Trong cuộc sống hôn nhân, có nhiều điều xích mích nho nhỏ đủ sức phá hỏng nó. Đó có thể là chuyện người đàn ông quá gia trưởng, thiếu tôn trọng hay thậm chí anh ta kĩ càng trong việc chi tiêu.

Nhiều người qua "một lần đò" cũng mong muốn tìm được người phù hợp, xây dựng tổ ấm mới, lần nữa được thành vợ, thành chồng. Thế nhưng, đâu phải hành trình đó của ai cũng thuận lợi đâu. Có hàng loạt những vấn đề có thể xảy đến bất cứ lúc nào phá tan đi mong mỏi đó. Đơn giản như việc bất đồng chuyện nuôi con, tình huống khó khăn khi dọn về ở chung hay trực tiếp nhất chính là mâu thuẫn về kinh tế.

Trong chương trình "Hẹn ăn trưa" số mới nhất, người đàn ông gốc Hoa tên Tài Nhục Cẩm 42 tuổi được ghép đôi với Nguyễn Thị Trúc Linh, 41 tuổi. Thế nhưng cuối cùng cả hai đều không bấm nút hẹn hò với nhau. Nguyên nhân có lẽ ai cũng đoán trước được từ những gì cả hai thể hiện trong cuộc trò chuyện.

Ở show hẹn hò, vừa gặp mặt người đàn ông chào bạn gái là "chị" cùng tuyên ngôn gây bão: "Vợ đi chợ ngày nào đưa tiền ngày đó" - Ảnh 1.

Cuộc nói chuyện của hai người trong chương trình "Hẹn ăn trưa".

Người đàn ông chia sẻ đang sống với mẹ già khá khó tính cùng con trai 8 tuổi và thuê nhà ở, kinh doanh giày dép tại TP. Hồ Chí Minh. Anh 42 tuổi nhưng "mới tạm ổn định, đủ sống chứ không có dư". Anh Cẩm cũng nhận mình "gia trưởng chút xíu" và chi tiêu tính toán trong vấn đề tiền nong.

Chị Trúc Linh, sinh sống tại Bình Dương và cũng buôn bán tự do. Chị ly hôn với chồng năm 2011 rồi thuê nhà nuôi hai con gái 23 tuổi và 16 tuổi.

Trong lúc nói chuyện, chị Linh tâm sự nếu lấy chồng về thích chui vào nách chồng ngủ. Tuy nhiên anh Cẩm không thích chuyện này, thẳng thắn nói không và bảo rằng "mình ngủ một mình quen rồi, lấy vợ ngủ kế bên chứ không ôm được".

Sau khi mở màn che mặt, anh Cẩm nhanh chóng gọi chị Linh bằng chị dù cô ít hơn anh 1 tuổi. Người đàn ông này sau đó hỏi ngay đến chuyện tiền bạc và quản lý tài chính nếu cả hai tiến đến hôn nhân.

Ở show hẹn hò, vừa gặp mặt người đàn ông chào bạn gái là "chị" cùng tuyên ngôn gây bão: "Vợ đi chợ ngày nào đưa tiền ngày đó" - Ảnh 2.

Anh cho rằng tiền bạc thì ai làm người ấy giữ, lúc nào chị cần đi chợ thì anh sẽ đưa tiền. Chị Linh thì quan niệm hai bên ai giữ cũng được nhưng chi tiêu thì phải bàn bạc:

"Em nghĩ rằng khi đã lấy nhau thì ai giữ tiền cũng được nhưng phải đảm bảo sự chính xác. Ai muốn tiêu cái gì cũng phải bàn bạc với đối phương. Em không muốn 'tiền ai nấy xài' vì mình đã sống chung nhà, cơm nước cùng nhau thì tiền nong cũng phải cùng nhau chia sẻ".

