Nhận lời trở thành thành viên của Hội đồng thẩm định giải thưởng Better Choice Awards 2023, anh cho rằng đây chính là cơ hội cho cộng đồng những công ty khởi nghiệp như Earable phát triển, cổ vũ cho việc không ngừng đổi mới, sáng tạo, cổ vũ cho việc hướng tới chất lượng vì người dùng/khách hàng.

Người ‘đánh thức’ công nghệ giấc ngủ Tâm Vũ: ‘Làm startup chỉ có tốt hơn, không có tốt nhất - Sáng tạo là số một nhưng phải trong khuôn khổ’ - Ảnh 2.

5 năm là một dấu mốc quan trọng với người làm startup, anh nhìn nhận quá trình xây dựng và phát triển của Earable trong 5 năm qua ra sao?

5 năm qua là 5 năm đầy khó khăn, thách thức nhưng rất thú vị. Dấu mốc 5 năm chứng kiến tôi từ 1 giáo sư đại học Oxford trở thành doanh nhân, trước kia quen với công trình nghiên cứu, bài báo khoa học, giờ phải học và quen với nghiên cứu sản phẩm thương mại, phải hiểu về khuôn mẫu, hiểu về supply chain, về bán hàng, quản lý kinh doanh, quản lý nhân sự…

Với sự đóng góp của cả tập thể, Earable đã đạt được nhiều thành tựu lớn như có đội ngũ nhân sự nòng cốt chất lượng cao, hiện đã có hơn 70 người là kỹ sư, đội ngũ sản xuất, bán hàng. Qua đó tạo ra FRENZ brainband, sản phẩm vòng đeo thông minh, đã nhận được nhiều giải thưởng lớn như tại CES, Red dot design award...

Có thể nói, sau gần 10 năm nghiên cứu về khoa học não bộ, sau 5 năm thành lập công ty, kết hợp với quá trình tạo ra sản phẩm không biết mệt mỏi, chúng tôi mong muốn không ngừng nâng cao trí lực cho người dùng, để ngủ tốt hơn, để nghĩ nhanh hơn, nhớ lâu hơn và phản xạ nhanh hơn.

Người ‘đánh thức’ công nghệ giấc ngủ Tâm Vũ: ‘Làm startup chỉ có tốt hơn, không có tốt nhất - Sáng tạo là số một nhưng phải trong khuôn khổ’ - Ảnh 3.

Hành trình startup ấy khác biệt ra sao so với những gì anh tưởng tượng, hoạch định từ ban đầu hay không?

Những gì chúng tôi làm hiện nay, về mục tiêu hỗ trợ hàng triệu người ngủ ngon thì vẫn như vậy. Tuy nhiên, chúng tôi không còn là công ty startup, startup là dành cho công ty dưới 5 năm tuổi, đang tìm đường. Chúng tôi giờ đã trở thành công ty công nghệ lõi (deep tech).

Nhưng trên chặng đường phát triển ấy không thể thiếu đi những khó khăn.

Lúc mới thành lập, chúng tôi cho rằng chỉ mất 1-2 năm nhưng phải mất 5 năm chúng tôi mới thực sự sẵn sàng mang sản phẩm tới người dùng sau rất nhiều khó khăn. Như khó khăn về covid, con người hoặc thị trường.

Đã là một startup, chúng tôi hiểu mình sẽ phải đương đầu với nhiều khó khăn, thử thách. Chúng tôi hay nói: Nếu không khó thì người khác đã làm rồi, nếu không khó thì không phải là người tiên phong, đi đầu để làm ra những sản phẩm mới như thế.

Gần như không có nhà cung cấp nào có thể thỏa mãn về mặt kỹ thuật và về mặt công nghệ mà chúng tôi đưa ra, vì vậy kỹ sư phải giỏi, người thiết kế phải giỏi để từ đó không chỉ thiết kế ra trên giấy mà còn phải đi đến từng nhà cung cấp, nhà máy tìm các đối tác và phát triển cùng họ, làm chủ công nghệ. Việc làm ra sản phẩm này rất khó, rất lâu nên khi vượt qua những khó khăn ấy, chúng tôi sở hữu đội ngũ tinh nhuệ, tinh tú. Nhờ đó, chúng tôi đã đạt được những giải thưởng lớn, chứng minh cho những nỗ lực của tất cả mọi người.

