Thoáng một cái là hết năm, một mùa xuân mới lại về, trong lòng đa số người sẽ ê chề để mà thốt lên "Tết năm nay sao mà chán". Ai cũng váng vấp những vọng tưởng về cái Tết cũ, ở phía sau lưng nhiều năm về trước, để khi tiết trời về đông, cuối năm, thời khắc như bây giờ họ lại ngước mắt lên trời mà hỏi sao Tết này buồn hơn Tết xưa? Chưa ai có câu trả lời dù đã đi qua nửa đời người đón biết bao nhiêu là cái Tết.
Tết xưa ngày cũ, không đủ đầy nhưng ai nấy đều thấy đẹp (Ảnh: Internet)
Trước hết phải nói về Tết xưa, cái thời chưa có tivi chưa có siêu thị và chưa có những thứ tân thời như bây giờ, ngày đó Tết về, ai nấy đều khấp khởi đợi chờ, nhất là trẻ con, con nít mê Tết tới nỗi đếm lùi từng ngày để mong chờ được xòe bàn tay ra và háo hức lúc người lớn đặt lên tay mình một bao lì xì chói đỏ. Trước Tết một tháng, xóm làng rộn ràng bắt đầu những cuộc bày soạn nho nhỏ, nhổ cỏ quanh nhà, sơn phết các cánh cửa, mua sắm vật dụng, ngâm mắm, ngâm muối,… Tới những ngày cuối cùng thì bày soạn bàn thờ gia tiên, đưa tiễn ông Táo và đón rước ông bà ngày 23.
Đến đêm 30 nhà nào cũng nhóm một con lửa ngoài sân để đặt lên đó nồi bánh chưng được gói tỉ mẩn ban chiều, nhiều khi trong cái nồi đó, có mấy cái bánh lạ kỳ bệ rạc của đám nhỏ ham vui, nhặt mấy chiếc lá con con rồi gói ghém chiếc bánh theo kiểu của riêng mình, xong xin mẹ, xin bà "cho con bỏ vào nồi nấu luôn nha". Có khi chúng còn được mẹ đun cho một nồi nước mùi già tắm tất niên, gột rửa những yêu ghét riêng tư con nít, tắm xong đứa nào đứa nấy xuýt xoa "sao con nhẹ quá chừng!". Cũng đêm đó, cái đêm giao thoa giữa năm cũ năm mới, người ta, cả đàn ông và đàn bà, trẻ nhỏ và người già tụ tập với nhau đàn ca những bản nhạc tình Xuân làm dậy động cả một khoảng trời đất Việt.
Thoáng nhớ một cái Tết xưa (Ảnh: Internet)
Sáng mồng 1 mở mắt ra là Tết đến trước hiên nhà khi cái sợi mùi hương trầm bà đốt nó đột ngột xộc lên cánh mũi, cay cay nồng nồng thơm lắm. Rồi cả nhà quây quần với nhau trong mâm cơm đầu năm để đón chào một năm mới an lành. Đâu đó trong các góc tường vẫn có vài đứa trẻ í a í ới tập tành những câu chúc đầu năm học lỏm từ vài hôm trước, rồi chúng nó dắt díu nhau để đi mừng tuổi, rạo rực cực kỳ khi người lớn bỏ tay vào túi quần, túi áo, "không chừng sẽ được lì xì to cho coi", chúng tự nhủ. Sang buổi chiều, buổi tối thì các ngôi gia vẫn rộn rã tiếng cười nói như một thói quen lành tính có từ tiền kiếp của người Việt. Mồng 2, mồng 3 người người nhà nhà tùy theo các nếp gia mà thực hiện các lễ nghi quen thuộc, như mọi năm.
Tết là những ngày đoàn tụ gia đình (Ảnh: Internet)
Bây giờ còn đâu cái Tết như xưa, chưa gì đã thấy ai cũng hậm hực một nỗi lòng lo toan cho ngày Tết. Thời đại mọi thứ đều có sẵn hết, bước vào siêu thị là mọi thứ sẽ bày ra, "tha" về nhà những thứ cần thiết, dọn dẹp sơ nhà cửa, ai có điều kiện nữa thì click chuột cũng có người dọn thuê. Những đứa trẻ ê chề ngái ngủ vì cả ngày học hành đủ mệt rồi, Tết hả? vui đó nhưng không có đáng quan tâm như những đứa nhỏ ngày xưa đếm lùi ngày giao thừa.Trong Tết, đàn ông thì ngông nghênh nốc rượu uống bia, đàn bà trẻ nhỏ thì quây quần bên cái tivi nhiều màu, người già thì tha thẩn ngồi đó, ngó về những hồi ức thanh xuân, "Tết nay sao buồn quá chừng!".
