Khi ai đó nói họ khó mở lòng với người khác, hẳn có lúc bạn nghĩ đơn giản là họ đang nhút nhát, rụt rè, họ hướng nội nên không biết cách kết nối cảm xúc với người ngoài. Nhưng lý do thực sự không đơn giản đến vậy, có nhiều rào cản ẩn sâu bên trong khiến ai đó ngại ngần bày tỏ thế giới nội tâm ra bên ngoài.
Trước khi khám phá ra những lý do đằng sau, điều cần ghi nhớ là nếu bạn cũng là một người khó mở lòng và luôn cố đẩy người khác ra xa, bạn sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi cố gắng gọi tên cảm xúc hỗn độn bên trong và tự chữa lành cho mình.
Các mối quan hệ xã hội là một trong những chìa khóa để duy trì sức khỏe tinh thần và tạo dựng hạnh phúc lành mạnh. Và để xây một nền tảng đủ vững, chúng ta cần bắt đầu với sự thân mật, thông qua việc bộc lộ bản thân một cách chân thành nhất. Đừng nghĩ rằng cởi mở là phơi bày ta trước ánh sáng và để mọi người phán xét, đó chỉ đơn giản là nói về điều mình nghĩ, cảm xúc mình cảm nhận và cách mình soi chiếu thế giới. Hơn hết, nó là cánh cửa để người khác bước qua và ôm lấy đứa trẻ bên trong bạn.
Dưới đây là một số lý do chính cho thấy vì sao bạn chưa sẵn sàng cho mọi người nhìn ngắm thế giới quan đẹp đẽ bên trong mình:
1. Bạn chưa đủ hiểu mình
Có rất nhiều người không dành thời gian nghiền ngẫm và phân tích cảm xúc mà họ trải qua hằng ngày. Ví dụ, họ lo lắng, căng thẳng, buồn bã, thất vọng nhưng không thể gọi tên và mô tả chính xác điều mình cảm nhận. Họ thậm chí không thể xác định nguyên nhân gây ra cảm xúc này, tất cả chỉ có thể gói gọn lại trong câu “Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn”. Cảm xúc đến và trôi qua như một lẽ tất yếu.
Chính vì không hiểu mình đủ nhiều, họ cũng không biết cách bắt nhịp cảm xúc với người khác, chia sẻ trở nên thật khó khăn khi ta không có gì nhiều để chia sẻ. Cuối cùng, phương án khả thi nhất với họ là “không nói còn hơn”.
Nhiều người thường phân tích cảm xúc bằng cách viết, nhưng chia sẻ trực tiếp với người khác cũng là biện pháp thực hành trị liệu rất hiệu quả. Khi trò chuyện, mở lòng, đừng đặt áp lực phải biết mình muốn gì ngay, bạn cứ mô tả điều đang diễn ra trong mình, nó bắt đầu từ đâu, khi nào. Đôi khi, chính người khác lại đưa ra những nhận định, góc nhìn chính xác về bạn hơn bạn nghĩ. Không ít trường hợp ta gặp được người hiểu mình hơn cả mình.
2. Bạn thiếu cơ hội thực hành và kỹ năng cần thiết
Đừng coi nhẹ cảm xúc, bởi vì thể hiện cảm xúc đúng cách cũng là một kỹ năng cần học. Kỹ năng này được hình thành trong quá trình bạn tiếp xúc với xã hội và được liên kết với môi trường sống hay gia đình của bạn. Trong nhiều gia đình, các thành viên thường không có thói quen chia sẻ cảm xúc. Hoặc nếu họ có nói, thì sẽ thường không được lắng nghe một cách thấu đáo hoặc họ bị coi là yếu đuối.
Lớn lên trong gia đình như vậy, đứa trẻ sẽ phải tự học cách giữ mọi thứ cho riêng mình và thể hiện thái độ phòng thủ với mọi thứ xung quanh.
3. Bạn sợ bị tổn thương
Trong hai trường hợp trên, người nói thường có vấn đề bộc lộ cảm xúc với mọi người, nhưng trong trường hợp này thì họ chỉ gặp trắc trở với người mới quen. Họ thoải mái tâm sự, hàn huyên hàng tiếng đồng hồ với người thân, bạn thân, nhưng khi gặp gỡ người mới, mọi cuộc trò chuyện chỉ dừng ở mức bề mặt.
Lý do có thể là họ ngượng ngùng, hướng nội, nhưng cũng có khả năng họ đã chịu tổn thương trong quá khứ và không muốn tiếp tục đẩy mình vào một mối quan hệ rủi ro khác, vì thế từ chối chia sẻ với người mới quen chính là cách họ chọn để bảo vệ mình. Họ chỉ muốn sống trong vòng tròn xã hội quen thuộc. Đôi lúc bạn cần chấp nhận “rủi ro”, nếu không bạn sẽ thấy các mối quan hệ xã hội của mình giảm đi trông thấy.
4. Hội chứng hiệp sĩ trắng (white knight syndrome)
Hội chứng hiệp sĩ trắng dùng để mô tả người luôn cố gắng chạy đi để giúp đỡ và giải quyết vấn đề cho người khác. Họ luôn ở đó khi người khác cần.
Các nghiên cứu cho thấy nguyên nhân có thể là vì họ có một tuổi thơ bị ngược đãu, bị bỏ rơi trong gia đình của mình, hoặc họ trải qua thất bại tình cảm, bị từ chối, lừa dối bởi người yêu. Quá khứ “tôi luyện” cho nhóm người này khả năng đồng cảm sâu sắc với người khác và sẵn sàng giúp đỡ nhóm yếu thế với một sự hăng hái, “nhiệt tình quá mức”.
