Không cần biết có thích hay không, ông “mặc đồ nữ để mẹ vui lòng”, thế là đã chịu đựng trong câm lặng suốt 20 năm.
Có người xỉa xói ông biến thái. Thế nên khi ra đường, ông cố gắng không đi nhà vệ sinh công cộng. Hết nửa cuộc đời, ông đã bỏ rơi chính mình.
Thế nhưng, Chu Mạnh Huân cảm thấy: Chỉ cần mẹ vui, tôi làm gì cũng đáng!
Người đàn ông mặc đồ nữ
Tiễn khách ra về, Chu Mạnh Huân cởi áo khoác đen, lộ ra chiếc áo có họa tiết da beo. Ông lấy áo bông màu đỏ bắt mắt từ tủ quần áo, thuần thục khoác lên người.
Mẹ ngồi dựa vào đầu giường đang đọc quyển sách ố vàng. Chu Mạnh Huân cũng ngồi bên cạnh, không biết từ khi nào cầm cây sáo cũ rồi thổi một cách vô tư.
Từ cây sáo cũ phát ra thanh âm vui vẻ, mẹ già nghe thấy thì đặt quyển sách xuống, hé miệng ngân nga theo nhịp điệu. Tiếng sáo và tiếng ngân nga nối tiếp nhau, một cao một trầm. Gian nhà thuê chật chội vơi đi phần nào lạnh lẽo, như thể tạm thời xua tan cái lạnh cắt da cắt thịt ngoài kia…
Ngày hè, nếu ở Quế Lâm (Quảng Tây, Trung Quốc), bạn sẽ nhìn thấy một người đàn ông mặc sườn xám thổi sáo trên đường phố. Ông chính là Chu Mạnh Huân.
Cách vị trí ông “hành nghề” không xa là chiếc xe ba gác cũ kỹ, trên đó có một bà lão, chốc chốc xuống xe nói vài câu với người qua đường: “Các người đang xem con trai hay con gái của tôi đấy?”.
Người sống gần đó đã quen với cảnh này, có khi còn đáp lại vài câu: “Con gái của bà khi nào có bạn trai đấy hả?”.
Người lần đầu tiên bắt gặp tình huống này đa phần nghĩ rằng đầu óc họ có vấn đề, sau đó lộ ra ánh mắt khinh thường, nhanh chóng tránh xa.
Thật ra, phía sau hành vi kỳ lạ của hai mẹ con này là cả một câu chuyện bi thương và đầy nước mắt.
“Tôi đã bắt đầu mặc đồ nữ từ những năm 1990”
Về cụ thể năm nào, người đàn ông đã ngoài 60 như Chu Mạnh Huân đã không còn nhớ rõ.
Chu Mạnh Huân sinh ra trong một gia đình bình thường. Bố mất sớm, mẹ một thân một mình nuôi 3 đứa con khôn lớn. Mặc dù không đủ đầy về vật chất, nhưng cũng xem như yên ổn sống qua ngày, không có gì đặc biệt.
Biến cố xảy ra vào năm 1987. Em gái út được gia đình yêu thương mắc bệnh ung thư máu. Thời điểm này, người anh trai lớn hơn Chu Mạnh Huân vài tuổi đã lấy vợ và đi ở rể. Do đó, Chu Mạnh Huân trở thành trụ cột trong nhà. Để có tiền chạy chữa thuốc men cho em gái, Chu Mạnh Huân đã tiêu tán hết toàn bộ tiết kiệm, nhưng mọi cố gắng chỉ như muối bỏ bể. Cuối cùng, căn bệnh quái ác đã mang em gái của ông đi khỏi thế gian này.
Biến cố tang thương, Chu Mạnh Huân mặc dù rất đau buồn nhưng vẫn phải mạnh mẽ sống tiếp. Song, ông phát hiện mẹ có gì đó khác thường.
Mẹ già khổ cực cả đời, không thể chấp nhận nổi sự ra đi của đứa con gái, nhìn thấy Chu Mạnh Huân liền hỏi: “Em gái của con khi nào về nhà?”.
Chu Mạnh Huân không biết phải trả lời sao cho ổn thỏa. Ông giải thích với mẹ rằng em gái sẽ không bao giờ trở về, nhưng mẹ không tin.
Một ngày nọ, ông nhìn thấy bộ đồ của em gái trong tủ quần áo. Thế là ông đã nảy ra ý tưởng mặc đồ nữ giả em gái và nói cho mẹ biết: “Con gái đã về”.
Ông vẫn còn nhớ như in ngày hôm đó: “Đó là bộ đồ hè thêu hoa. Nhìn thấy tôi mặc như vậy, mẹ rất vui”.
Chiếc sườn xám hay một bộ đồ nữ bất kỳ chỉ như trang phục diễn của Chu Mạnh Huân. Mặc chúng lên, Chu Mạnh Huân biến thành người khác, một người phụ nữ có thể khiến mẹ vui lòng.
Kể từ ngày đó, Chu Mạnh Huân đã quen với việc mặc đồ nữ và xem nó như một thói quen:
“Trong mắt mẹ, tôi vừa là con gái vừa là con trai yêu dấu của bà”.
