Rầm rộ bức ảnh chụp bằng X-quang của bệnh nhân nhiễm sán xơ mít
Mấy ngày gần đây, mạng xã hội đang truyền tay nhau một hình ảnh chụp X-quang, kèm theo hình ảnh này là lời cảnh báo: “Hình ảnh được ghi nhận tại Bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên”. Hình ảnh chụp X-quang này được cho là của bệnh nhân nhiễm sán xơ mít do ăn phải thức ăn sống (có thể là rau sống, tiết canh, gỏi cá...) có nhiễm trứng, ấu trùng sán...
Rất nhiều người không khỏi hốt hoảng khi trông thấy hình ảnh này. Những nốt trắng trên hình ảnh được cho là sán sơ mít đang chạy dọc khắp cơ thể. Có người đã phải thốt lên: “Người nhiều sán thế này, có khi đứt tay máu không chảy ra mà sán lại chạy ra”. Nhiều người lại bày tỏ nỗi sợ khiếp vía của mình: “Sợ quá rồi, từ giờ mình không dám ăn tiết canh, rau sống nữa”.
Những hình ảnh "người gạo" đang được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội. (Ảnh: Bs Lương Quốc Chính)
Hình ảnh từ X-quang được lan truyền kèm theo chú thích rằng của một bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên nhận được rất nhiều lượt chia sẻ, bày tỏ cảm xúc và cả những bình luận.
Mặc dù không có khái niệm "người gạo" nhưng cụm từ này được dùng để ví tình trạng một người bị nhiễm sán hay nhiễm ấu trùng sán lợn ở dạng vôi hóa. Bình thường, cơ thể chúng ta bị nhiễm sán sẽ không thể hiện lên khi chụp X-quang nhưng khi vôi hóa sẽ gây cản quang như vậy.
Theo Bs Chính, BV Bạch Mai: Rất nhiều người vẫn cho rằng đây không phải là hình ảnh của nhiễm sán vì không thể có chuyện sán lại cản quang trên phim X-quang được, nhưng vì đây là tổn thương đã vôi hóa nên mới cản quang như vậy, chỉ cần sử dụng hai từ khóa Cysticercosis, Trichinellosis để search tìm ảnh trên google sẽ thấy những hình ảnh tương tự.
“Người gạo” – Căn bệnh bắt nguồn từ thói quen ăn "bất chấp" thịt sống tái, tiết canh, rau sống
Thịt lợn là món ăn rất phổ biến trong cuộc sống hàng ngày của người dân Việt Nam. Trong những món ăn liên quan đến thịt lợn, người Việt rất ưa chuộng tiết canh, những món nem tái, nem chạo chưa được chín kỹ làm từ thịt lợn, tai lợn. Điều này vô cùng nguy hiểm vì có thể khiến bạn mắc những căn bệnh đáng sợ, trong đó có bệnh "người gạo" hay chính là bệnh nhiễm ấu trùng sán lợn, nhiễm sán dây lợn.
Các nghiên cứu có mổ tử thi cho thấy ở vùng lưu hành, 80% số ca người gạo là không có triệu chứng. Đây chính là nguyên nhân rất nhiều ca bệnh không được phát hiện hoặc được phát hiện tình cờ bằng việc chẩn đoán hình ảnh.
Tiết canh, rau sống là những món ăn mà rất nhiều người Việt bất chấp những cảnh báo nguy hại sức khỏe, trong đó có bệnh "người gạo". (Ảnh: Internet)
Theo thông tin từ Oxfordjournals, nhiễm ấu trùng sán lợn là bệnh lý gây ra bởi giai đoạn ấu trùng hoặc metacestode của Taenia solium hay sán dây lợn. Các hội chứng lâm sàng của bệnh được chia thành nhiễm ấu trùng sán lợn hệ thần kinh trung ương hoặc nhiễm ấu trùng sán lợn ngoài thần kinh. Căn bệnh này dễ lây qua ăn uống, khi người ăn uống phải trứng sán, trứng sán vào đến dạ dày - ruột, dưới tác dụng của dịch tiêu hóa trứng sẽ nở ra ấu trùng.
Ấu trùng xuyên qua thành ống tiêu hóa vào mạch máu và mạch bạch huyết, đến các cơ quan trọng cơ thể thành thể nang sán. Quá trình phát triển ấu trùng sán lợn là ấu trùng của sán dây lợn có tên khoa học là Taenia solium. Sán trưởng thành ký sinh ở ruột người, sán dài từ 4 đến 12mm gồm 900 đốt, chia làm 3 phần. Ấu trùng này có vật chủ trung gian là lợn và thường trú ngụ ở cơ và não của lợn hay còn gọi lợn gạo. Vì thế, nếu gặp lợn gạo, ăn lợn gạo chưa chín kỹ có thể mắc bệnh này.
Bệnh ấu trùng sán lợn ở người do ăn phải trứng sán dây lợn dưới dạng lợn gạo. Nang ấu trùng sán lợn ở người dài hơn ở lợn, nang sán tập trung thành chùm như chùm nho, kích thước đến 10 - 20 cm chứa tới 60ml dịch. Nang ấu trùng sán lợn ký sinh dưới màng nhện của não có kích thước tới 10 - 15cm. Một vật chủ có thể nhiễm tới hàng trăm ấu trùng.
