Năm 2010, người đàn ông họ Trần gửi tiết kiệm 19 triệu NDT tại một ngân hàng địa phương ở tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) trước khi đi công tác nước ngoài. 5 năm sau, việc đầu tiên ông làm khi trở về nước là đến ngân hàng rút tiền để mở công ty riêng. Tuy nhiên khi ông Trần yêu cầu rút toàn bộ số tiền trong tài khoản và lãi, nhân viên lại nói số dư trong thẻ chỉ còn 34 NDT (120.000 đồng).
Ông Trần ngỡ ngàng, yêu cầu nhân viên và quản lý ngân hàng kiểm tra lịch sử giao dịch nhưng không được chấp nhận. Họ nói yêu cầu sao kê số tiền lớn theo lời ông Trần cần sự đồng ý của cấp trên. Thấy số tiền tiết kiệm bốc hơi bất thường, ông Trần báo cảnh sát Trung Quốc để điều tra.
Cuối cùng, phía ngân hàng cũng hợp tác để cung cấp sao kê cho cảnh sát. Kết quả cho thấy trong 5 năm qua, tài khoản của ông Trần đã có đến 500 giao dịch rút và chuyển tiền trong khi người đàn ông này ở nước ngoài, không thể thực hiện được việc này. Phần lớn các giao dịch được cho là dùng để mua cổ phiếu và các sản phẩm tài chính, hoặc chuyển đến các tài khoản ngân hàng khác.
Ông Trần xem kỹ lịch sử giao dịch phát hiện tiền được chuyển đến 1 tài khoản có tên ông Bạch. Ông Bạch là người bạn đã giới thiệu ông gửi tiết kiệm tại ngân hàng này và rủ ông mua một số sản phẩm tài chính. Thời điểm đó ông Bạch mới thăng chức từ nhân viên giao dịch lên quản lý, nên ông Trần cũng tin tưởng gửi tiền vào đây.
Tài khoản tiết kiệm ông Trần thực tế đứng tên vợ để nếu trong trường hợp vợ cần gấp, có thể rút tiền ngay lập tức. Lúc này ông Trần mới nhớ ra vợ cũng có mật khẩu tài khoản nên ông lập tức về nhà để hỏi vợ về tung tích số tiền tiết kiệm 19 triệu NDT. Điều ông Trần bất ngờ nhất là việc chính vợ ông đã ký giấy ủy quyền sử dụng tài khoản và cho ông Bạch biết mật khẩu thẻ ngân hàng.
Khi ông Trần đi công tác, ông Bạch thường xuyên hẹn gặp bà Trần để giới thiệu về các sản phẩm tài chính có thể sinh lời hàng chục nghìn NDT mỗi tháng. Ông Bạch cho rằng gửi tiết kiệm có lãi suất thấp, để tiền nhàn rỗi như vậy là phí nên đề nghị thử giúp bà Trần rút tiền đem đi đầu tư. Những tháng đầu tiên, thấy số dư tài khoản tăng lên đều nên người phụ nữ này hoàn toàn yên tâm giao tài khoản cho ông Bạch.
Sau 1 năm, ông Bạch cho biết sẽ đem tiền đi đầu tư dài hạn nên mỗi tháng sẽ không trả lãi đều đặn, bù lại lợi nhuận sẽ lớn hơn gấp 3, 4 lần. Bà Trần không nghi ngờ, dù thực tế ông Bạch đã dùng tiền để đầu tư nhưng gần như mất hết.
Trong suốt 4 năm, người đàn ông này vẫn duy trì liên lạc, làm giả báo cáo về số dư tài khoản để qua mắt bà Trần. Nghe tin ông Trần sắp trở về sau chuyến công tác dài 5 năm, ông Bạch cũng từ chức và bỏ trốn ngay trước đó.
Ông Trần nộp đơn kiện ngân hàng ra tòa để đòi lại số tiền đã mất. Tuy nhiên, ngân hàng cho rằng tài khoản của ông Trần không có dấu hiệu bị hack hay đánh cắp thông tin, vợ ông là người chủ động giao thẻ và mật khẩu cho ông Bạch. Việc ông Bạch sử dụng tiền vào mục đích khác, đây không phải lỗi và trách nhiệm của ngân hàng. Tòa án cũng đồng tình với lập luận của ngân hàng, bác yêu cầu bồi thường của ông Trần.
Cảnh sát bắt được ông Bạch tại Quảng Đông (Trung Quốc), bị kết án 15 năm tù và phải trả lại số tiền 19 triệu NDT cũng như bồi thường cho ông Trần. Dù vậy, người đàn ông này cũng không có khả năng trả nợ, ông Trần khó để đòi lại số tiền tiết kiệm đã mất.
Cảnh sát Trung Quốc lên tiếng nhắc nhở mọi người nên tuyệt đối bảo mật tài khoản ngân hàng của bản thân, không giao cho người lạ và không nên tin tưởng những lời chào mời đầu tư lãi suất cao khi bản thân không có nhiều kiến thức về tài chính.
Theo Toutiao