Thời gian qua, cuộc sống rất nhiều lao động tự do gặp không ít khó khăn khi phải nghỉ việc hoặc không có việc làm do ảnh hưởng của dịch COVID-19 bùng phát. Trước tình hình đó, UBND TP Hà Nội đã công bố mức hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do dịch với gói an sinh hơn 26.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên trong quá trình triển khi nhận gói hỗ trợ, lao động tự do trên địa bàn gặp không ít khó khăn, thậm chí nhiều lao động vẫn chưa thể nhận được khoản hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người do vướng mắc về thủ tục. Đặc biệt, lao động tự do tạm trú trên địa bàn thành phố muốn được nhận hỗ trợ tại đây phải xin giấy xác nhận không hưởng hỗ trợ tại nơi thường trú (ở quê) và ngược lại.
Yêu cầu này gần như là bất khả thi bởi thời điểm hiện tại toàn thành phố đang thực hiện giãn cách, việc đi lại ở đây còn phải hạn chế tối đa nên việc về quê để xin giấy xác nhận gần như không thể. Thủ tục như thế thì khó với lao động tự do, đặc biệt là những người có quê ở xa.
Trước những khó khăn về thủ tục như vậy, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã đề nghị UBND TP Hà Nội tháo gỡ khó khăn trong việc xác nhận để hưởng chế độ hỗ trợ cho lao động tự do (1,5 triệu đồng theo Nghị quyết 68 - gói 26.000 tỷ đồng).
Cụ thể, Sở đề nghị UBND TP cho phép UBND các quận, huyện, thị xã và UBND các xã, phường, thị trấn, các đơn vị có liên quan tổ chức tiếp nhận hồ sơ người lao động bằng nhiều hình thức (trực tiếp, bưu điện, email, trực tuyến...); đồng thời linh hoạt trong việc giảm thời gian giải quyết hồ sơ đề nghị hỗ trợ.
Việc gửi thông tin người lao động đã được nhận hỗ trợ đến nơi người lao động đăng ký thường trú/tạm trú cũng cần được triển khai bằng các hình thức linh hoạt (qua email, hòm thư công vụ, bưu điện...)
Thay vì phải niêm yết công khai danh sách các trường hợp được hỗ trợ bằng nhiều hình thức, các cơ quan chức năng chỉ cần công khai trên trang thông tin của đơn vị, nhằm bảo đảm người lao động được hưởng trong thời gian sớm nhất.
Kiến nghị trên được UBND TP Hà Nội thống nhất. Trên cơ sở đó, Sở LĐ, TB & XH Hà Nội đã có văn bản hỏa tốc đề nghị UBND 30 quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan chủ động, linh hoạt tiếp nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ đối với nhóm lao động tự do bằng nhiều hình thức như đã nêu ở trên.
Theo quy định cũ, nếu nơi thường trú và tạm trú khác nhau, người lao động muốn hưởng trợ cấp tại nơi tạm trú phải xin giấy xác nhận không hưởng tại nơi thường trú và ngược lại.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai chính sách hỗ trợ cho lao động tự do, người lao động gặp vướng mắc trong việc xin giấy xác nhận "không đề nghị hưởng chính sách hỗ trợ" tại nơi thường trú hoặc tạm trú.