Những người bị bệnh do ăn phải trứng sán dây lợn từ môi trường ngoài thường có ít nang trừ trường hợp ăn phải cả đốt sán. Những người có sán dây lợn trong ruột, khi đốt già rụng do nhu phản nhu động ruột mà đốt sán trào ngược lên dạ dày và lúc này giống như là ăn phải trứng sán dây lợn với số lượng vô cùng lớn nên số nang ở người cũng rất nhiều, có người không đếm nổi.
Theo TS.BS Nguyễn Trung Cấp- Phó trưởng khoa Cấp cứu, BV Nhiệt Đới TW sán lợn là một loại kí sinh trùng có vật chủ là lợn, nhưng có thể kí sinh ở một số loài khác, trong đó có con người. Sán trưởng thành trong ruột người hoặc lợn sẽ tự rụng ra các đốt sán chứa đầy trứng sán theo phân thải ra ngoài.
"Khi ăn phải đầu sán chưa chết, thông thường chúng có thể bị axit dạ dày giết chết. Nếu chúng sống sót qua dạ dày xuống ruột thì sẽ kí sinh tiếp ở ruột. Khi nuốt phải đốt sán có trứng sán vào ruột, trứng sẽ nở thành ấu trùng sán. Ấu trùng này theo máu đến tạo nang sắn kí sinh ở các vị trí khác nhau trong cơ thể như não, cơ, mắt, dưới da... Nếu ở não có thể gây phù não, co giật động kinh. Nếu ở mắt có thể gây mù lòa", Bs Cấp cho biết.
Theo ông Cấp, con đường lây truyền sán chủ yếu là do ăn phải trứng sán bám ở rau sống, đất bị ô nhiễm phân lợn chứa các đốt sán (sẽ bị các nang ấu trùng sán) hoặc ăn thịt có các nang sán chưa nấu chín (gây bệnh nhiễm sán trưởng thành). Trường hợp ăn phải đầu sán trưởng thành còn sống rất hiếm gặp.
Thói quen ăn uống tùy tiện, bất chấp cảnh báo sức khỏe như ăn đồ nướng tái hoặc nhúng tái cũng có thể dễ dẫn đến nhiễm trùng sán vì kiểu chế biến này chỉ làm chín lớp ngoài của thức ăn, còn phía trong có thể chưa chín và mầm bệnh vẫn còn.
Ăn đồ nướng cũng dễ khiến bạn bị nhiễm trùng sán. (Ảnh: Internet)
Nếu lợn ăn phải rau có dính trứng sán, chúng cũng có các nang sán trong thịt (thịt lợn gạo). Người ăn thịt này chưa nấu chín, khi vào ruột các nang sán thoát vỏ trở thánh sán trưởng thành, lại đẻ trứng để tiếp tục vòng đời. Sán trong ruột người có thể dài từ vài mét tới hàng chục mét và chúng ăn mất các chất dinh dưỡng trong ruột làm cho người nhiễm sán suy dinh dưỡng, suy kiệt...
Những triệu chứng khi bị nhiễm sán dây lợn
Tùy thuộc vào vị trí, sán dây lợn sẽ gây ra những cơn đau khác nhau. Nếu sán nằm ở não sẽ gây ra rối loạn chức năng như động kinh, liệt, nói ngọng, rối loạn ý thức, đau đầu, nhức đầu dữ dội. Nếu sán dây lợn ký sinh ở mắt sẽ gây chèn ép sau nhãn cầu như tăng nhãn áp, giảm thị lực, song thị. Ở cơ vân sẽ xuất hiện những nang dưới da có kích thước 0,5-2cm dễ dàng di chuyển, không ngứa, thường sẽ xuất hiện ở cơ bắp tay, chân hoặc cơ liên sườn, cơ lưng, cơ ngực, gây giật cơ.
Ở bên trong cơ thể, nếu là những ấu trùng sán đang hoạt động là những nang nước, có đầu sán bên trong thì thường không thấy hình ảnh cản quang mà chỉ phát hiện được bằng phim MRI hoặc CT. Các nang sán chết rồi sẽ bị ngấm vôi, chụp phim Xquang thấy các hình ảnh đốm trắng như hình. Các tổn thương trong não dù do ấu trùng sán sống hay đã chết đều vẫn có khả năng gây co giật...
Bệnh nhân nhiễm ấu trùng sán lợn kén vôi hóa thường xuất hiện dạng nốt nhỏ trên phim ở vùng lưu hoành là biểu hiện hay gặp nhất. Các tổn thương này đã từng được coi là không gây triệu chứng lâm sàng, nhưng gần đây đã có nhiều bằng chứng cho thấy chúng là căn nguyên gây co giật và các triệu chứng thần kinh khu trú. Phù quanh tổn thương ở bệnh nhân “người gạo” có thể biểu hiện bằng các triệu chứng nặng như co giật và liệt khu trú, nhưng cũng có thể không biểu hiện gì đặc biệt.
Cách tốt nhất để phòng bệnh là người dân không được ăn rau sống, uống nước lã, không ăn thịt lợn tái sống, ăn tiết canh, không để phân của người nhiễm sán có nguy cơ lây lan.
Cách tốt nhất để phòng bệnh là người dân không được ăn rau sống, uống nước lã, không ăn thịt lợn tái sống, ăn tiết canh, không để phân của người nhiễm sán có nguy cơ lây lan.