Bi kịch từ mối tình vụng dại
Trong căn nhà nhỏ ở cuối ngõ 255, đường Tân Mai, chúng tôi gặp chị Quế khi chị vừa tất tả đón con đi học về. Mẹ chị Quế nhìn con với ánh mắt đầy hạnh phúc, bà chỉ tay về phía cô con gái rồi bảo: “Mười năm trước, ai cũng bảo nó hết đời con gái rồi”. Bà bảo: “Đúng là số mệnh cả đấy cô ạ. Trước tôi không tin vào số mệnh nhưng bây giờ thì tôi tin rồi”.
Chị Quế sinh ra ở thành phố Yên Bái. Bố chị công tác dưới Hà Nội. Năm 13 tuổi, chị được bố mẹ đưa xuống Hà Nội sinh sống. Gia đình chị chưa hưởng được hạnh phúc nơi thủ đô thì em trai chị Quế bị u não và qua đời. Từ khi em chị mất, bố mẹ chị thường hay cãi nhau. Hơn một năm sau, họ ly hôn. Chị Quế ở với mẹ. Mẹ con chị được bố mua cho mảnh đất 17 mét vuông đã có nhà xây cấp 4. Họ coi đó là nơi che nắng, che mưa của mình. Hằng ngày, bà Yến (mẹ chị Quế) ra chợ mua bán vặt vãnh củ hành, quả ớt. Bố chị lấy vợ mới và có em bé.
Khi đang học cao đẳng năm thứ nhất, chị Quế quen Vũ Ngọc Chung trú tại Mai Động. Gia đình Chung khá giàu có. Nhớ lại, chị Quế bảo: “Chung yêu và lo cho tôi từng tý một. Anh nhiều tuổi nhưng không quá cổ hủ. Hai đứa bàn tính sẽ làm đám cưới nên tôi đã trao cái ngàn vàng cho Chung. Có ai biết được chữ ngờ đâu.”
Biết hoàn cảnh của Quế, người nhà Chung phản đối kịch liệt. Họ cho rằng Quế chèo kéo con trai mình để kiếm chác của cải. Khi gia đình nhà trai tuyệt tình với mình, Quế sống dở chết dở. Chị hoảng sợ và lo lắng vì đã không còn trong trắng. Chị Quế nhớ lại: “Tôi mệt mỏi đến nỗi không để ý đến chu kỳ kinh nguyệt, hơn nũa chu kỳ con gái lại thất thường nên không biết mình có thai. Đến khi siêu âm, cái thai đã được hơn 4 tháng”.
Mang chuyện mình có bầu kể với Chung, chị Quế không ngờ rằng Chung lại xui mình đi phá bỏ. Mẹ Chung cho rằng chị muốn lấy cái thai để đòi làm dâu nhà họ. Chị cay đắng khi nhớ lại từng lời người mẹ ấy dùng để mắng chửi mình: “Bà ấy mỉa mai nói chắc gì đã phải con thằng Chung, cô ăn nằm được với thằng Chung thì thằng khác cũng chẳng khó gì. Bố cô vợ nọ, con kia thì con cái cũng chẳng ra gì”. Quế về nhà kể với mẹ. Dù rất đau xót, bà Yến động viên con hãy coi đó là số phận. Đứa trẻ không có tội nên phải sinh nó ra. Nếu không có điều kiện sẽ cho đi làm con nuôi.
Hạnh phúc đến từ cơn trở dạ bơ vơ
Trong suốt thời gian mang bầu, chị Quế nghỉ học đi phụ bán hàng với mẹ để kiếm thêm tiền. Ngày đó, ai nhìn thấy chị cũng ái ngại. Người ta bảo: “Đời con gái chửa hoang coi như hết”. Có đêm, hai mẹ con chị nằm ôm nhau khóc vì những lời nói của hàng xóm như dao cứa vào lòng họ. Nghĩ đến cái chết có thể giải thoát cho mình, chị Quế đã viết thư để lại cho mẹ. Nhưng khi mua gói thuốc diệt chuột về, chị Quế lại không dám uống vì nghĩ đến đám tang của người em trai, mẹ chị đã khóc khan cả tiếng. Nếu chị chết đi, mẹ chị sẽ sống thế nào? Nghĩ đến mẹ, chị Quế tự nhủ cố gắng vượt qua.
Vào đêm đầu hè, chị Quế đi bộ tập thể dục. Bước chân đưa đẩy thế nào, chị đi bộ ra tận khu cầu Mai Động. Chị bảo hình như mình vẫn muốn đi ra đó xem người ta sống thế nào. Khi về, nhìn đồng hồ nhà người ở bên đường đã chỉ quá 11h đêm, chị Quế gọi cho mẹ thông báo chị đang đi thể dục, kêu mẹ ngủ trước. Ngay sau cuộc điện thoại, chị Quế thấy tự nhiên mình buồn đi tiểu tiện mà không tự chủ được. Chiếc quần của chị ướt sũng. Cơn đau bụng tự nhiên dồn đến khiến chị gục ngay bên đường, ôm bụng khóc.