Ở show hẹn hò, vừa gặp mặt người đàn ông chào bạn gái là "chị" cùng tuyên ngôn gây bão: "Vợ đi chợ ngày nào đưa tiền ngày đó" - Ảnh 3.

Lời tuyên bố của anh Cẩm khiến chị Linh bất ngờ.

Cuối cùng cuộc tranh cãi ấy không có hồi kết và cả hai quyết định không bấm nút hẹn hò. Ngay sau đó, MC Cát Tường cũng phải khuyên bảo người đàn ông này rằng bớt sự gia trưởng và khó tính của mình thì mới có thể lấy được vợ.

Một người xem bình luận: "Đây là quyết định chính xác của chị Linh vì anh Cẩm quá chi lu trong tiền bạc, nếu có cưới nhau thì không chắc cuộc sống sẽ hạnh phúc. Chúc mừng chị đã không 'lạc đường' lần nữa".

Cũng có hoàn cảnh 1 phần nào giống như nhân vật trên, anh Phong chia sẻ: "Tôi cũng từng có suy nghĩ như anh chàng kia. Chắc vì thế mà vợ tôi bỏ tôi đi. Nhưng chỉ khi mất mát người ta mới hiểu được những tật xấu mình nghĩ cỏn con lại có thể 'giết chết' 1 cuộc hôn nhân, thậm chí làm mất cơ hội đến với những mối quan hệ mới. Cũng vì hoàn cảnh tôi khó khăn quá nên thành ra tính toán. Nhưng đàn ông tiết kiệm thì được mà đừng thành bủn xỉn, độc đoán. Phụ nữ quản lý kinh tế không sai đâu, có thể đàn ông mới yên tâm lo sự nghiệp lớn".

Kinh tế, tiền bạc, chi tiêu luôn là một vấn đề nhạy cảm trong hôn nhân. Đương nhiên, cuộc sống thường nhật với gạo, dầu, mắm, muối... thì phải liên quan đến tiền rồi. Thế nhưng chi tiêu thế nào, tiền bạc với hai vợ chồng ra sao cũng là một chuyện phải bàn bạc kĩ lưỡng.

Không phải ngẫu nhiên trong nhà phụ nữ được coi là người "xây tổ ấm". Họ được giữ kinh tế, toàn quyền chi tiêu lo toan cho mọi vấn đề của gia đình cần có để vận hành tốt nhất. Đàn ông với những công to việc lớn bên ngoài, tạm thời được dừng suy nghĩ về việc tiêu xài nhỏ lẻ, dựa vào vợ.

Đã sống chung một nhà, kinh tế cũng nên "quy về một mối" để cả hai dễ bề quản lý, tiết kiệm và lo toan mọi việc được chu đáo. Một gia đình mà ai tiêu tiền người nấy, chồng kiểm soát tiền bạc chặt chẽ đến từng buổi chợ thì làm sao mà hạnh phúc cho nổi đây. Phải chăng khi rơi vài tình huống đó, phụ nữ lại vỡ lẽ rồi tiếc nuối: "Biết thế ngày ấy ở vậy cho xong".

Nhiều phụ nữ cũng sinh lòng nghi ngờ về sự chung thủy của chồng bởi bản thân họ chẳng biết bạn đời có bao nhiêu tiền bạc, có "nuôi" ai không. Vậy mới nói, chuyện rành mạch chi tiêu, kinh tế phải rõ ràng quan trọng đến thế nào khi cả hai về chung một nhà.

Có không ít vụ ly hôn đến từ chuyện kinh tế, chi tiêu bất đồng giữa hai vợ chồng. Có được tiếng nói chung về mặt tiền bạc không phải dễ dàng. Đàn ông ban đầu đã tỏ ra quá khó khăn, tính toán và bảo thủ về mặt kinh tế thì phụ nữ phải suy nghĩ thật kỹ trước khi lựa chọn gắn bó lâu dài, nhất là trong những "bước đi" sau đổ vỡ hôn nhân.