CNN dẫn tin một nghiên cứu cho thấy các đặc điểm khi ngủ bao gồm ngáy, khịt mũi, trằn trọc, ngủ trưa quá nhiều, tỉnh giấc vào ban đêm, ngủ quá ít hoặc quá nhiều sẽ góp phần làm suy giảm chất lượng giấc ngủ và có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ. Các nhà nghiên cứu cho biết, nếu có càng nhiều các dấu hiệu trên, nguy cơ đột quỵ của bạn sẽ càng lớn. Đây là nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học của Đại học Galway (Ireland).

Christine McCarthy, một trong các tác giả của nghiên cứu, nhấn mạnh: “Những người có từ 5 dấu hiệu trở lên có nguy cơ đột quỵ cao gấp 5 lần so với những người không có bất kỳ vấn đề nào về giấc ngủ”.

Các vấn đề về giấc ngủ và nguy cơ đột quỵ

PGS Kristen Knutson, một chuyên gia về giấc ngủ và thần kinh học của Trường Y Feinberg (thuộc Đại học Northwestern - Mỹ), cho biết giấc ngủ kém chất lượng có thể dẫn tới tăng huyết áp và suy yếu mạch máu. Đây là những yếu tố nguy cơ gây đột quỵ.

Còn theo TS Phyllis Zee, Giám đốc Trung tâm Y học Sinh học và Giấc ngủ của Trường Y khoa Feinberg, một giấc ngủ ngắn, rời rạc và các rối loạn giấc ngủ như ngưng thở khi ngủ đều có thể ảnh hưởng tới khả năng điều hòa quá trình trao đổi chất, huyết áp cũng như tình trạng viêm của cơ thể. Tất cả các yếu tố này đều làm tăng nguy cơ đột quỵ.

Theo kết quả nghiên cứu của Đại học Galway (Ireland), những người ngủ ít hơn 5 tiếng/đêm có nguy cơ đột quỵ cao gấp 3 lần so với những người ngủ 7 tiếng/đêm. Ngủ 7 tiếng/đêm là thời gian ngủ tối thiểu được khuyến nghị cho người trưởng thành. Thế nhưng, những người ngủ trung bình hơn 9 tiếng/đêm có nguy cơ đột quỵ cao gấp đôi so với những người ngủ đúng thời gian khuyến nghị. Điều đặc biệt là kết quả này vẫn đúng ngay cả khi các nhà nghiên cứu điều chỉnh các yếu tố có thể dẫn tới đột quỵ khác bao gồm trầm cảm, lạm dụng đồ uống có cồn, hút thuốc lá và lười hoạt động thể chất.

Người dễ bị đột quỵ thường có 6 dấu hiệu này khi ngủ: Kiểm tra ngay xem bạn có không!- Ảnh 1.

Ngủ quá ít hay quá nhiều đều làm tăng nguy cơ đột quỵ (Ảnh minh họa)

Đối với chứng ngưng thở khi ngủ, các nhà khoa học nhận thấy những người có đặc điểm này có nguy cơ đột quỵ cao gấp 3 lần so với người không có. Ngáy hoặc khịt mũi đều có thể là dấu hiệu của chứng ngưng thở khi ngủ. Những người ngáy có khả năng bị đột quỵ cao hơn 91%, trong khi những người khịt mũi có khả năng bị đột quỵ cao hơn gần 3 lần so với những người không có các triệu chứng đó.

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy những người ngủ trưa nhiều hơn 1 tiếng có khả năng bị đột quỵ cao hơn 88% so với những người không ngủ trưa. Tuy nhiên, nghiên cứu chỉ ra ngủ trưa ít hơn 1 tiếng không làm tăng nguy cơ đột quỵ.

Làm gì để có một giấc ngủ ngon?

TS Andrew Freeman, Giám đốc của một Trung tâm Phòng ngừa và chăm sóc sức khỏe tim mạch tại Mỹ, cho biết thực hành vệ sinh giấc ngủ tốt, ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên là những biện pháp quan trọng để giảm tác động tiêu cực của chứng rối loạn giấc ngủ cũng như nguy cơ đột quỵ.

TS Zee thì cho rằng điều quan trọng là phải ưu tiên ngủ đủ 7-8 tiếng/đêm và cố gắng không để giấc ngủ bị gián đoạn. Để thực hiện được điều này, nữ chuyên gia gợi ý: “Mọi người nên ngủ và thức dậy vào một thời gian cố định mỗi ngày, bao gồm cả cuối tuần. Việc tiếp xúc thường xuyên với ánh sáng vào buổi sáng và buổi chiều cũng có thể cải thiện chất lượng giấc ngủ”.

TS Zee cũng lưu ý, những người bị ngáy ngủ, mất ngủ hoặc buồn ngủ quá mức vào ban ngày nên đến gặp các bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn, điều trị. Ngoài ra, TS Zee khuyên mọi người không nên uống rượu và nên kết thúc bữa tối ít nhất 3 giờ trước khi đi ngủ.

TS Freeman gợi ý mọi người có thể thiền hoặc tập thể dục vào buổi sáng để ngủ ngon hơn vào buổi tối. Ông nhấn mạnh: “Duy trì một lối sống lành mạnh là điều thực sự hiệu quả để có một giấc ngủ ngon”.

(Nguồn: CNN)