Người ‘đánh thức’ công nghệ giấc ngủ Tâm Vũ: ‘Làm startup chỉ có tốt hơn, không có tốt nhất - Sáng tạo là số một nhưng phải trong khuôn khổ’ - Ảnh 4.

Hồi tháng 6 năm nay, công ty được Samsung Ventures hỗ trợ đầu tư tài chính và trước đó đã được nhiều quỹ đầu tư lớn như Founders Fund đầu tư kể cả lúc công ty chưa thực sự chứng minh được bằng các con số. Theo anh liệu đó có phải do may mắn hay còn điều gì khác, các quỹ đã nhìn thấy tiềm năng gì ở Earable?

Tôi cho rằng đó là do họ nhìn vào những gì chúng tôi có, những gì chúng tôi đạt được.

Chúng tôi có đội ngũ nhân sự tài năng, tâm huyết và mọi người đều all-in để làm việc. Chúng tôi có công nghệ lõi, với 15 bằng sáng chế đã và đang được cấp tại Mỹ và một số nước châu Âu. Chúng tôi đã ra được sản phẩm và đã chứng minh được sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Họ nhận thấy chúng tôi đang đi đúng xu hướng của thế giới đó là xu hướng dùng AI hỗ trợ sức khoẻ, đó là xu hướng telehealth (chăm sóc sức khoẻ từ xa), đó là xu hướng cải thiện năng lực não bộ bằng liệu pháp không xâm lấn. Có lẽ vì vậy mà mỗi lần gọi vốn, chúng tôi đều may mắn thành công, trộm vía (cười).

Người ‘đánh thức’ công nghệ giấc ngủ Tâm Vũ: ‘Làm startup chỉ có tốt hơn, không có tốt nhất - Sáng tạo là số một nhưng phải trong khuôn khổ’ - Ảnh 5.

Tháng 1/2022, Earable đã trở thành doanh nghiệp công nghệ duy nhất của Việt Nam thắng giải thưởng Đổi mới sáng tạo toàn cầu CES 2023. Anh đánh giá ra sao về giải thưởng này và sự đón nhận của người tiêu dùng, của thị trường quốc tế?

Được giải thưởng này chứng tỏ rằng sản phẩm của chúng tôi có tiềm năng và sẽ được đón nhận ở những thị trường khó tính như ở Mỹ, châu Âu. Sau khi giải thưởng được công bố, chúng tôi rất vui khi nhận được nhiều đơn đặt hàng, tới từ 28 nước trên thế giới, dù trên thực tế chưa có sản phẩm để giao. Chúng tôi tin rằng đây chỉ là khởi đầu thôi, vì khi sản phẩm bắt đầu ra thị trường, người dùng sẽ thực sự cảm nhận được lợi ích của sản phẩm, của công nghệ và giúp chúng tôi lan tỏa điều đó.

Covid vừa là khó khăn nhưng cũng vừa là yếu tố giúp sản phẩm của chúng tôi được đón nhận nhiều hơn. Trước dịch bệnh, cứ 3 người thì 1 người có vấn đề về ngủ. Sau Covid, tỉ lệ tăng lên cứ 2 người thì 1 người có vấn đề. Do vậy, nhận thức con người càng cao hơn về giấc ngủ và sức khỏe, nhu cầu chữa bệnh càng lớn hơn. Bên cạnh đó, telehealth (chăm sóc sức khỏe) từ xa cũng đang nở rộ và những thiết bị hỗ trợ tại nhà như Earable được đón nhận tích cực.

Người ‘đánh thức’ công nghệ giấc ngủ Tâm Vũ: ‘Làm startup chỉ có tốt hơn, không có tốt nhất - Sáng tạo là số một nhưng phải trong khuôn khổ’ - Ảnh 6.

Nhiều công ty chọn cách ra mắt sản phẩm tại Việt Nam trước rồi mới đưa ra thế giới để có bàn đạp. Earable không cần một "bàn đạp" hay sao?

Trước khi lựa chọn một thị trường nào, chúng tôi có đánh giá các yếu tố: sức mua của thị trường, nhu cầu về nâng cao sức khỏe của người dùng và sự hiểu biết của người dùng về việc cải thiện chất lượng giấc ngủ.

