Ông Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc CDC Hà Nội. Ảnh: B.Loan
Các đối tượng được tiêm trên 18 tuổi
Thông tin với Báo Gia đình & Xã hội việc tiêm vaccine, ông Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC) cho biết, Hà Nội đã hết sức chủ động trong việc tiếp cận với nguồn vaccine tiêm chủng cho người dân.
Cụ thể, UBND TP Hà Nội đã có văn bản đề nghị Bộ Y tế tạo điều kiện hỗ trợ thành phố được tiếp cận với nguồn vaccine của các nước hiện nay đã được cấp phép lưu hành, chủ động mua vaccine tiêm chủng cho toàn bộ người dân Thủ đô. Dự kiến là 15.782 liều vaccine.
Ông Khổng Minh Tuấn cho biết, số lượng này đủ để tiêm cho toàn bộ người dân Thủ đô và một số người dân vãng lai cư trú trên địa bàn. Các đối tượng được tiêm vaccine đều trên 18 tuổi trở lên.
"Đến ngày 24/2, Bộ Y tế đã tiếp nhận lô vaccine đầu tiên với số lượng trên 117.000 liều. Đến ngày 6/3, Bộ Y tế sẽ tổ chức tập huấn tiêm chủng cho toàn bộ hệ thống y tế dự phòng của 63 tỉnh, thành và sau cuộc tập huấn này, sẽ bắt đầu triển khai tiêm vaccine cho người dân trên cơ sở danh sách đối tượng ưu tiên của 13 tỉnh, thành đã và đang có dịch. Trong đó có Hà Nội và ưu tiên số một cho tỉnh Hải Dương… Riêng Hà Nội, sau khi tập huấn và phân bổ, Hà Nội đã chuẩn bị danh sách những người được ưu tiên tiêm đầu tiên. Đó là những người trực tiếp trong tuyến đầu chống dịch", ông Khổng Minh Tuấn cho hay.
Về nguồn kinh phí mua vaccine, ông Tuấn cho biết, ngày 26/2/2021, Chính phủ đã có Nghị quyết số 21 về việc mua, sử dụng vaccine COVID-19. Căn cứ Điều 3 của Nghị quyết thì có 3 nguồn kinh phí để mua vaccine, đó là ngân sách nhà nước; nguồn tài trợ hỗ trợ của các tổ chức cá nhân trong, ngoài nước và nguồn kinh phí hợp pháp khác; nguồn của các tổ chức, cá nhân sử dụng vaccine tự chi trả (dịch vụ).
Có vaccine, vẫn kiên định phòng chống dịch
Theo đại diện CDC Hà Nội, 15.782 liều vaccine đủ để tiêm cho toàn bộ người dân Thủ đô.
Bà Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, Chính phủ đã phân công cho Bộ Y tế tiếp nhận, viện trợ, mua, phân bổ vaccine COVID-19 cho các địa phương. "Thời gian qua, Sở Y tế đã có những buổi kiểm tra đột xuất và vẫn có những cơ sở hành nghề ngoài công lập chưa nghiêm túc trong việc phòng, chống dịch. Đặc biệt là công tác phân luồng, sàng lọc, phát hiện kịp thời những trường hợp nghi ngờ… Cụ thể là tuần qua, chúng tôi đã cho dừng thêm 2 phòng khám đa khoa trên địa bàn quận Ba Đình do không đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch. Do đó, dù Việt Nam đã có vaccine nhưng chúng ta vẫn phải đảm bảo kiên định thực hiện các biện pháp phòng dịch. Đặc biệt đây là thời điểm các học sinh, sinh viên quay trở lại trường học. Do đó, việc kiên định với các biện pháp phòng, chống dịch sẽ kéo dài ít nhất là từ nay đến hết năm 2021", bà Hà cho hay.
Bà Hà nhấn mạnh: "Dịch được kiểm soát, chúng ta có thể yên tâm nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch nhưng việc nới lỏng này phải dựa trên sự thận trọng, dựa trên những cơ sở có phân tích cụ thể".
Về công tác phòng, chống dịch trong trường học, ông Hoàng Hữu Trung - Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD&ĐT Hà Nội) cho biết, mỗi nhà trường có trách nhiệm phối hợp với cơ quan y tế địa phương, phụ huynh, học sinh tổ chức tổng vệ sinh khử khuản, tăng cường các điều kiện để đảm bảo công tác phòng, chống dịch như: Nước sạch, xà phòng, dung dịch sát khuẩn, khẩu trang…
Ngoài ra, phụ huynh cấp bậc mầm non và tiểu học phải kiểm tra thân nhiệt trước khi đưa các em đến trường. Nếu có bất thường thì cơ quan y tế địa phương sẽ tiếp nhận thông tin, tư vấn về phòng, chống dịch. Đặc biệt là thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K của Bộ Y tế.
Ông Trung cho biết: "Chúng tôi cũng đã tham khảo các cơ quan y tế, nếu đã thực hiện tốt các biện pháp đã chuẩn bị như trên thì không nhất thiết các cháu phải đeo khẩu trang trong thời gian ở trường. Tuy nhiên, nếu cháu nào đã hình thành được thói quen đeo khẩu trang trong lớp học thì chúng tôi vẫn khuyến khích".
Đồng thời, tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch trong cán bộ, giáo viên, học sinh. Đặc biệt là hạn chế khách ra vào nhà trường. Phụ huynh khi ra vào trường phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Kết thúc mỗi buổi học, các thầy cô đều nhắc nhở các em học sinh thực hiện giãn cách khi ra khỏi cổng trường; duy trì vệ sinh trường, lớp...
Ông Trung nhấn mạnh: "Một phụ huynh bị lây nhiễm làm ảnh hưởng tới môi trường trường học tại một trường tiểu học ở Nam Từ Liêm, chúng ta đã phải thực hiện cách ly cả trường học. Đây là bài học không bao giờ quên, phải rút kinh nghiệm tuyệt đối. Vì vậy, chúng tôi mong muốn các bậc phụ huynh phải giữ cho mình, cũng là giữ cho các cháu nhỏ và giữ cho mọi người, cộng đồng".
UBND quận Ba Đình cho biết, sau rà soát, quận này có 2.075 đối tượng thuộc diện tiêm vaccine COVID-19 trong đợt đầu. Riêng quận Bắc Từ Liêm có 3.758 trường hợp cũng thuộc diện ưu tiên tiêm vaccine COVID-19.
Ngoài ra, việc triển khai giám sát dịch tễ bằng ứng dụng quét mã QR Code cũng được triển khai trên 100% các đơn vị, địa phương có sự giám sát, kiểm tra của đơn vị y tế.
Đặc biệt, từ ngày 1/3 đến nay, huyện Thường Tín đã xử phạt 4 trường hợp không đeo khẩu trang với tổng số tiền phạt là 8 triệu đồng.
Ngoài ra, huyện Gia Lâm xử phạt 3 cơ sở kinh doanh và 8 trường hợp, vi phạm quy định về phòng, chống dịch; quận Hai Bà Trưng xử phạt 30 cá nhân, tổ chức không đeo khẩu trang…
Quận Hoàn Kiếm đã chỉ đạo, cho giải tán việc một số nhà thiện nguyện tập trung đông người, kêu gọi ủng hộ người khó khăn ở vùng cao, tại khu vực Nhà hát lớn Hà Nội vào chiều 1/3.