Ngày Rằm tháng Giêng là ngày trăng tròn đầu tiên của năm mới. Câu "Lễ Phật quanh năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng" chính là để thể hiện tầm quan trọng của ngày này trong đời sống tín ngưỡng, tâm linh của người dân Việt Nam.
Vào ngày này, người dân là Phật tử khắp nơi thường đổ về các điểm chùa lớn để thắp hương, lễ Phật, các hoạt động phóng sinh, ăn chay cũng đặc biệt được ưu tiên.
Ghi nhận trưa ngày 4/2, mặc dù thời tiết TPHCM nắng nóng khá gay gắt nhưng các ngôi chùa lớn khu vực trung tâm đều đông đúc người dân hoan hỉ đến lễ chùa, thắp hương, dâng hoa.
Lượng người đổ về các chùa càng về chiều càng đông. Ghi nhận tại chùa Vĩnh Nghiêm (quận Phú Nhuận) do trời nắng gắt nhiều người phủ cả trang phục chống nắng kín mít, đứng bên dưới sân chùa thắp hương, bái Phật.
"Người ta nói đi lễ quanh năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng nên dù có bận việc mình cũng cố gắng đi lễ cầu mong những điều may mắn sẽ đến với mình trong dịp năm mới này", chị Trần Thu Thuỷ (quận 11) chia sẻ.
Qua tìm hiểu của phóng viên, vì ngại cảnh chen chúc vào ngày Rằm tháng Giêng khi đến chùa nên một số người chọn đi chùa sớm vào trưa ngày 14 Âm lịch.
"Năm nào mình cũng đi chùa vào dịp Rằm tháng Giêng hết. Mình có con nhỏ, mình đi sớm hơn một ngày vì sợ ngày mai sẽ đông hơn. Mình đi vào buổi trưa nhưng cũng không nghĩ là buổi trưa đã đông như vậy", chị Hà Kim Xoa (quận Tân Bình) bộc bạch.
Còn tại chùa Ngọc Hoàng (quận 1), không chỉ dân địa phương mà còn có rất đông khách du lịch đến đây viếng, thắp hương, xin lộc trước ngày Rằm tháng Giêng.
Ngoài hoạt động thắp hương, phóng sinh, người dân đến chùa Ngọc Hoàng còn đặc biệt chú trọng việc "đổ dầu cầu may".
Chị Huyền Trang (TP Thủ Đức) kể: "Có một tín ngưỡng, một niềm tin nên đi chùa vào ngày Rằm tháng Giêng để cầu một điều gì đó thuận lợi cho năm mới. Mình thấy khá đông, có khách du lịch nước ngoài khiến mình bất ngờ".
Ngày Rằm tháng Giêng năm Quý Mão rơi vào dịp cuối tuần nên theo dự kiến, các điểm thờ tự trên địa bàn trung tâm thành phố sẽ kéo dài tình trạng đông đúc từ hôm nay đến hết ngày mai.