Tuy nhiên, đây cũng là nguyên nhân của vấn đề. Sự hào hiệp và cống hiến không cần thiết cho cuộc đời của người khác làm tước mất thời gian quý báu cho bản thân. Bạn chỉ thoải mái khi nói về cảm xúc của đối phương nhưng nghịch lý là bạn chật vật để mô tả mình.
Hơn nữa, bạn rất hiếm khi mưu cầu sự hỗ trợ, bạn cũng không thích dựa dẫm người khác hay có nhu cầu thể hiện tình cảm. Sau cùng, người chịu thiệt thòi nhất lại là bạn.
Mở cánh cửa khép chặt trong lòng để tự chữa lành
Dưới đây là một số cách để bạn thực hành kết nối với người khác
- Bắt đầu chú ý nhiều hơn đến bản thân và cảm xúc của mình. Bạn có thể trải qua nhiều cảm xúc trong ngày hoặc không trải qua cảm xúc gì đặc biệt. Và kể cả bạn không thấy gì ngoài sự trống rỗng, bạn vẫn nên gọi tên chúng, đừng cố kìm nén, hãy thử đặt câu hỏi tại sao mình lại hay “ghìm chặt” suy nghĩ và chưa bao giờ tìm cách để giải phóng ra bên ngoài.
- Đừng dừng lại ở bề nổi. Đôi khi, bạn sẽ bí đề tài nói chuyện vì không biết cách khai thác sâu về chủ đề xung quanh. Lúc này, hãy thử cách liên kết các sự kiện với cảm xúc nội tại hay sự kiện trong quá khứ.
Ví dụ, bạn kể với bạn thân về đôi giày mình mới mua, thay vì nói nó đẹp lắm và chấm hết, bạn có thể kể đã từng mua đôi giày này trước kia chưa, vì sao bạn chọn hãng này, giày dép quan trọng thế nào với bạn, tại sao lại là màu này, kiểu dáng này. Nói về công việc hoặc các mối quan hệ, bạn không chỉ nhận xét môi trường làm việc, tính cách đồng nghiệp mà còn phân tích lý do tại sao bạn nghĩ ra điều như vậy. Mở rộng câu chuyện dưới nhiều góc độ là cách để bạn cởi bỏ những lớp áo vướng mắc trong tâm trí.
- Nói rõ điều mình đang nghĩ cho dù là chủ đề nhạy cảm. Khi cuộc nói chuyện bắt đầu “sâu” hơn, có thể chủ đề nhạy cảm sẽ được bàn tới, một số người có xu hướng che đậy hoặc hạ thấp quan điểm của mình vì sợ bị đánh giá, khiến người kia hiểu sai quan điểm.
Tất nhiên nói giảm nói tránh là một cơ chế phòng vệ dễ hiểu, nhưng không có nghĩa là bạn che đậy mọi thứ, bạn chỉ cần làm rõ đây là quan điểm của riêng mình và bạn sẵn lòng đón nhận góc nhìn khác với thái độ thân thiện, mang tính xây dựng. Thành thật với chính mình là một nhân tố quan trọng để cả hai cộng hưởng, bắt nhịp với nhau.
- Thay đổi ngôn ngữ cơ thể. Ngôn ngữ cơ thể thực sự làm bạn tự tin hơn. Nếu đang ngồi khoanh tay, khom lưng, quay mặt lại với bạn bè, bạn sẽ khó kết nối và cởi mở. Hãy ngồi hướng về phía đối phương, thẳng lưng một chút, thậm chí có thể hít một hơi trước khi bắt đầu nói.
- Nhận thức được tầm quan trọng của việc tạo ra những kết nối sâu sắc với người khác. Nhắc nhở bản thân rằng trốn tránh thân mật vì sợ bị tổn thương đồng nghĩa rằng bạn sẽ mất đi nhiều cơ hội để phát triển.
- Tập luyện từng bước nhỏ trước. Làm quen với việc trò chuyện thẳng thắn về cảm xúc của mình, tất nhiên không cần “phơi bày” quá nhiều, ví dụ bạn có thể chọn nói quan điểm, ý kiến về một vấn đề thời sự hoặc một câu chuyện nhẹ nhàng đọc được trên mạng.
- Đón nhận mọi ý kiến trái chiều với thái độ cởi mở. Mỗi người sẽ có một quan điểm, cách nhìn nhận riêng về một vấn đề. Tôn trọng quan điểm của người khác và ý kiến, cảm xúc của bạn cũng sẽ được tôn trọng, lắng nghe hơn. Thỉnh thoảng, hãy đặt cho họ những câu hỏi gợi mở để cả hai cùng đi tìm sự đồng điệu.
- Nuôi dưỡng mối quan hệ đang có. Bạn đang gặp vấn đề và rất cần tâm sự với người khác, nhưng lại quá ngại liên lạc với ai đó để hỏi xin sự giúp đỡ? Vậy thì thử nghĩ đến cách giúp đỡ hoặc “trả ơn” họ xem sao. Cách đơn giản nhất là mời họ đi ăn trưa, uống cà phê cùng và nhân cơ hội để vừa hỏi lời khuyên, vừa thắt chặt lại mối quan hệ. Dần dần, bạn sẽ nhận ra tương tác thường xuyên và nuôi dưỡng mối quan hệ rất có ích khi bạn trải qua những giai đoạn đen tối trong cuộc sống.