Sản phẩm có giá niêm yết toàn cầu là 490 USD (12,9 triệu đồng) và sử dụng linh kiện cao cấp, các điện cực giá trị cao và được các chuyên gia hàng đầu thế giới đánh giá là sản phẩm tiên phong trong lĩnh vực hỗ trợ giấc ngủ không xâm lấn. Với tỉ lệ hơn 60% dân số thế giới gặp vấn đề về giấc ngủ, FRENZ Brainband là sản phẩm được đón nhận toàn cầu.

Sau khi nghiên cứu, chúng tôi thấy rằng nhận thức của người dân Mỹ và châu Âu về giấc ngủ đã ở mức cao, và chúng tôi không phải educate người dùng về các liệu pháp hỗ trợ giấc ngủ không dùng thuốc. Do đó, khi bán ở Mỹ và châu Âu, sẽ được lợi về nhận thức của công chúng và thói quen sử dụng cũng như độ sẵn sàng mua hàng ở thị trường. Chúng tôi phục vụ cho thị trường toàn cầu, và tại mỗi thị trường sẽ có những chính sách hỗ trợ thử nghiệm riêng, để giúp khách hàng có thể trải nghiệm và sử dụng hiệu quả sản phẩm.

Người ‘đánh thức’ công nghệ giấc ngủ Tâm Vũ: ‘Làm startup chỉ có tốt hơn, không có tốt nhất - Sáng tạo là số một nhưng phải trong khuôn khổ’ - Ảnh 7.

Giữa sản phẩm 'tốt nhất' và sản phẩm 'tốt hơn', anh sẽ lựa chọn sản phẩm nào nếu ở vị trí của một startup và một người dùng?

Chúng ta sẽ không bao giờ có sản phẩm tốt nhất nếu không có sản phẩm tốt hơn. Đứng ở góc độ người dùng, tôi sẽ chọn một sản phẩm tốt hơn khi so các sản phẩm với nhau. Đứng từ góc độ doanh nghiệp, phát triển công nghệ thì sẽ không có cái tốt nhất mà chỉ có tốt, tốt hơn, tốt nữa.

Sản phẩm của chúng tôi hiện nay đang đáp ứng những nhu cầu cơ bản của người dùng, và chúng tôi muốn bán đúng đối tượng, đó là những người gặp vấn đề về giấc ngủ do bị stress.

Như lúc iPhone mới ra đời, mọi người nghĩ nó rất tốt rồi, nhưng sau 14 lần nâng cấp thị trường lại có một sản phẩm tốt hơn. Chúng tôi cũng thế, không ngừng hoàn thiện, nâng cao về mặt công nghệ, tính năng và tạo ra những lợi thế cạnh tranh khác, liên tục cải tiến về phần cứng và phần mềm, không ngừng phát triển sáng tạo các tính năng mới, phục vụ các nhóm khách hàng mới.

Người ‘đánh thức’ công nghệ giấc ngủ Tâm Vũ: ‘Làm startup chỉ có tốt hơn, không có tốt nhất - Sáng tạo là số một nhưng phải trong khuôn khổ’ - Ảnh 8.

Làm sản phẩm chưa từng tồn tại trên thế giới, thời điểm phát triển ắt hẳn rất áp lực vì "vừa đi vừa dò đường" nhưng khi sản phẩm ra đời lại dễ dàng có người sao chép, thậm chí sau đó làm tốt hơn. Anh đánh giá việc này thế nào?

Khi sản phẩm thành công, một công ty khác sao chép sản phẩm của mình thật ra là một điểm cũng đáng tự hào đấy chứ. Nếu họ làm tốt hơn mình, đó cũng là một điều tốt bởi lí do cuối cùng là mang đến những sản phẩm mới, công nghệ hiện đại phục vụ cho cuộc sống con người.

Nhưng chúng tôi sẽ có đối sách để đối phó với việc bị sao chép, chúng tôi không ngừng đổi mới, tối ưu, không ngừng sáng tạo, tiên phong.

