Tôi biết mẹ tôi bản chất là một người phụ nữ cực kỳ kiên cường. Câu chuyện mẹ tôi nằng nặc đòi tiếp tục học đại hoc mà không lập gia đình vẫn hằn sâu trong tâm trí tôi, cả cái cách mẹ tôi quả quyết khi nói với cụ ngoại năm 18 tuổi, “con sẽ đi làm, có tiền nuôi bà” vẫn luôn là động lưc cho tôi tiến về phía trước. Chỉ có điều, đã 27 tuổi, tôi vẫn bơi giữa dòng đời vô định, vẫn chưa bao giờ nói nổi một tiếng, “con sẽ có tiền nuôi mẹ”
Kí ức thơ bé của tôi gắn liền với hình ảnh mẹ còng lưng trên chiếc xe đạp khung dựng những năm bao cấp. Những buổi trưa từ cửa sổ ngóng mẹ đi xã về hay những đêm khuya mẹ tôi lọ mọ quấy cám lợn. Cho đến bây giờ, khi cuộc sống đã dễ chịu hơn, gia đình tôi vẫn giữ nguyên nếp nhà tâp thể của gần 30 năm về trước, nơi nuôi lớn chúng tôi từ thơ bé. Vẫn còn nguyên trong kí ức tôi cái dáng khắc khổ khi mẹ ngồi thổi lửa bên bếp trấu hay những buổi chiều hè ngồi nhặt rau bên mẹ. Dạo ấy tôi mới học lớp hai nhưng tôi vẫn nhớ tường tận từng điều mẹ tôi nói. Mỗi thứ hai, mẹ tôi luôn hỏi “Hôm nay con có được khen trước cờ không?” Ánh mắt chờ đợi rực rỡ những tia hi vọng của mẹ lúc ấy là động lực cho tôi suốt những năm tháng sau này.
Cuộc sống gia đình càng trở nên khó khăn hơn khi bố tôi nghỉ mất sức. Mọi chi tiêu của gia đình chúng tôi trông chờ vào bàn tay chèo chống của mẹ. Bây giờ, khi đã đủ lớn khôn, tôi mới hiểu hết những nỗi cơ cực và vất vả mẹ từng trải qua. "Chúng tôi phải được đi học đại học, dù nghèo đến mấy cũng phải đi học". Tôi nhớ những ngày cấp hai học đêm, mẹ tôi tự tay pha sữa cho chị em tôi. Lon sữa bò ngày ấy là niềm mơ ước lớn lao của con trẻ. Tôi chỉ biết đến vị ngọt của sữa mà không hề biết rằng mẹ tôi đã đạp rạc cẳng trên những con đường gập ghềnh để đảm bảo đủ chỉ tiêu tín dụng, để có những đồng tiền mua sữa cho chúng tôi. Những bữa ăn của me tôi cũng vậy, luôn chan chứa yêu thương. Mâm cơm ngày ấy của gia đình tôi được nấu từ tấm lòng và sự săn sóc của mẹ, cá rô rán giòn, canh hến nấu rau ngót, đậu phụ chiên chấm mắm. Tôi cũng không hình dung nổi, tại sao mẹ tôi có thể nấu các món ấy với một cái bếp củi, thứ mà nhiều cô gái ngày nay e ngại. Chẳng có tiền mua quà bánh, bữa sáng của tôi khi là bắp ngô luộc, lúc là bát cháo trai hay đĩa xôi vò mẹ nấu. Tôi đã từng chỉ biết ăn, và khi xa mẹ rồi mới thấu, những thứ ngon ngọt ấy là tâm sức của mẹ, là sự tận tụy của mẹ. Mỗi bận chúng tôi đi thi học sinh giỏi, mẹ đều tự tay làm bánh, khi bánh trôi, lúc bánh rán. Có lẽ, ngay cả có con, tôi không biết mình có tận tâm được đến vậy!
Chúng tôi khôn lớn, cả hai đều vào đại học như nguyện ước của mẹ tôi. Tôi đã đi nước ngoài học tiến sĩ, em trai tôi cũng vừa tốt nghiệp xuất sắc. Chúng tôi mải miết chảy theo cuộc sống của riêng mình, còn mẹ, mẹ vẫn cặm cụi bước bên đời chúng tôi. Cuộc sống bộn bề, những lúc chông chênh, lòng tôi lại thèm khát cái vô ưu của thời thơ bé, thèm nhìn thấy mẹ tôi ngày còn trẻ ngồi hong mái tóc xoăn dày dưới nắng. Mái tóc mẹ tôi đã phủ đầy sợi bạc, những nếp nhăn hằn sâu nơi khóe mắt, nơi gánh nặng chị em tôi đè lên cuộc đời mẹ. Chúng tôi đều theo nghiệp tài chính như mẹ, ăn tiền, ngủ tiền và nghĩ về tiền. Mẹ tôi luôn răn dạy rằng: “Cái nghiệp gắn với chữ tiền, chỉ cần yếu lòng là bị nó sai khiến ngay tức khắc. Chết thành cát bụi, đâu có mang được nó theo mà ham làm chi. Có ăn có mặc, có chân tay lành lặn là đáng quý nhất ở đời
“Nhà ta lấy chữ làm người, con ơi!"
Có một nỗi ám ảnh rất lớn trong tôi, nỗi ám ảnh về ngày mẹ không còn bên chúng tôi nữa. Tôi đủ can đảm để cáng đáng trách nhiệm, nhưng tôi biết mình không đủ mạnh mẽ để đứng môt mình khi mất đi điểm tựa tinh thần. Giống như cảm giác mỗi lần về nhà, dáo dác như gà con khi không thấy mẹ. Tôi chưa bao giờ nghĩ về ngày đó bởi luôn tâm niệm rằng, “người nâng đỡ những giấc mơ”sẽ sống mãi trong trái tim chúng tôi.
“Mẹ! Sóng vỗ trong lòng biển cả
Làn mây bay lơ lửng giữa đời
Ngọn lửa ấm xua đêm đông giá
Góc yên bình dệt giấc mơ con"