Hiện nay, tỷ lệ nhiễm virut viêm gan B (HBV) ở nước ta chiếm tỷ lệ khá cao, khoảng từ 15 – 20% và được coi là một trong những nước bị nhiễm HBV cao nhất thế giới.

Ngoài nhiễm HBV có thể biểu hiện lâm sàng điển hình hoặc không điển hình (bệnh cấp tính và bệnh mạn tính) là người lành mang HBV (còn gọi là người mang mầm bệnh không triệu chứng), đây chính là dạng nhiễm HBV không hoạt động.
 


Người lành mang HBV có nguy hiểm không?

Chúng ta biết rằng, khi HBV vào cơ thể người, nếu cơ thể đó chưa có miễn dịch chống HBV thì nguy cơ bị virút tấn công là điều khó tránh khỏi. Tuy vậy, người ta thấy rằng có tới 90% người bị nhiễm HBV sau 6 tháng sẽ khỏi hoàn toàn một cách vĩnh viễn và không để lại di chứng gì, mặc dù không cần dùng bất cứ một loại thuốc hoặc một tác động nào.

Số 10% còn lại nhiễm HBV hoặc có biểu hiện lâm sàng. Ở người trưởng thành, viêm gan B thể nhẹ thì có chán ăn, mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa (buồn nôn, nôn), nước tiểu vàng đậm. Loại biểu hiện lâm sàng nặng (viêm gan cấp tính) thì triệu chứng lâm sàng rầm rộ hơn rất nhiều như: vàng da niêm, nước tiểu sẫm màu như nước vối, có thể phân bạc màu.


Tuy vậy, nhiễm HBV ở trẻ sơ sinh lây truyền từ mẹ (nhất là trẻ mới lọt lòng) thì biểu hiện của bệnh không giống như ở người trưởng thành mà bệnh diễn biến hoàn toàn khác hẳn người trưởng thành.

Người ta tổng kết cho thấy rằng, có khoảng 90% số trẻ bị lây nhiễm HBV từ mẹ trở thành trẻ viêm gan mạn tính kéo dài trong nhiều năm (có thể không có biểu hiện lâm sàng gì) và hậu quả cuối cùng là bị xơ gan cổ trướng hoặc hiếm hơn là bị ung thư gan.

Muốn xác định người bị nhiễm HBV trở thành viêm gan mạn tính thể người lành mang HBV, người ta phải làm các xét nghiệm bổ sung cần thiết như: HBsAg dương tính, HBeAg âm tính, xét nghiệm men gan như GSOT và SGPT bình thường.

Nếu có điều kiện, cần xét nghiệm định lượng HBVDNA âm tính. Ở đây nên hiểu là khi HbsAg dương tính, chứng tỏ HBV đang tồn tại trong cơ thể người đó và vì vậy HBV vẫn có khả năng lây nhiễm cho người khác bằng đường máu (tiêm chích, châm, đánh răng, cạo râu, xăm mình, cho máu mà không xét nghiệm sàng lọc HBV…) hoặc theo đường tình dục, mẹ truyền cho con.

Tuy nhiên, khi HbeAg và HBVDNA âm tính điều này nói lên rằng HBV không nhân lên (không sinh sôi nảy nở thêm) và virút không còn tấn công tế bào gan nên chức năng gan trở lại bình thường (men gan không tăng so với chỉ số bình thường).

Có nên điều trị và tiêm phòng vắc-xin không?

Người lành mang HBV tạm thời virút không hoạt động, cho nên không làm ảnh hưởng đến hoạt động của gan, vì vậy không cần điều trị bất kỳ một loại thuốc nào. Hiện nay, có khá nhiều thuốc Tây y có tác dụng ức chế làm hạn chế HBV phát triển nhưng chỉ dùng cho loại viêm gan B cấp tính và mạn tính.


Đối với người lành mang HBV không cần dùng bất cứ một loại thuốc gì. Thuốc Nam, thuốc Bắc nếu dùng có khi còn phản tác dụng mà bản thân người sử dụng không hề biết. Lý do là những tác dụng phụ của thuốc Nam, thuốc Bắc hầu hết chưa biết, vì vậy sẽ làm ảnh hưởng đến chức năng của tế bào gan.

Khi xác định bị viêm gan hoặc người lành mang HBV thì không cần tiêm vắc-xin viêm gan B nữa. Nói một cách khác là nếu tiêm thì thừa (vô tác dụng của vắc-xin).

Tuy vậy, khi đã trở thành người lành mang HBV thì phải được kiểm tra sức khỏe và làm các xét nghiệm định kỳ có liên quan đến HBV như: HBsAg, HBeAg, HBVDNA để được theo dõi thật chặt chẽ đề phòng HBV tái hoạt động.

Người lành mang HBV nên làm gì?

Cần khám sức khỏe và xét nghiệm định kỳ theo lời dặn của bác sĩ. Tuyệt đối kiêng rượu, bia và các loại nước giải khát có cồn. Không hút thuốc lá, hạn chế mỡ động vật.

Cần có cuộc sống thoải mái và nên rèn luyện sức khỏe phù hợp với điều kiện của bản thân như: tập thể dục buổi sáng, đi bộ, bơi hoặc chơi cầu lông.


Không để người khác dùng chung dao cạo râu, bàn chải đánh răng, nếu sinh hoạt tình dục cần có biện pháp phòng hữu hiệu cho đối tác là dùng bao cao su đạt chất lượng (không thủng, không rách) và dùng đúng qui cách.

Không cho máu hoặc nếu có bị chấn thương làm chảy máu, tổn thương cần cho người xử lý vết thương, người tiêm thuốc cho mình biết mình đang là người mang HBV.

Theo SKĐS