Chúng tôi sẽ luôn là người dẫn trước, khi họ làm ra cái gần giống chúng tôi hiện tại thì chúng tôi sẽ ra một version mới hiện đại hơn. Chúng tôi sẽ tạo hệ sinh thái để mọi người cùng đóng góp, phát triển các nội dung, các giá trị mới. Khi đó, người khác có thể bắt chước cái hình ảnh sản phẩm vật lý, còn cái đằng sau đó, sự thông minh của sản phẩm, hệ sinh thái của sản phẩm thì họ không dễ bắt chước.

Người ‘đánh thức’ công nghệ giấc ngủ Tâm Vũ: ‘Làm startup chỉ có tốt hơn, không có tốt nhất - Sáng tạo là số một nhưng phải trong khuôn khổ’ - Ảnh 9.

Vậy yếu tố sáng tạo được coi trọng ra sao ở Earable?

Với những công ty công nghệ giai đoạn đầu coi sáng tạo là giá trị cốt lõi, nhưng với Earable thì sáng tạo có tổ chức mới là giá trị cốt lõi.

Sáng tạo là điều rất cần cho sự cải tiến, phát triển. Chúng tôi coi trọng sáng tạo, luôn đề cao sáng tạo và tưởng thưởng xứng đáng cho nhân sự sáng tạo hiệu quả. Tuy nhiên, với một công ty phát triển công nghệ lõi, một công ty deep tech như Earable, chúng tôi sáng tạo nhưng có quy trình, phải dựa trên nghiên cứu, chứng thực phù hợp với bức tranh tổng thể của toàn hệ thống, chứ không sáng tạo tùy tiện, sáng tạo thiếu suy nghĩ logic.

Ví dụ, ban đầu chúng tôi thiết kế một cái khuôn cho mỗi vỏ sản phầm, cần 2 tỷ đồng và mất 8 tuần để làm ra. Tuy nhiên, một người thiết kế bất ngờ sáng tạo không theo quy trình, đã sửa một chi tiết để tối ưu hóa nhưng cuối cùng chiếc khuôn đó bị hỏng. Vậy là chúng tôi mất toàn bộ chi phí và mất thêm thời gian để làm lại.

Như trước kia làm Giáo sư, tôi luôn nghĩ sáng tạo là số 1, nhưng bây giờ khi làm trong một công ty cụ thể, tôi mới hiểu rõ mình cần sáng tạo nhưng phải đặt nó trong khuôn khổ, quy trình nhất định.

Người ‘đánh thức’ công nghệ giấc ngủ Tâm Vũ: ‘Làm startup chỉ có tốt hơn, không có tốt nhất - Sáng tạo là số một nhưng phải trong khuôn khổ’ - Ảnh 10.

Nhắc đến Giáo sư, được biết anh đã bỏ nghiệp giáo sư tại Oxford để về Việt Nam, đến hiện tại anh có thấy quyết định đó là đúng đắn? Đâu là động lực (hay người truyền cảm hứng) để anh tiếp tục phát triển?

Dừng việc nghiên cứu của một giáo sư tại Oxford để all-in vào công ty là quyết định chính xác của tôi, tôi chưa bao giờ hối hận về điều đó. Thước đo của tôi là: số người mà tôi có thể làm cho cuộc sống của họ tốt hơn, bằng cách là có một sức khỏe tốt hơn, có chất lượng cuộc sống tốt hơn. Vì vậy, quay về Việt Nam và nghiên cứu sản phẩm phục vụ cho người dân là cách tốt nhất để tôi có thể mang lại nhiều hơn giá trị cho cuộc sống.

Động lực khiến tôi và cộng sự làm việc 14-16 tiếng mỗi ngày không biết mệt mỏi chính là sự mong chờ của người dùng, hàng triệu người bị mất ngủ vì stress, chúng tôi sẵn sàng thức nhiều đêm để làm ra sản phẩm hoàn thiện, được sự công nhận của nhiều người, có thể giúp hàng triệu người ngủ ngon.

Nếu start up thì tỷ lệ thành công chỉ có vài % thôi, 100 công ty thì có hơn 90 công ty chết, mình không bao giờ biết mình có thành công hay không cho đến khi có được sự đón nhận của người dùng. Tôi tin rằng, những start up khác tại Việt Nam cũng như vậy, và nếu có sự hỗ trợ từ một tổ chức nào đó, tỷ lệ phần trăm thành công sẽ được nâng lên rất nhiều.

