Trước hết, theo số liệu khảo sát và ước tính của Liên minh bảo vệ chó châu Á năm 2016, người Việt ăn thịt chó nhiều thứ 2 thế giới. Trung Quốc đứng đầu bảng với mức tiêu thụ 20 triệu con mỗi năm, Việt Nam "dừng" ở con số 5 triệu con chó, và Hàn Quốc từ 2 - 3 triệu con. Điều đáng lo ngại, phần lớn chó đều bị bắt sống trước khi bị đưa vào lò mổ.
Tại Việt Nam, hoạt động buôn bán thịt chó là hợp pháp, nhưng... không được kiểm soát. Thậm chí trước tình trạng giết và làm thịt chó quá phổ biến ở nước ta, nhiều người nước ngoài đã không ngần ngại gọi đó là "công nghiệp thịt chó" hay "ngành sản xuất thịt chó".
Thịt chó là món ăn khoái khẩu của nhiều người dân Việt Nam nói chung. Ảnh: Internet.
Người Hà Nội nói gì về việc từ bỏ thịt chó? Thực hiện: Ngọc Thoa.
UBND TP Hà Nội muốn người dân bỏ thói quen ăn thịt chó
"Ăn thịt chó" không phải là văn hóa, mà đơn giản là thói quen khó bỏ của con người. Ngày trước ở Hà Nội, không ai là không biết tới con phố thịt chó Nhật Tân. Thời hưng thịnh, nơi đây tập trung 50 nhà hàng lớn nhỏ, khách nhậu ngày đêm không ngớt. Cứ chiều xuống, phố Nhật Tân lại chìm trong làn khói mờ ảo mang theo mùi thơm quyến rũ từ những xiên chả chó nướng như muốn níu chân mọi người.
Tại một nhà hàng thịt chó có tiếng khác trên phố Tam Trinh, khoảng 50 con chó bị làm thịt mỗi ngày. Điều đặc biệt, chúng bị giết không thương tiếc ngay trước mặt các thực khách. Người yêu động vật cho vậy là dã man, nhưng chủ nhà hàng và thực khách lại thấy hấp dẫn, háo hức.
Mới đây, UBND TP Hà Nội vừa ban hành văn bản về tăng cường công tác quản lý nuôi, giết mổ, kinh doanh và sử dụng thịt chó, mèo trên địa bàn.
Theo đó, TP giao UBND các quận huyện cập nhật thông tin và lập sổ quản lý về chó nuôi trên địa bàn, tổ chức ký cam kết thực hiện việc khai báo nuôi chó, mèo và chấp hành đúng các quy định về phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt đối với bệnh dại. Các địa phương phải tiêm phòng triệt để cho đàn chó, mèo trong diện phải tiêm và cấp giấy chứng nhận tiêm phòng theo quy định. Khuyến khích việc đeo thẻ nhận diện chó, mèo đã được tiêm phòng dại.
Các quận huyện cũng được giao nhiệm vụ tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn phòng, chống bệnh dại và các hoạt động kinh doanh, giết mổ chó, mèo trên địa bàn.
Một quán thịt chó trên địa bàn quận Ba Đình, Hà Nội.
TP Hà Nội yêu cầu các quận huyện tuyên truyền về nguy cơ và tác hại mắc các bệnh truyền nhiễm (bệnh dại, bệnh xoắn khuẩn, bệnh tả...) khi sử dụng thịt chó, mèo để người dân nhận thức được và từ bỏ thói quen sử dụng thịt chó, mèo.
Việc kinh doanh, giết mổ và sử dụng thịt chó, mèo đã tạo ra những phản cảm đối với khách tham quan du lịch, du khách quốc tế sinh sống, làm việc tại Hà Nội, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của một Thủ đô văn minh, hiện đại.
Theo thống kê, hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có khoảng 493.000 con chó, mèo. Có trên 1.000 điểm kinh doanh chó, mèo thương phẩm, giết mổ chó, mèo, 15 cơ sở kinh doanh chó, mèo cảnh. Từ đầu năm đến nay, đã có 3 trường hợp tử vong vì bệnh dại tại các huyện Phúc Thọ, Phú Xuyên và Sóc Sơn và 2 mẫu bệnh phẩm có kết quả dương tính với bệnh dại tại quận Hoàng Mai và quận Bắc Từ Liêm.
Nhiều người ủng hộ việc dừng ăn thịt chó!
