Xét trong khu vực Đông Á, Hàn Quốc không phải là đất nước thấp bé gì cho cam. Chiều cao trung bình với nam là 170cm, còn nữ là 157cm, vượt trên nhiều quốc gia châu Á khác như Trung Quốc, hay ngay cả người Việt chúng ta. Trong xếp hạng 10 quốc gia có mốc chiều cao trung bình thấp nhất thế giới năm 2019, không có tên Hàn Quốc. Giới trẻ Hàn Quốc cũng liên tục cao dần đều qua các năm.
Nhưng bất chấp thực tế không thua kém về chiều cao với các quốc gia cùng khu vực, người Hàn Quốc lại cực kỳ ám ảnh bởi nó.
Người Hàn Quốc cho rằng, đã là đàn ông thì phải cao trên 180cm
"Cháu 12 tuổi, cao 158cm," – một cô bé giấu tên đăng đàn xin tư vấn. "Tất cả bạn bè của cháu đều cao chí ít là 160cm. Xin cho cháu biết làm thế nào để cao hơn nữa. Cháu muốn khi lớn lên sẽ đạt 180cm."
Đầu đuôi cũng vì câu tuyên bố của một nữ sinh viên vào năm 2009, trên Chương trình Global Talk Show. Cô phát biểu "đàn ông mà dưới 180cm đều là những kẻ thua cuộc".
Tất nhiên là phát ngôn gây sốc như thế sẽ khiến không ít người khó chịu. Có điều, cư dân Hàn Quốc vốn bị ám ảnh với chiều cao. Sau khi sự tranh cãi đi qua, cái còn đọng lại là… định mức mới: đàn ông phải trên 180cm. Những ai dưới 180cm rất dễ bị trêu chọc hoặc chế nhạo là "đồ lùn".
Ngay cả những người nổi tiếng mà "thấp bé nhẹ cân" cũng bị chê bai. Các nghệ sĩ hài có chiều cao khiêm tốn thường lấy luôn cái lùn của mình ra làm trò mua vui, ví dụ như Kim Byung Man, Lee Soo Geun, Ha Ha...
Từ nỗi ám ảnh trở thành áp lực
Trên phương diện y học, chiều cao không phụ thuộc vào chủng tộc mà chủ yếu do yếu tố gene và dinh dưỡng quyết định. Không riêng gì Hàn Quốc, hầu hết các nước có nền kinh tế tăng trưởng ở Châu Á đều từ từ gia tăng mức chiều cao trung bình. Ngược lại tại các nước phương Tây, nơi chiếm "top 10" những quốc gia cao nhất thế giới, chiều cao có vẻ đã chững lại.
Dẫu vậy, người Hàn Quốc vẫn không thể kiên nhẫn. Họ tự định đoạt chiều cao chính là một lợi thế xã hội. Bậc sinh thành nào cũng thấp thỏm lo âu, lỡ con em mình không đủ cao. "Cả tôi lẫn chồng đều bị xem là lùn, nên rất lo lắng con mình cũng bị di truyền," - Kim Eun-joo, bà mẹ trẻ có con trai mới 6 tuổi bày tỏ.
Trẻ con Hàn Quốc chịu áp lực phải có chiều cao lý tưởng
Mọi phụ huynh Hàn Quốc đều mong mỏi, con cái sẽ cao lớn hơn bạn bè cùng trang lứa. Họ sẵn sàng làm mọi cách để đứa trẻ của mình không phải tự ti vì lùn.
Thị trường hormone tăng trưởng bùng nổ, nhưng liệu có tác dụng?
Mặc dù cao hay thấp không phải là bệnh, người Hàn Quốc vẫn tìm đến thuốc. Chỉ dựa vào buôn bán dược phẩm bổ sung và thực phẩm chức năng hỗ trợ tăng trưởng chiều cao, thị trường thuốc của Hàn tăng doanh thu vùn vụt. Nếu năm 2017, họ thu lợi 6,7 tỷ won. Sang năm 2018, con số này đã tăng vọt lên đến 20,7 tỷ won, nghĩa là hơn gấp 3 lần.
Đối với các trường hợp con em có dấu hiệu hơi... lùn, các cha mẹ Hàn Quốc lập tức đem chúng đi tiêm hormone tăng trưởng chiều cao. Theo báo cáo từ công ty Dong-A ST, doanh số thu nhập nhờ hormone tăng trưởng chiều cao vào năm 2018 là 19,5 tỷ won.
Tiêm hormone tăng trưởng chiều cao phải được thực hiện hàng tuần và liên tục trong vòng 1 năm. Nó vừa tốn kém lại vừa không có gì đảm bảo sẽ mang đến hiệu quả. Ví dụ như trường hợp của Lim Jae-seon, 25 tuổi - cô phải tiêm hormone hàng tuần vào năm 13 tuổi, nhưng hiện tại vẫn chỉ cao có 153cm mà thôi.
Ngoại trừ các đơn thuốc theo toa, xứ sở kim chi còn hấp tấp dùng luôn các sản phẩm được quảng bá giúp tăng trưởng chiều cao chưa qua thử nghiệm lâm sàng. Một số loại thuốc mới chỉ được thử nghiệm trên động vật hoặc tế bào đã tràn vào thị trường, và các bậc cha mẹ đổ xô đi mua về cho con em sử dụng. Sự việc nghiêm trọng đến nỗi Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm phải vào cuộc, đưa ra lời cảnh cáo đến người tiêu dùng.
Theo xác nhận từ Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc, những sản phẩm chưa qua thử nghiệm lâm sàng đều không đảm bảo an toàn. Đặc biệt, chúng không có (hoặc có nhưng không đáng kể) tác dụng đối với cơ thể con người.
Chưa "tiêu hóa" hết lời khuyến cáo từ Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc, người Hàn Quốc đã chạy đua giành giật các sản phẩm "nghe đồn" giúp trẻ em cao lớn nhanh. Một số blogger tích cực xúc tiến việc mua viên canxi rong biển Nhật Bản, bất chấp thuốc này chưa được kiểm tra và giao dịch chính thức.
Tham khảo Koreaherald