cơ quan trong cơ thể đều có đồng hồ sinh học của riêng mình, trái tim cũng vậy. Ban đêm vốn đã là thời điểm trái tim dễ bị tổn thương hơn do nhiều yếu tố như: nhiệt độ, độ nhớt và tuần hoàn của máu, sự mệt mỏi sau một ngày dài, sự chèn ép do tiêu hóa chưa hết thức ăn…

Thức khuya lâu ngày sẽ dẫn đến thiếu ngủ, khả năng miễn dịch suy giảm, sức lực và thể lực của con người sẽ trở nên kém hơn. Đồng thời, cũng có thể dẫn đến rối loạn nội tiết, khiến cơ thể tiết ra nhiều hormone co mạch cùng hormone gây stress và các chất gây viêm trong máu cao hơn. Đây là các tác nhân chính gây ra bệnh lý tim mạch” - ông giải thích.

Đặc biệt, bác sĩ Yin Zhaofang nhấn mạnh rằng thức khuya kết hợp với một số hành vi khác có thể làm tăng nguy cơ tai biến tim mạch. Ví dụ như ở trường hợp của ông Hứa là thức khuya đi kèm hút thuốc, uống bia rượu. Chưa kể, bản thân ông hàng ngày vốn lười vận động và thừa cân.

Theo ông, nếu phải chọn ra 4 hành vi thực hiện khi thức khuya làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim cao nhất thì sẽ bao gồm:

- Hút thuốc: Thức khuya khiến nhiều người buồn chán, buồn ngủ và dễ hút thuốc nhiều hơn bình thường. Hút thuốc vào thời điểm nào cũng hại sức khỏe nhưng hút khi thức khuya thì càng hại gấp nhiều lần. Bác sĩ Yin Zhaofang nói: “Khi thức khuya dễ dẫn đến hưng phấn thần kinh giao cảm, dễ làm tăng huyết áp, tăng nhịp tim. Khi bạn hút thuốc, các chất có hại trong thuốc lá cũng sẽ làm tổn thương mạch máu trong khi ban đêm máu nhớt và tuần hoàn chậm hơn. Sự kết hợp của cả hai một cách tự nhiên sẽ làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim lên rất nhiều”.

- Uống rượu bia: Nếu kết hợp thức khuya với chứng nghiện rượu bia cũng sẽ gây hại rất lớn cho sức khỏe. Uống rượu bia sẽ ảnh hưởng đến huyết áp, khiến huyết áp tăng cao, dễ gây tăng huyết áp đột ngột và áp lực quá mức lên trái tim. Do đó, nhiều tai nạn cấp tính về tim mạch và mạch máu não xảy ra sau khi uống rượu bia, nhất là vào ban đêm khi nhiệt độ thấp, cơ thể mệt mỏi và tuần hoàn máu chậm hơn.

Người đàn ông đột tử giữa đêm vì làm 2 việc này khi thức khuya - Ảnh 3.

Bản thân thức khuya đã có hại, nhưng sẽ càng hại tim hơn nếu bạn ăn khuya, hút thuốc, uống bia rượu (Ảnh minh họa)

- Ăn khuya: Khi thức khuya, nhiều người có xu hướng đói bụng hoặc ăn khuya chỉ vì buồn chán. “Ăn khuya vốn không tốt cho sức khỏe và thức khuya cũng vậy. Khi chúng kết hợp với nhau thì càng dẫn tới mỗi nguy sức khỏe lớn hơn. Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, việc ăn khuya có thể làm giảm lưu lượng máu lên não khoảng 20-30%, làm tăng nguy cơ đột quỵ và các biến chứng liên quan. Vì vậy, việc ăn nhẹ và tránh ăn quá no vào buổi tối là một cách hiệu quả để giảm nguy cơ đột quỵ khi ăn khuya” - bác sĩ Yin Zhaofang nhắc nhở.

- Chơi bài/mạt chược, xem những chương trình có tính kích thích: Không ít người thức khuya để chơi bài hoặc xem những trận bóng đá, gameshow và theo Yin Zhaofang thì điều này không tốt cho tim mạch. Bản thân việc ngồi lâu một chỗ làm những việc này đã có hại cho tim, cộng thêm tâm lý thắng thua, cảm giác hồi hồi, căng thẳng khiến tim bị kích thích liên tục. Điều này làm tăng nguy cơ gặp tai biến tim mạch, đặc biệt là với những người vốn gặp vấn đề về tim mạch - mạch máu não.

Ông chia sẻ thêm, bên cạnh những người thức khuya vì thói quen hay sở thích giải trí thì cũng có nhiều người buộc phải thức khuya vì công việc, học tập. Lời khuyên ông đưa ra là nên hạn chế thức khuya hết mức có thể. Nếu bắt buộc phải thức khuya, hãy tránh xa 4 hành vi có hại kể trên, đồng thời không làm việc quá sức hay ngồi lâu 1 chỗ, cho cơ thể nghỉ ngơi/giãn cơ khoảng 40 - 60 phút một lần. Nên uống nước lọc rải rác trong thời gian thức khuya, quá đói thì ăn thực phẩm ít đường, ít dầu mỡ và giàu chất xơ. Quan trọng là cần cho cơ thể thời gian nghỉ ngơi và bổ sung dinh dưỡng để phục hồi vào hôm sau.

Nguồn và ảnh: Sohu, Family Doctor