Chị nhớ: “Tôi chỉ nhớ đau bụng một tý là nó dồn sang đau lưng khiến mình mẩy không đứng dậy nổi. Tôi nghĩ có khả năng vỡ ối, lưng như có triệu triệu con kiến, mũi kim đâm vào”. Ngay lúc ấy, một thanh niên vừa gọi điện từ bốt điện thoại cạnh đó chạy ra đỡ chị Quế lên vỉa hè.
Sau đó, người thanh niên bế chị vào một chiếc quán dựng tạm ven đường. Anh nhờ mấy người đang ngồi trong quán gọi xe giúp. Lúc ấy, đầu đứa bé đã thò hẳn ra ngoài. Chị Quế chỉ kịp nói: “Đứa bé…” Nhanh như cắt, người thanh niên trẻ kéo quần chị xuống rồi động viên chị cố lên. Anh ta thuần thục đỡ đẻ, lấy tay đỡ đầu để em bé chào đời được an toàn. Trong giây phút ấy, những người đứng cạnh đều rất ngạc nhiên. Người đi gọi taxi, người gọi lên trạm y tế phường. Khi cuộc sinh đẻ kết thúc, chị Quế và em bé được đưa lên nhà hộ sinh ở Lò Đúc để cắt rốn và vệ sinh tầng sinh môn.
Người thanh niên ấy đã đi làm thủ tục nhập viện cho chị. Hơn một tiếng sau, chị tỉnh lại đã thấy một bé gái kháu khỉnh nằm cạnh mình. Nhìn con, chị rơi nước mắt. Người ngồi cạnh lấy khăn lau khô giọt nước mắt cho chị là anh Bùi Công Hoạt, quê ở Thái Bình. Lúc này, chị mới biết anh chính là người đỡ đẻ đêm qua và đưa mẹ con chị vào nhà hộ sinh.
Đến sáng, chị Quế nhờ anh Hoạt đến địa chỉ nhà ở Hoàng Mai đón mẹ chị lên. Bà Yến bảo: “Khi thấy Hoạt đến bảo Quế sinh đêm qua tôi giật hết cả mình. Cả đêm không thấy con về lo không ngủ được nhưng khi biết mẹ tròn, con vuông, tôi cũng yên tâm phần nào”.
Từ sau hôm đó, hầu như ngày nào anh Hoạt cũng ghé thăm mẹ con Quế. Anh thương bé Thanh Trà như con ruột của mình. Sau này, chị Quế mới biết anh Hoạt là thợ hồ đang nhận công trình ở khu Mai Động. Từ cái duyên đỡ đẻ, anh Hoạt coi như mình và Quế có duyên phận.
Nói đến người chồng hiện tại của mình, chị Quế kể, anh Hoạt mất 8 năm liền theo đuổi chị từ sau cái đêm đó. Hằng tuần, anh mua quà đến cho bé Trà. Bé Trà tưởng anh chính là cha của bé nên luôn gọi anh là bố. Anh trở thành chỗ dựa cho ngôi nhà có ba người phụ nữ ấy. Diệt chuột, diệt côn trùng, chống dột, con ốm đều một tay anh Hoạt làm giúp. Chị Quế bán hàng nên ngày nào cũng 9, 10 giờ đêm mới về. 8 năm ấy, bao nhiêu lần anh ngỏ lời cầu hôn nhưng đều bị chị Quế từ chối.
Đến năm 35 tuổi, anh Hoạt bị gia đình giục cưới vợ nhiều quá. Anh đành đến nhà Quế hỏi chị: “Nếu em không cưới anh, anh sẽ bỏ Hà Nội về quê làm trang trại và lấy cô vợ ở quê để bố mẹ anh yên tâm”. Nghe nói đến anh Hoạt về quê, chị Quế lo lắng vì sự che chở của anh trong thời gian qua trở thành thói quen của gia đình nhỏ. Bà Yến bảo: “Tôi động viên con rằng tình cảm Hoạt dành cho nó thời gian qua đã là thử thách lớn rồi. Cuối cùng, chị Quế cũng chấp nhận làm đám cưới với anh Hoạt.
Ba năm nay, họ sống với nhau rất hạnh phúc. Chị Quế đã sinh thêm được một bé trai. Hằng ngày, anh Hoạt vẫn đi làm công trình ở Từ Liêm, đến tối anh lại về nhà với vợ con. Căn nhà cấp bốn ẩm thấp giờ đã được xây thành ba tầng. Dù có chút chật chội nhưng với họ, đó thực sự là tổ ấm vì ở đó có tình yêu.