Phần lớn những người tham gia vào cuộc khảo sát của chúng tôi đều cảm thấy kinh hãi khi nghĩ đến cảnh tượng chó bị đưa vào lò mổ. Nhân danh hội yêu thú cưng, họ lên án việc ăn thịt chó vì cho rằng, hành động đó quá đỗi phản cảm. Với họ, chó không còn dừng lại ở khái niệm "vật nuôi", nó là người bạn, người thân trong gia đình.
Ở Đài Loan, người dân đang dần từ bỏ thói quen ăn thịt chó, mèo nhờ bộ luật mới. Theo luật này, những người giết mổ hoặc ngược đãi động vật có thể bị phạt tù đến 2 năm với số tiền phạt lên đến 2 triệu Đài tệ (khoảng 1,48 tỉ đồng). Luật này cũng cấm buôn bán và tiêu thụ thịt chó, mèo cũng như mọi loại thực phẩm được làm từ thịt và các bộ phận của chúng. Người vi phạm sẽ bị phạt số tiền lên đến 250.000 Đài tệ (khoảng 185 triệu đồng), đồng thời sẽ bị công khai tên tuổi và hình ảnh.
Tuy nhiên hiện nay tại Việt Nam, hoạt động buôn bán thịt chó là hợp pháp, nhưng... không được kiểm soát. Anh Linh (25 tuổi, nhân viên văn phòng) đưa đề xuất, nên có luật cứng rắn chứ không chỉ dừng lại ở tuyên truyền.
Chị Phương bày tỏ quan điểm của mình.
"Chó là loài rất thân thiện và hữu ích. Nếu chỉ đơn thuần cấm mà không có chế tài thì mình nghĩ không hiệu quả. Trước mắt TP cứ nên tuyên truyền, khuyến khích, dần dần đưa ra quyết sách cứng rắn. Ban đầu có thể nhiều người ý kiến, nhưng về sau này thì mọi người đều cho đó là đúng đắn" - anh Linh nói.
Nhà chị Phương có con nhỏ, bởi thế chị không nuôi chó vì sợ ảnh hưởng tới các con. Chị Phương không thích ăn thịt chó và chưa bao giờ chị sử dụng loại thực phẩm này. Về quan điểm có nên cấm ăn thịt chó trong thành phố hay không, chị cho hay việc làm cấp thiết lúc này nên bắt đầu từ giới trẻ.
"Thực ra chị nghĩ do suy nghĩ của con người. Từ ngày xưa rồi, quê chị cứ đến dịp giỗ chạp đều ăn thịt chó, gần như là tục lệ. Phải bắt đầu từ giới trẻ may ra mới hạn chế được và sẽ mất thời gian vì phụ thuộc vào hệ tư tưởng của mỗi người".
Em Trung - học sinh cấp 3 kêu gọi hãy dừng ăn thịt chó.
Trung là một học sinh cấp 3, em chưa bao giờ ăn thịt chó. Nhưng xung quanh em, từ bác tới các cô, chú khá ưa thích thứ thực phẩm này. "Em nghĩ nên cấm ăn thịt chó vì như thế mình sẽ bảo vệ những chú chó khỏi lò mổ. Chó không chỉ thông minh mà còn thân thiện, hãy dừng ăn thịt chó!".
Chị Nha (nhân viên văn phòng) là một người cực yêu chó. Không giống với nhiều người nuôi chó sẵn sàng ăn thịt chó, chị Nha không như thế. Dẫu ăn thịt chó theo quan điểm của chị là không nên, nhưng tùy vào sở thích của từng người, chúng ta không có quyền lên án một cá nhân nào cả.
Chị Nha cực yêu chó. Ở nhà chị có nuôi một bé tên là Gấu.
"Chị cũng không phản đổi người ta ăn thịt chó, nhưng chị ủng hộ cấm ăn thịt chó. Hàn Quốc đã bỏ việc xem thịt chó là quốc thịt do người dân phản đối, thì chị nghĩ Việt Nam cũng nên hạn chế ăn thịt chó. Chị rất yêu thương chó, nó rất gần gũi với mình. Thật ra để bỏ ngày 1, ngày 2 cấm thì khó, nếu kiên trì lâu dài thì chị nghĩ là được.
Bây giờ mỗi lần đi qua cửa hàng thịt chó, chị thương lắm. Tưởng tượng nếu 1 ngày con Gấu nhà chị bị bắt đi rồi làm thịt, chị sẽ hận mấy tên "cẩu tặc" lắm, thật sự ấy".
