2 triệu chứng cảnh báo suy thận nhưng bị bỏ qua
Anh N.V.D (34 tuổi, tại Hà Nội) là một trường hợp mới được chẩn đoán suy thận mạn giai đoạn cuối.
Từ trước đến nay, anh D cho biết chưa từng đi khám sức khỏe. Thời gian gần đây, anh thường có dấu hiệu mệt mỏi nhưng nghĩ là do công việc, nghỉ ngơi rồi sẽ hết. Sau đó, anh xuất hiện thêm dấu hiệu đau đầu. Tuy nhiên anh không nghĩ nhiều vì có tiền sử bệnh xoang. Anh tự mua thuốc về uống.
Đến khi mệt mỏi và đau đầu tăng, xuất hiện thêm dấu hiệu phù hai chân, anh D mới đi khám. Kết quả siêu âm cho thấy hai thận của anh đã teo nhỏ, xét nghiệm cho thấy chức nặng thận đã không còn.
Anh D được bác sĩ chẩn đoán suy thận mạn giai đoạn cuối, tăng huyết áp, thiếu máu, tràn dịch đa màng, được chuyển vào điều trị nội trú. Bác sĩ chỉ định anh D lọc máu cấp cứu. Nếu không lọc máu, anh D có thể nguy kịch tới tính mạng.
Khi được bác sĩ thông báo bệnh tình, anh D không khỏi bàng hoàng. Anh cũng rất hối hận vì trước đó đã bỏ qua những triệu chứng cảnh báo sớm. "Giá như tôi thu xếp công việc đi khám sớm thì không phải ôm máy chạy thận suốt đời", anh D nói.
Dấu hiệu cảnh báo suy thận
ThS.BS CKII Nguyễn Đăng Quốc, Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Thanh Nhàn, cho biết bệnh thận mạn tính diễn biến rất âm thầm ở giai đoạn đầu, mọi người dễ bỏ qua các triệu chứng. Ở giai đoạn sớm, nếu bệnh nhân đi khám sức khỏe thì có thể tình cờ phát hiện ra bệnh.
Các triệu chứng suy thận mạn giai đoạn sớm là đau đầu, hoa mắt, chóng mặt. Nhưng mọi người thường bỏ qua các triệu chứng này và tự mua thuốc điều trị tại nhà, mất đi cơ hội kiểm soát bệnh.
Khi diễn biến tới giai đoạn cuối, bệnh nhân suy thận sẽ có các triệu chứng đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi với tần suất dày, tự dùng thuốc uống nhưng không suy giảm.
Bác sĩ Quốc cho hay rất khó để xác định nguyên nhân suy thận mạn ở người trẻ. Bệnh nhân thường đến viện muộn, lúc thận đã teo nhỏ, việc sinh thiết thận để tìm nguyên nhân không còn giá trị nhiều.
Việc suy giảm chức năng thận ở người trẻ hiện nay có liên quan tới nhiều yếu tố nguy cơ, ví dụ như ăn uống thiếu khoa học, ăn đồ ăn hại cho thận; học tập, làm việc căng thẳng; ít thể dục thể thao; có tăng huyết áp mà không kiểm soát.
Phòng ngừa suy thận
Để phòng ngừa bệnh suy thận mạn, người trẻ cần lưu ý:
- Có lối sống lành mạnh, tránh các bệnh chuyển hóa như béo phì, đái tháo đường, tăng huyết áp, tăng acid uric…
- Dùng thuốc đúng chỉ định, không lạm dụng thuốc giảm đau, không tự ý dùng thuốc (kể cả thuốc lá) khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
- Có chế độ ăn uống cân đối, lối sống khoa học, tăng cường vận động thể thao, uống nhiều nước.
- Đi khám sức khỏe mỗi năm, tầm soát bệnh thận bằng ít nhất 3 loại xét nghiệm: thử nước tiểu, thử máu đánh giá chức năng thận, siêu âm hệ niệu.
- Đối với người trẻ, khi có dấu hiệu tăng huyết áp cần phải đi khám để loại trừ nguy cơ mắc bệnh thận sớm.