Người ‘đánh thức’ công nghệ giấc ngủ Tâm Vũ: ‘Làm startup chỉ có tốt hơn, không có tốt nhất - Sáng tạo là số một nhưng phải trong khuôn khổ’ - Ảnh 11.

Mới đây, anh nhận lời tham gia hội đồng thành viên của Giải thưởng Better Choice Awards do Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC) tổ chức? Anh đánh giá thế nào về giải thưởng này?

Tôi rất vinh dự khi được mời tham gia giải thưởng này. Tôi đánh giá đây là một tín hiệu đáng mừng cho cộng đồng khởi nghiệp, làm sản phẩm đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Đồng thời, giải thưởng còn cổ vũ cho việc không ngừng đổi mới, không ngừng 'think out of the box', cổ vũ cho việc hướng tới chất lượng và đặt khách hàng/người dùng là trung tâm.

Better, not the best – là thông điệp chủ đạo của giải thưởng kể trên còn với anh, thông điệp trên các sản phẩm của anh là gì? Anh tìm thấy điểm chung gì giữa mình và Better Choice Awards?

Chúng tôi rất đồng ý với better, not the best, vì thực ra định nghĩa thế nào là the best cũng rất khó. Như chúng tôi, đến nay là version thứ 8, và mỗi version là một phiên bản tốt hơn của version trước đó. Sắp tới sẽ có version 9, 10, với mục đích hàng đầu là nâng cao giấc ngủ cho hàng tỷ người trên thế giới. Chắc chắn đó là cả một hành trình sáng tạo để better mỗi ngày.

Người ‘đánh thức’ công nghệ giấc ngủ Tâm Vũ: ‘Làm startup chỉ có tốt hơn, không có tốt nhất - Sáng tạo là số một nhưng phải trong khuôn khổ’ - Ảnh 12.

Theo anh, Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia NIC có vai trò như thế nào với việc đổi mới sáng tạo ở Việt Nam?

Tôi có cơ hội được đi một số nước và nhận thấy hiếm nước nào có sự hỗ trợ từ trên xuống như ở Việt Nam và thông qua một trung tâm như NIC cả, đó là một điểm rất tốt cho cộng đồng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam. Những thông tin về chính sách, chủ trương liên quan đến Chính phủ, liên quan đến Bộ là bàn đạp, mở ra mạng lưới hỗ trợ rộng lớn cho các doanh nghiệp. Earable chính là ví dụ về một công ty may mắn nhận được những sự hỗ trợ như thế.

Là một doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài như Earable thì việc có một người đồng hành, người hỗ trợ hay một người đỡ đầu như NIC tạo ra những phúc lợi rất lớn. Bởi những doanh nghiệp non trẻ, có ít khả năng truy cập vào nguồn lực, vào vốn hay chưa có nhiều mối quan hệ thì những giá trị mà NIC mang lại là điều rất đáng trân trọng.

Mỗi lần chúng tôi được mời đến dự một sự kiện ở NIC, chúng tôi thấy được sự chuyển biến, phát triển rất mạnh mẽ, không chỉ từ những công ty khởi nghiệp mà còn ở các tập đoàn lớn. Có thể nói NIC chính là sân chơi, là bàn đạp giúp đỡ rất nhiều cho cộng đồng khởi nghiệp tại Việt Nam.

Tôi hy vọng trong tương lai, sẽ có thêm nhiều hỗ trợ khác cho các công ty trẻ, mới bắt đầu có sản phẩm như chúng tôi, bằng cách kết nối với các khách hàng chính phủ, kết nối với những đối tác khác ở khu vực nước ngoài. Những kết nối ấy được tạo ra thông qua cổng có yếu tố chính phủ, nhà nước sẽ mang tới sự uy tín, độ tin cậy lớn.

Cảm ơn chia sẻ của anh!

Người ‘đánh thức’ công nghệ giấc ngủ Tâm Vũ: ‘Làm startup chỉ có tốt hơn, không có tốt nhất - Sáng tạo là số một nhưng phải trong khuôn khổ’ - Ảnh 13.