Tuy mong muốn của UBND TP mới được đưa ra không lâu nhưng hiện đang nhận được sự quan tâm của đông đảo dư luận. Động thái này giúp những người yêu chó có thêm hy vọng về một tương lai loài thú cưng này sẽ không còn bị giết hại để lấy thịt.
"Yêu chó là một chuyện, ăn thịt chó lại là một chuyện khác"
Ở Hà Nội, thịt chó được một bộ phận dân cư đặc biệt ưa chuộng. Có những "vùng đất thịt chó" nổi tiếng đến mức được định danh thương hiệu (một cách không chính thức), như "thịt chó Nhật Tân", "thịt chó Vân Đình". Và nay, "thịt chó Việt Trì" tận Phú Thọ cũng đã được "xuất khẩu" tới Hà Nội.
Có một nghịch lý tồn tại ở Thủ đô, đó là ngày càng có nhiều người yêu chó sẵn sàng ăn thịt chó. Kỳ lạ là cách quán thịt chó tại Tam Trinh khoảng 20m có một cửa hàng chuyên cung cấp phụ kiện cho thú cưng. Dù yêu chó, quý chó nhưng nhiều người vẫn sẵn sàng ăn thịt chó. Với họ, yêu chó là một chuyện, ăn thịt chó lại là một chuyện khác!
Anh Tuân (nhân viên văn phòng) có nuôi chó và anh cũng rất thích ăn thịt chó. Anh Tuân thường ăn thịt chó vào cuối tuần, hoặc trung bình một tháng ăn khoảng 2 đến 3 lần. Với anh, đấy là chuyện bình thường vì thịt chó ngon!
"Mình nghĩ thịt chó hay thịt bò, gà,... đều là chúng sinh bình đẳng. Chúng là thực phẩm dành cho con người, vậy tại sao lại cấm ăn thịt chó. Mình nghĩ không nên, vì điều này cũng ảnh hưởng tới công việc làm ăn của một bộ phận dân cư. Là một người thích ăn thịt chó, nếu Hà Nội cấm, mình sẽ tìm đến các tỉnh, thành khác không có quy định để ăn. Thậm chí, mình có thể sẽ ra ngoại thành sinh sống!" - anh Tuân chia sẻ.
Anh Tuân cho rằng không nên cấm ăn thịt chó.
Quan niệm người Việt mê tín dị đoan từ trước đến nay vẫn cho rằng, ăn thịt chó đầu năm, đầu tháng thì sẽ không tốt, không gặp may mắn trong cả năm, cả tháng đó. Nhưng ăn thịt chó vào cuối năm, cuối tháng hoặc sau khi gặp một chuyện không hay thì lại là xua đuổi cái "vận đen" đi. Ở nhiều nơi, ăn thịt chó còn là phong tục mỗi dịp ma chay, đám giỗ, đám hỏi. Mà đã thành phong tục thì rất khó bỏ.
Bác Thạch (quận Thanh Xuân) ăn thịt chó thường xuyên. Không riêng gì bác, rất nhiều người Việt Nam xa xưa đã có thói quen như thế. "Nếu như UBND phát động phong trào, các bác sẽ khắc phục dù thịt chó rất ngon miệng".
Nhiều người khác đưa ra quan điểm, mỗi người vốn có sở thích khác nhau, chỉ có thể khuyến khích người dân hạn chế ăn thịt chó thôi, còn quy định cấm thì không nên. "Hồi xưa còn nhỏ chị ăn thịt chó vì thấy nó ngon, lớn lên ý thức được thì chị không ăn nữa. Quy định của UBND TP hơi 2 chiều, có những người nuôi chó vẫn ăn, chỉ cần họ không ăn chó của họ. Nếu biện pháp hiệu lực thì chỉ là khuyến khích, nhiều người thích thì vẫn tìm cách ăn" - chị Liên (nhân viên văn phòng) bày tỏ.
Bác Thạch cũng là một trong những người thích ăn thịt chó.
