Người đàn ông 36 tuổi đến từ Hàng Châu, Trung Quốc đã chết trong một cuộc phỏng vấn xin việc sau thời gian lao lực, thức khuya làm thêm giờ ở công ty cũ. Theo China Press, người đàn ông này bất ngờ ngã quỵ khi nói chuyện với người phỏng vấn xin việc vào ngày 26/11. Anh ta ngay lập tức được đưa đến bệnh viện nhưng tiếc rằng mọi chuyện đã quá muộn.
Người phỏng vấn nói rằng, qua quá trình trao đổi, người đàn ông xấu số đã tiết lộ rằng bản thân luôn thức khuya để làm thêm giờ và đó là lý do khiến anh ta muốn nghỉ việc ở công ty cũ và thay đổi môi trường làm việc mới. Ngoài ra, anh ta còn chia sẻ mình có tiền sử bị bệnh huyết áp cao.
Vị bác sĩ trực tiếp cấp cứu cho người đàn ông 36 tuổi cho biết, anh ta đột tử vì một cơn đau tim. Ông nói thêm, các bệnh nhân mắc bệnh tim mạch và cao huyết áp đều có nguy cơ bị ngừng tim đột ngột.
Căn bệnh này đặc biệt nguy hiểm bởi ngay cả những người cảm thấy khỏe mạnh nhất cũng có thể gặp phải. Thậm chí, nhiều người còn không có bất kỳ triệu chứng nào bất thường trước khi tình huống xấu xảy ra.
Vị bác sĩ cũng đề cập, ông đã điều trị cho một bệnh nhân khác bị đau tim cấp tính tại nơi làm việc cách đây hai tuần trước. Sau quá trình điều trị tại bệnh viện, tình trạng của bệnh nhân đã được cải thiện nhưng anh ta vẫn lo lắng muốn được xuất viện sớm vì có rất nhiều việc phải làm nếu anh ta quay lại văn phòng.
Bác sĩ khuyên những người đã trải qua cơn đau tim dù chỉ một lần nên cẩn thận hơn và tránh làm việc quá sức để ngăn ngừa đột tử như trường hợp của người đàn ông 36 tuổi trên.
Và không chỉ riêng tim mạch bị ảnh hưởng khi làm việc quá sức, mà ngay cả chức năng miễn dịch, hệ thống xương khớp, não bộ... cũng gặp phải các rủi ro nhất định nếu dân văn phòng duy trì tình trạng làm việc trong trạng thái áp lực thường xuyên mà không dành thời gian nghỉ ngơi hợp lý.
Không giống như stress, khi căng thẳng qua đi, cơ thể có những cơ chế phục hồi tự nhiên, nhịp tim ổn định trở lại như bình thường, cơ bắp cũng bắt đầu dãn ra. Tuy nhiên nếu stress với tần suất ngày nào cũng như ngày nấy, làm việc quá giờ, thì nguy hại không cách nào tả xiết bởi nguy cơ đột tử đã tăng lên mức báo động.
Vậy nên, lời khuyên đưa ra là hãy nghỉ ngơi hợp lý và yêu quý chính sức khỏe của mình. Sức khỏe là tài sản quan trọng nhất của mỗi con người, phấn đấu để giàu có đến mức nào đi chăng nữa, một khi bệnh tật kéo đến thì cũng lâm vào cảnh “lực bất tòng tâm”. Không ai cấm chúng ta chăm chỉ để kiếm tiền, nhưng chăm chỉ thôi chứ đừng nên đánh đổi.
Thêm lời khuyên nữa cho dân công sở rằng, nếu vô tình bị cuốn vào áp lực công việc đến mức mình… đã quen với nó, hãy dành ra vài phút để cảm nhận phản ứng của cơ thể cũng như là tự đặt ra các câu hỏi trong đầu đại loại như “mục đích làm việc của mình là gì?”.
Khi câu trả lời cho câu hỏi ấy không phải là “để chết”, “để đột tử” hay “để rước bệnh vào thân” thì hãy nhanh chóng tìm cách thoát khỏi áp lực dù cho có phải thay đổi công việc mới.
Hai chữ "áp lực" hoặc "kiệt sức", nói ra thì nghe phổ biến, bình thường nhưng thực chất, nó chính là một hồi chuông cảnh báo cho một hệ quả tiêu cực ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Nghe hồi chuông này, dân công sở nên thức tỉnh đi thôi!
(Nguồn: China Press)