Tết nay đủ đầy nhưng ai nấy cũng thấy nhớ ngày xưa (Ảnh: Internet)
Những cái tết hiện đại "đổ bại" hoàn toàn trước cuộc mưu sinh, người ta vì tiền quên Tết, vì tiền mà quên hết. Ngoài đường thời nay, ngày tết còn được trang trí mấy cái đèn màu thô lậu, thứ thẩm mỹ chỉ nhìn thấy là không cảm nổi, chúng vất vưởng trên cao, xung quanh những ngôi gia, tòa nhà xi măng sừng sững, tanh mùi kim khí. Nít nhỏ không còn được tận hưởng những hương vị truyền thống như hương trầm, đóm lửa nồi bánh đêm 30 và những trò chơi ngày Tết. Chúng thực sự đã… chết trong sự nuối tiếc cũng đám nít xưa, nay đã lớn già.
Vì đâu và vì sao? Ai cũng cồn cào trong mình những câu hỏi đại loại như do ai, do ai mà Tết ngày xưa đã "chết", do bản thân mỗi người, do hoàn cảnh xã hội hay đơn giản là do Tết hết muốn cho vui?
"Tôi thấy cũng không cần thiết phải đòi hỏi Tết nay giống hệt Tết xưa, cũng không nên so sánh nặng nề quá. Do hoàn cảnh xã hội đã rất khác, tất cả nằm ở thái độ của mỗi người mà thôi. Tuy nhiên, tôi hoàn toàn ủng hộ việc hướng con trẻ biết trân quý những giá trị Tết truyền thống bằng cách này hay cách khác. Cho con trải nghiệm Tết thật ra lại bắt đầu từ những việc rất đơn giản như nhặt, rửa lá dong, lá chuối, cùng sắp xếp mâm ngũ quả với mẹ, lau dọn nhà cửa, cốc chén đón Tết, khai bút đầu xuân, thậm chí cùng đi siêu thị mua sắm với bố mẹ, chỉ cho con biết ngày Tết cần mua những gì... để Tết của con thêm trọn vẹn." – Nhà xã hội học Trịnh Hòa Bình cho biết
Hãy tự tạo nên những "truyền thống" đẹp, dù chỉ là "truyền thống" gia đình (Ảnh: Internet)
Ông còn nói, sự đổi khác về cảm giác mỗi người về ngày Tết là điều tất yếu, theo một quy trình phát triển tự nhiên của xã hội. Khi xã hội phát triển, con người sẽ bị chi phối điều khiển bởi nhiều thứ xung quanh, anh phải nương theo và chấp nhận sự định đoạt của tiến trình phát triển dòng thời gian, không ai ngăn cản được.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, về cơ bản chúng ta vẫn còn giữ được Tết, vẫn còn giữ được cái mục đích cơ bản và thiêng liêng nhất của mỗi dịp Tết là để nhớ về cội, về nguồn. Chẳng phải ngày Tết, trên hết ai cũng muốn về gia đình, ai cũng muốn sum vầy và hội ngộ sau một năm trời trôi chảy theo dòng đời "kiếm sống" rồi sao? Chẳng qua chúng ta quên cái cách tự làm cho mình vui, quên cái cách nương theo dòng thời gian để mà can thiệp vào những thứ "truyền thống", thêm vào "truyền thống" để phù hợp với xã hội tân thời hiện nay, chẳng phải "truyền thống" cũng là thứ do con người tự tạo nên sao?
" Xin hãy thôi buồn để mà truyền cho con trẻ sự háo hức như xưa, như cảm giác mình đã từng cách đây đôi ba thập kỷ" (Ảnh: Internet)
Thay vì ồn ảo tưởng nhớ ngày cũ, các anh đủ sức tự tạo cho mình những khoảng trời Tết đủ vui, như cả gia đình cặm cụi thi nấu ăn, kéo nhau về nội, về ngoại chụp những khoảnh khắc gia đình Tết, lưu nó vào một quyển album, mời bạn bè về nhà ca hát, đưa các con đi du lịch… Xin hãy thôi buồn để mà truyền cho con trẻ sự háo hức như xưa, như cảm giác mình đã từng cách đây đôi ba thập kỷ. Đừng vì những thứ "tất nhiên" mà tận diệt luôn niềm vui ngày Tết của những đứa con, chúng còn nhỏ, có biết gì đâu, hãy bắt đầu cho chúng những ký ức đẹp, đẹp như cha mẹ ông bà đã từng cho mình, tới khi lớn chúng không cần thiết phải ngước mặt lên trời và tự nói "Tết này sao buồn hơn Tết xưa". Tâm thức là của mỗi người, chấp nhận xã hội đương thời, sống với nó, nhớ về Tết cũ vừa đủ để có động lực khởi tạo nên những thứ mới mẻ hơn, tốt đẹp hơn, nhé!