Sinh ra trong điều kiện thiệt thòi, không biết mặt cha, sau đó mẹ bỏ đi, chị Huyền năm nay 37 tuổi nhưng chưa có Giấy khai sinh dù đã có gia đình riêng và sinh được 3 người con.
Ngày 9/9, chị Huyền, cho biết, trong thời gian giãn cách xã hội, chị gặp rất nhiều khó khăn, vốn đã không có giấy tờ đi xin việc nay lại phải ở nhà, không làm ra kinh tế. Tại địa phương, dù chị Huyền được chính quyền và một số tổ chức quan tâm, hỗ trợ nhưng thực tế hiện tại đang rất khó khăn.
Tỏ ra phấn khởi và thêm nhiều hy vọng, chị Huyền chia sẻ, hiện nay chính quyền địa phương đã chỉ đạo tư pháp vào cuộc thu thập tài liệu để cấp Giấy khai sinh lần đầu cho chị, tuy nhiên do dịch Covid-19 nên chậm lại. Chị hy vọng sau đợt Covid-19 này mọi thủ tục sẽ nhanh chóng, không bị vướng mắc.
"Mới đây, hôm 7/9, tôi nhận được giấy mời sáng hôm sau ra Trường Tiểu học Phúc Tân để tiêm vắc xin phòng ngừa Covid-19. Nhận được giấy mời tôi rất mừng. Sáng hôm 8/9, tôi đã hoàn thành tiêm mũi 1 vắc xin. Tôi xin cảm ơn lãnh đạo, các cơ quan ban ngành phường Phúc Tân đã giúp đỡ, hỗ trợ tôi", chị Huyền cho biết, nhận được giấy mời này bản thân rất bất ngờ và cảm nhận mình thực sự là một công dân chính danh.
Trao đổi với chúng tôi về trường hợp chị Huyền được tiêm vắc xin phòng chống Covid-19, ông Đỗ Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND phường Phúc Tân cho hay, chính quyền phường nắm rõ về hoàn cảnh chị Huyền và hết sức quan tâm, mặc dù chị Huyền đang làm thủ tục cấp giấy khai sinh lần đầu, chưa có chứng minh thư nhưng vẫn được tạo điều kiện tiêm vắc xin.
Theo ông Bình, qua rà soát trên địa bàn phường có khoảng 10.000 người trong độ tuổi từ 18-65 và khoảng 1.600 người trên 65 tuổi.
Ngày 8, 9/9, phường đã tiêm được cho gần 1.400 người nâng tổng số người trong độ tuổi đã được tiêm lên hơn 6.700 người. Đối với những người trên 65 tuổi sẽ được tiêm chủng trong giai đoạn tới.
Ông Bình cho biết thêm, trong thời gian vừa qua, phường Phúc Tân đã thực hiện tốt công tác phòng dịch và đảm bảo an sinh xã hội.
Đối với người dân ăn ở thực tế trên địa bàn phường Phúc Tân và bị mắc kẹt trên địa bàn phường, không thể trở về địa phương như lao động ngoại tỉnh, xe ôm, lao động tự do, người KT3, KT4, phường đặc biệt quan tâm.
Theo đó, phường đã chỉ đạo hệ thống cán bộ cơ sở, đặc biệt là tổ trưởng dân số, cảnh sát khu vực tập trung rà soát các nhóm này để đưa vào danh sách và trong thời gian vừa qua phường rất ưu tiên cho tất cả nhóm đối tượng này.
Bên cạnh đó, phường đã tập trung bằng các nguồn lực trong nhân dân, các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài phường đến thời điểm này đã đảm bảo được tất cả nhu yếu phẩm đối với trên 5.000 hộ với 12.000 nhân khẩu. Giúp người dân yên tâm về mặt tư tưởng, ổn định cuộc sống, chung tay cùng Đảng và chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác phòng chống dịch.
Về việc thực hiện chính sách cho người dân theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, phường Phúc Tân cũng đã triển khai rà soát rồi thực hiện các chính sách liên quan đến việc hỗ trợ người lao động gặp khó khăn trong đại dịch Covid-19. Đến thời điểm hiện tại phường đã nhận được trên 10.000 hồ sơ và xét duyệt trên 9.000 hồ sơ đã gửi về UBND quận để được hỗ trợ.
Trước đó, chị Lê Thu Huyền cho biết, nhiều năm nay chị đã có đơn gửi các cơ quan chức năng xin được hướng dẫn thủ tục làm giấy khai sinh nhưng đều bế tắc.
Trong lá đơn, chị Huyền cho biết được sinh ra tại nhà hộ sinh Hàng Bún. Tại thời điểm này, bố chị là ông Lê Huy Sơn (SN 1961) đang chấp hành án phạt tù. Sau khi sinh, mẹ chị Huyền bỏ lại chị cho ông bà nội và bác nuôi dưỡng tại địa chỉ trên rồi bỏ đi. Tại thời điểm đó, chị Huyền không được làm giấy khai sinh.
"Trong quá trình sinh sống cùng ông bà và bác ruột, tôi được đi học tại Trường tiểu học Phúc Tân, Hoàn Kiếm. Đến năm 1994, tôi không được đi học nữa. Từ thời điểm sinh ra cho đến hiện tại, tôi không có bất kỳ giấy tờ tùy thân nào: Không giấy khai sinh, không hộ khẩu, không chứng minh nhân dân. Việc này khiến cuộc sống của tôi vốn đã chật vật lại càng khó khăn hơn", chị Huyền nói.
Chị Huyền cho hay, việc không có giấy tờ tùy thân khiến chị không thể xin được việc làm chính thức, chỉ có thể làm các công việc dọn dẹp tạm thời tại các hàng quán, chủ yếu vào khung giờ đêm khuya với mức tiền công rất thấp.
Năm 2016, chị Huyền đã thực hiện xét nghiệm ADN huyết thống với bố là ông Lê Huy Sơn. Đồng thời tìm kiếm lại các thông tin lưu trữ tại nhà hộ sinh Hàng Bún. Tuy nhiên thời gian đã lâu, hiện phía nhà hộ sinh không còn lưu bất kỳ thông tin nào về việc sinh nở của mẹ chị Huyền.
Do không được ghi nhận sự tồn tại trên bất kỳ giấy tờ pháp lý nào nên chị Huyền không thể tiến hành thủ tục đăng ký kết hôn, gặp rất nhiều khó khăn khi đi khám chữa bệnh, đăng ký học cho con...
Chưa dừng ở đó, cách đây hơn 1 năm, chồng chị không may qua đời trong cơn bạo bệnh, bỏ lại 3 con, cuộc sống vốn đã khó khăn còn khó khăn hơn. Hiện chị Huyền đã phải ôm con nhỏ về căn nhà chật hẹp của cha mình để tá túc.