Đi dọc theo đê hữu sông Hoàng Long, đến khu vực đập tràn Lạc Khoái, xã Gia Lạc, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, bất cứ ai cũng đều lạ mắt trước những đàn chim, cò, vạc đậu trắng các ngọn cây trong bãi bồi ben sông.
Người đàn ông nuôi hàng vạn con chim trong vườn
Chiều muộn ngày cuối năm, chúng tôi ghé thăm địa điểm trên để tận mắt chứng kiến hình ảnh đẹp như trong phim, lúc này anh Hà Văn Lâm (người trông coi) vẫn đang cặm cụi ở sâu trong bãi sình lầy đi kiểm tra hàng rào bảo vệ cho vườn.
Lạc vào giữa bãi sình lầy, chúng tôi cảm nhận xung quanh cây mọc dại sẽ được bao phủ màu trắng bởi hàng vạn con chim trắng chao đảo phía trên đầu, tiếng kêu tíu tít của những con theo đàn, kèm theo đó là tiếng kêu líu lo của các chú chim chưa mọc lông cánh đang nằm trong tổ, tạo ra một thứ tạp âm vô cùng lạ lẫm.
Theo anh Lâm, hình ảnh và âm thanh lạ lẫm đầy thích thú này là điệp khúc diễn ra vào các buổi chiều muộn (sau 17h hàng ngày) vì sáng chúng đi ăn, chiều mới quay về.
Đáng thú vị, trên địa bàn xã Gia Lạc còn nhiều địa điểm tương tự nhưng tuyệt nhiên không có đàn chim nào lại trú ngụ như ở bãi của gia đình anh Lâm.
Quyết tâm bảo vệ đàn chim
Anh Lâm chia sẻ, toàn bộ 10ha xung quanh trước kia nơi đây chỉ là vùng đất sình lầy, trong số này có một góc rộng 2ha quanh năm cây cỏ dại mọc um tùm, mùa mưa lũ thì nước ngập đến sát chân đê. Cách đây hơn chục năm, anh Lâm thuê lại bãi đất để cải tạo làm nông nghiệp.
Hàng vạn con chim các loại đậu trắng khu vườn 2ha giữa khu sình lầy
Trong quá trình canh tác nông nghiệp, anh Lâm phát hiện mỗi ngày chim lại về đậu nhiều hơn và làm tổ trên các ngọn cây. Kể từ đó, anh quyết không khai hoang, phá bỏ vườn cây dại trong khu vườn 2ha đi mà giữ nguyên làm nơi trú ngụ cho đàn "chim lạ".
Chim đổ về vườn cây sinh sống có nhiều loài khác nhau như: các loại cò, vạc, le le, bìm bịp, chim dẻ quạt, chim tranh, vịt trời... Đông đúc hơn cả là đàn cò với số lượng lớn, chiếm đa số là loài cò trắng, cò bợ.
Để đàn chim sinh sôi phát triển ở đảo chim ven sông, vợ chồng anh Lâm từng ngày ra sức bảo vệ chúng, ngăn cấm không cho những thợ săn đến săn bắn. Bên cạnh đó, anh cùng gia đình cũng trồng thêm nhiều cây nữa để cho chim cò có chỗ đậu sinh sống.
"Tôi nhận thấy đây là vùng đất lành và có lẽ cả gia đình tôi không ăn thịt chim nên chúng đến đậu càng ngày càng thêm số lượng, ước tính cả vạn con", anh Lâm phấn khởi cho biết, tháng 3, tháng 4 hàng năm là mùa chim cò đẻ trứng.
"Vì được bảo vệ nên các tổ chim cứ vậy sinh sôi nảy nở ngày một nhiều hơn. Cứ hết thế hệ chim con này ra đời, đến thế hệ nối tiếp sinh sản làm cho đàn chim ở vườn cây ngày một phong phú và đa dạng hơn" – anh Lâm kể, ngày nào vợ chồng anh cũng lội ủng đi quanh vườn để kiểm tra rào chắn bảo vệ.
Dẫn chúng tôi đi vào sâu hơn, anh Lâm chỉ lên những tổ chim chăng kín các cành cây và cho biết, anh hiểu được từng "bệnh" của chim.
"Có những con chim non không may bị rơi khỏi tổ xuống đất, ta phải cho nó vào đúng tổ, nếu không thì không được cho ăn, quả trứng cũng vậy, nếu để sai vị trí sẽ bị con lớn hút hết", anh Lâm chia sẻ.
Chim làm tổ trên các cành cây
Nửa đêm giật mình dậy vì "tiếng gọi" của đàn chim
Nhà anh Lâm ở cách đảo chim một con đê, hàng ngày cả hai vợ chồng vẫn làm nông nghiệp trên khu vườn này, có hôm tận 23h đêm anh Lâm mới trở về nhà.
Theo anh Lâm, vài năm trở lại đây tình hình săn bắn chim tại vườn nhà anh đã tạm thời ít hơn, vì kể từ khi nơi này xuất hiện nhiều chim thì lực lượng Kiểm lâm đến hỗ trợ gia đình giải pháp bảo vệ chúng. Tuy vậy, nhiều tay thợ săn vẫn âm thầm rình mò săn bắn chim, khiến cho chủ vườn nhiều đêm mất ngủ.
Mỗi lần chứng kiến một con chim hay con cò nào đó, anh Lâm rất xót xa
Anh kể lại không ít lần gặp nguy hiểm vì bảo vệ đàn chim, nhưng rất may, chúng cũng khôn, chỉ cần có tiếng động lạ chúng liền bay lên không trung và kêu vang trời. Anh Lâm gọi chim "khôn như quỷ" vì biết báo hiệu cho ông chủ.
"Có lần, tôi đang ở nhà, thấy chim bay lên cao và kêu to. Mỗi lần như vậy, tôi đoán ngay chúng đang gặp nguy hiểm. Chạy ra đảo chim, đúng là có người lạ đến thật." – anh Lâm kể, nhiều lần vào ban đêm nghe thấy tiếng động, một mình anh lọ mọ chạy ra, sau đó vợ anh sợ nguy hiểm cho tính mạng của chồng nên cũng ra theo.
Về đặc điểm những đàn chim của vườn nhà mình, anh Lâm cho biết, chúng thường đi ăn xa từ 5 đến 6km, nhưng chiều nào cũng quay về chỗ cũ.
"Sáng ngày ra đàn chim đi theo hướng nào thì buổi chiều chúng lại quay về đúng hướng này rồi đậu lên cây", anh Lâm cho biết, nhiều người từ các địa phương khác thường đến tham quan, gia đình anh sẵn sàng dẫn vào vườn nhưng tuyệt đối không mang tính thương mại.
"Nhiều người tham mưu cho gia đình tôi làm điểm du lịch, tham quan ngắm chim, có người còn cho tôi ít tiền nhưng tuyệt đối vợ chồng tôi không nhận. Vì nếu làm du lịch thì mất tính hoang dã, nếu nhận tiền thì mang tính thương mại, như vậy chim sẽ bỏ đi hết", anh Lâm chia sẻ.