Đánh mất chính mình để mẹ vui lòng
"Cứ hễ tôi ra ngoài một lúc là mẹ lại khóc, do đó không thể ra ngoài làm việc".
Vài năm trước, Chu Mạnh Huân không an tâm mẹ đang sống một mình, vì vậy ông đã đón bà đến sống chung. Vì để chăm sóc mẹ, ông bỏ việc.
Một lần, ông nhìn thấy có người chơi vĩ cầm trên phố, thỉnh thoảng người qua đường dừng lại thả vào hộp vài đồng bạc. Chu Mạnh Huân nghĩ mình có thể chơi thử nên đã tự học thổi sáo.
Điều khiến Chu Mạnh Huân không ngờ chính là, mỗi khi tiếng sáo vang lên, mẹ già sẽ hát theo. Khúc tấu bà yêu thích nhất là “Mạnh Khương Nữ”.
Nhưng biểu diễn đường phố cũng là một nghề đòi hỏi phải “lộ mặt”. Khi lần đầu tiên mặc đồ nữ ra ngoài, Chu Mạnh Huân đã khiến không ít người khó hiểu và xỉa xói.
“Ông là nam hay nữ?”...
Chu Mạnh Huân giải thích lý do với nụ cười gượng gạo. Người tốt bụng nghe xong thì thở dài bỏ đi. Đương nhiên, có không ít người không thể hiểu nổi sự hy sinh cao cả dành cho mẹ của Chu Mạnh Huân. Mỗi khi nghe những lời đàm tiếu không mấy hay ho, Chu Mạnh Huân thẳng thắn nói: "Mẹ tôi vui là được, người khác muốn nghĩ sao thì nghĩ, cười sao thì cười".
Mẹ già không thể tự chăm sóc cho bản thân. Ông phải lo cho bà từng cái áo cái quần, từng muỗng canh chén cơm. Thế nhưng thu nhập từ công việc biểu diễn thổi sáo ngoài đường phố không nhiều.
Chu Mạnh Huân cho biết, có ngày ông kiếm được vài trăm tệ, ngày không kiếm được đồng nào. Ông chỉ đủ tiền để sống với mẹ trong một căn nhà thuê xập xệ, một chiếc giường ngủ chiếm diện tích gần hết gian phòng, còn đống quần áo phụ nữ của em gái và của người khác cho. Tiền thuê nhà và điện nước tiêu tốn khoảng 500 tệ mỗi tháng, có vẻ như là một số tiền nhỏ, nhưng cũng là vấn đề lớn đối với Chu Mạnh Huân.
Cuộc sống dù rất khó khăn nhưng Chu Mạnh Huân luôn có một tâm nguyện là làm sao để mẹ được ăn ngon, mặc ấm.
Mẹ đã quá lớn tuổi, răng rụng hết nên Chu Mạnh Huân mua canh hầm xương cho bà uống: "Một mình tôi ăn gì cũng được, nhưng mẹ phải được ăn ngon".
Cho đến khi câu chuyện của Chu Mạnh Huân được truyền thông chú ý, nhiều người đã cảm động vì lòng hiếu thảo của ông. Sau đó, nhiều người hảo tâm đã tặng chăn, quần áo và thậm chí chuyển tiền trực tiếp qua ứng dụng Wechat cho ông. Nhờ đó, Chu Mạnh Huân đã đỡ phần nào gánh nặng.
Chiếc xe ba bánh do một cô gái gây quỹ trong lớp học rồi tặng cho Chu Mạnh Huân. Điều này khiến ông cảm động vô cùng.
Những người quan tâm đến Chu Mạnh Huân đã hỏi: “Liệu có đáng để anh từ bỏ cuộc sống của mình để cho mẹ hạnh phúc không?”.
Chu Mạnh Huân im lặng một lúc lâu và nói: “Trước đây, mẹ đã sinh ra và nuôi dạy chúng tôi khôn lớn. Bây giờ mẹ tôi đã già, tôi không thể làm ngơ với điều này".
Chu Mạnh Huân từng có một cuộc hôn nhân nhưng người vợ qua đời vì khó sinh. Lúc đó ông chỉ mới ngoài 30 tuổi, ông cũng muốn tìm bạn đời khác nhưng không ngờ trong nhà lại xảy ra biến cố.
Chu Mạnh Huân không thể là chính mình hết nửa cuộc đời.
Nghe câu chuyện của Chu Mạnh Huân, nhiều người bày tỏ sự thấu hiểu và cảm động khi ông phải mặc đồ nữ để mẹ vui lòng. Nhưng có mấy ai sẵn sàng đồng hành cùng ông chịu đựng những lời đàm tiếu, chê cười ngoài kia?
Chu Mạnh Huân chưa thể sống cho bản thân, nhưng ông không hối hận. Trong mùa đông giá rét, chỉ duy nhất Chu Mạnh Huân sẵn sàng mang hơi ấm đến với mẹ già.
(Nguồn: Zhihu)