Khỏe mạnh và sống lâu là mong muốn của tất cả mọi người. Nhiều người thường có quan niệm sống thọ hay đoản thọ đều là số mệnh của mỗi người. Nhưng trên thực tế, nhiều nghiên cứu liên quan cho thấy chỉ có 15% yếu tố ảnh hưởng đến tuổi thọ của một người có liên quan đến gen còn 85% còn lại liên quan đến môi trường, thói quen sống. Nói cách khác, các điều kiện bẩm sinh dù tốt đến mấy mà không được duy trì thì tuổi thọ sẽ bị rút ngắn và ngược lại.
Có rất nhiều đặc điểm giúp bật mí một người có thể sống thọ hay không. Ngược lại, những người có “2 dày, 3 cứng” sau đây thường đoản thọ. Dù chỉ có một cũng có nghĩa là cơ thể bạn không còn khỏe mạnh, hãy chú trọng hơn tới chăm sóc sức khỏe.
Người đoản thọ thường có “2 dày” trên cơ thể
Cổ dày và eo dày là những đặc điểm cho thấy bạn nằm trong nhóm không sống thọ.
Eo dày
Kích thước vòng eo quyết định rất lớn tới sức khỏe và tuổi thọ ở mọi giới tính. Ngay cả khi bạn không thừa cân hoặc không quá béo nhưng vòng eo quá khổ thì cũng sẽ khó mà lão hóa chậm và sống thọ được.
Một nghiên cứu của Mỹ cho thấy, người có vòng eo trên 89cm có nguy cơ tử vong cao hơn 79% so với những người có số đo eo dưới 71 cm. Người có vòng eo lớn tăng nguy cơ tử vong sớm do bệnh tim, hô hấp và ung thư, gan nhiễm mỡ, rối loạn chuyển hóa… hơn những người bụng nhỏ. Các chuyên gia cho rằng, số đo vòng eo không nên vượt quá 80cm. Nếu có eo dày, tích tụ nhiều mỡ thừa, bạn nên điều chỉnh ăn uống và tập luyện để kéo dài tuổi thọ của mình.
Cổ dày
Rất nhiều người cho rằng cổ dày chỉ làm mình xấu xí hơn mà không hay đó là dấu hiệu của người không khỏe mạnh, đoản thọ.
Bởi người có cổ dày thường bị dư cân, béo phì, chất béo tích tụ trong cơ thể tương đối nhiều, trong đó có ở cả phần cổ. Do đó, họ rất dễ mắc các bệnh về tim mạch và mạch máu não, rối loạn chuyển hóa. Những căn bệnh này ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe, có thể đe dọa tính mạng, nguyên nhân khiến bạn bị suy giảm tuổi thọ.
Đặc biệt, nhiều mỡ ở cổ cũng có thể gây áp lực lên đường hô hấp chính của cơ thể, làm tăng mối nguy ngưng thở khi ngủ, đột quỵ và trầm cảm. Cổ dày bất thường còn có thể là dấu hiệu của rất nhiều bệnh tật nguy hiểm, bao gồm cả ung thư và thường gặp nhất là liên quan tới tuyến giáp hay hạch bạch huyết.
“3 cứng” thường gặp ở người đoản thọ
Đừng bất cẩn nếu bạn có 3 kiểu cứng sau đây, nó cho thấy sức khỏe bạn có vấn đề, bạn sẽ lão hóa sớm và khó sống thọ như ý:
Động mạch cứng
Tình trạng của mạch máu có ảnh hưởng rất lớn đến tuổi thọ con người. Xơ cứng mạch máu cũng ngày càng trở nên phổ biến và trẻ hóa, trở thành "sát thủ âm thầm hủy hoại" sức khỏe của chúng ta.
Quá trình xơ cứng động mạch bắt đầu từ khi mới sinh. Theo tuổi tác, mỗi người sẽ có mức độ xơ cứng mạch máu khác nhau. Đặc biệt là sau khi già đi, các mạch máu của chúng ta sẽ trở nên dễ vỡ. Lúc này, khả năng kiểm soát huyết áp cũng sẽ kém đi, nguy cơ mắc bệnh tim mạch tăng cao. Nhưng do nhiều nguyên nhân, nhất là ăn uống và sinh hoạt không điều độ mà mạch máu sớm bị cứng lại, đàn hồi kém dẫn tới tuần hoàn máu kém. Điều này khiến tuổi thọ của bạn bị rút ngắn đi rất nhiều bởi tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh tật nguy hiểm, cơ thể lão hóa sớm.
Phân cứng
Những người thường xuyên bị táo bón, phân cứng, mỗi lần đi vệ sinh phải mất hàng chục phút thậm chí lâu hơn cũng dễ bị liệt vào nhóm đoản thọ. Phân cứng liên quan đến nhiều thói quen không lành mạnh như ăn uống thiếu khoa học, thức khuya, uống rượu, ngồi lâu và uống ít nước…
Khi tuổi càng cao, chức năng đường tiêu hóa cũng sẽ yếu đi nhưng nếu còn trẻ mà phân thường xuyên cứng thì do cơ thể bạn có vấn đề. Ví dụ như do trao đổi chất kém, tiêu hóa kém, bệnh đường tiêu hóa… dẫn tới lão hóa nhanh hơn tuổi và suy giảm tuổi thọ. Táo bón lâu ngày cũng có thể dẫn tới tích tụ độc tố trong cơ thể cùng một số bệnh ung thư. Nếu bạn thường xuyên bị táo bón, rất dễ mắc các bệnh tim mạch, mạch máu não và thậm chí tăng tỷ lệ đột tử.
Gan cứng
Gan là cơ quan rất quan trọng của cơ thể. Rất nhiều hoạt động sống của con người đều cần đến gan để điều tiết, nhất là việc thải độc và chuyển hóa. Gan cứng do tế bào gan bị hư hại, chết dần và tạo ra các mô sẹo, không phục hồi được làm gan chai cứng dần dần và không thể thực hiện chức năng bình thường của gan. Độ cứng của gan cung cấp các thông tin dự báo cũng như tiên lượng nguy cơ xơ gan, ung thư gan và khả năng sống sau khi mắc các bệnh về gan. Đặc biệt là ở bệnh nhân viêm gan virus B và C mạn tính.
Trong khi đó, đây là cơ quan mắc bệnh trong âm thầm, do không có dây thần kinh tạo cảm giác đau nên rất dễ bỏ qua giai đoạn đầu. Đến lúc dấu hiệu rõ ràng bệnh thường đã rất nặng và khó cứu chữa, không còn nhiều tháng năm tuổi thọ - nhất là với bệnh ung thư gan. Các dấu hiệu gan cứng lại phổ biến như: da vàng lại hoặc sạm nám, quầng thâm mắt ngày càng đậm, hay mệt mỏi đi kém chóng mặt/mờ mắt, chảy máu nướu khó hiểu…
Nguồn và ảnh: Aboluowang, QQ, ETtoday