Nhi (22 tuổi) không ủng hộ việc UBND đưa ra quyết định cấm người dân ăn thịt chó. Theo Nhi, việc gì càng cấm thì người dân càng lén lút làm. Chỉ có thể hạn chế, quản lý các cửa hàng thịt chó theo cách khác. "Thực ra nếu bớt được thịt chó nói riêng hay các loại thịt nói chung trong thực đơn mỗi ngày, ăn nhiều rau hơn thì sức khỏe con người càng tốt. Có một điều hơi khó hiểu, trước đây nhà bác mình cũng nuôi chó. Đến khi nó chết vì già, mọi người làm thịt nó. Mình thấy hơi thiếu tình cảm với con chó bởi dẫu sao, nó cũng đã gắn bó với gia đình một thời gian".
Với những người theo chủ nghĩa yêu thịt chó, thì đấy thực sự là món khoái khẩu mà ít nhất một tháng phải ăn 1 - 2 lần. Họ lập luận, chó hay bất cứ động vật nào cũng đều là nguồn thức ăn cho con người hết. Khi nào xã hội không ăn trâu, bò, lợn, gà... thì họ tự nguyện không ăn thịt chó nữa!
Cấm ăn thịt chó và có hình phạt những người thả rông chó ngoài đường?
Để đáp ứng nhu cầu thịt chó cho các cửa hàng, tại Việt Nam nhiều năm gần đây rộ lên tình trạng câu trộm, bắt trộm chó gây nhiều bức xúc trong dư luận. Kết quả là nhiều vụ bắt trộm chó dẫn tới hậu quả nghiêm trọng: trộm chó bắn chết chủ nhà khi họ cố bảo vệ chó, hoặc kẻ trộm bị người dân bắt được và hành hung đến chết do quá bức xúc.
Một thực trạng khác tại Việt Nam, nhiều người hay thả chó chạy rông ngoài đường nhưng không rọ mõm gây ảnh hưởng tới người khác. Tháng 8 năm ngoái tại TPHCM, Đoàn liên ngành đã tiến hành kiểm tra, xử lý tình trạng chó thả rông ở quận 1.
Tháng 8 năm ngoái TPHCM ra quân bắt cho thả rông. Ảnh: Tứ Quý.
Trước văn bản mong muốn hạn chế ăn thịt chó của UBND TP Hà Nội, anh H. - một người dân bày tỏ quan điểm, sao không phạt luôn những người nuôi chó thả rông, không rọ mõm, thả chó phóng uế bừa bãi từ đầu đến cuối ngõ, không tiêm phòng cho chó?
"Tôi chưa bao giờ ăn thịt chó nhưng tôi không ủng hộ việc cấm hay muốn bỏ không ăn thịt chó. Đó là quyền tự do của con người, người ăn thịt chó là người xấu sao? Là người không có nhân văn sao? Là người không có nhân đạo sao? Xin thưa là chưa chắc. Vâng, cũng xin quan tâm cả vấn đề nuôi chó nữa. Chó vẫn thả rông gây tại nạn, không rọ mõm tấn công người chưa nói đến bệnh dại, phóng uế mất vệ sinh nhếch nhách vô cùng và bao hệ lụy do nuôi chó mang lại. Yêu chó, nuôi chó cũng phải có trách nhiệm với nó. Đừng gây nguy hiểm và ảnh hưởng tới xã hội. Đó mới là văn minh và nhân văn".
Chị T. cũng mong muốn, nếu đã đưa ra đề xuất cấm ăn thịt chó thì nên xem xét thêm chế tài cho những người không quan tâm, chăm sóc thú cưng đúng cách, để ảnh hưởng tới người khác.
"Xóm tôi có mấy người thả chó ra đường phóng uế bừa bãi, không hề thấy ai cho chó đeo rọ mõm, nguy hiểm quá chừng. Tôi thấy chúng nó phóng uế lung tung mà ghét kinh khủng. Ước gì TP ra luật quản lý chó giùm cho dân được nhờ" - chị T. nói.
Những chú chó sau đó được rọ mõm trước khi ra đường. Ảnh: Tứ Quý.
Trao đổi với PV báo Lao Động chiều ngày 12/9, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP Hà Nội cho biết, Hà Nội hiện có 1.013 điểm kinh doanh chó, mèo thương phẩm; 15 cơ sở kinh doanh chó, mèo làm cảnh.
"Theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, các quận, huyện, thị xã phải xây dựng lộ trình hạn chế giết mổ chó, mèo thương phẩm. Đối với các quận nội thành sẽ hạn chế các cơ sở kinh doanh thịt chó, mèo. Đến năm 2021, ở các quận nội thành sẽ không kinh doanh thịt chó, mèo", ông Sơn cho biết.