7 tháng kể từ ngày bé Trương Mạnh Phúc (8 tuổi) bị bạn cùng lớp vô tình làm hỏng mắt phải khi đang ở trường học là khoảng thời gian chị Trương Thị Sình (45 tuổi, quê Hải Dương) gánh chịu nỗi đau của người mẹ hàng ngày chứng kiến con mất đi một phần ánh sáng. Chạy đôn chạy đáo khắp nơi chữa mắt cho bé Phúc trong vô vọng, giờ đây trên hành trình cùng con đi tìm ánh sáng, cuộc đời đã đưa đẩy hai mẹ con chị đến đất Sài Gòn.
Hành trình chữa bệnh và những người tốt bụng đã đưa mẹ con bé Phúc đến Sài Gòn.
"Bà ơi, cháu bị mù rồi"
15 giờ ngày 13-4, mẹ con chị Phúc đáp chuyến bay từ Hải Dương vào TP.HCM. Lần đi này, chị mang vỏn vẹn vài bộ đồ cũ, mấy bịch sữa, hộp bánh cho con trai, và 1 triệu đồng. Mớ hành trang ít ỏi ấy gói ghém cả hi vọng lớn lao của chị, rằng sau khi điều trị, thị giác của con sẽ được cải thiện phần nào. May mắn cho hai mẹ con khi một mạnh thường quân đã đài thọ hoàn toàn kinh phí vào Sài Gòn cho họ.
Vừa đáp chuyến bay, bé Phúc được đưa thẳng đến bệnh viện.
Mạnh Phúc được đưa đến BV Thống Nhất (TP.HCM) thăm khám ngay lập tức. Tại đây do thiếu một vài thiết bị kiểm tra cần thiết, bé trai tiếp tục di chuyển sang một phòng khám chuyên khoa mắt. 15 phút sau khi được kiểm tra, người mạnh thường quân dẫn đứa bé ra, mang theo tờ giấy thông báo bệnh tình. Vẫn cái kết quả cũ: Mắt phải bệnh nhi đã hỏng hoàn toàn, không còn khả năng chữa trị.
Chị Sình lặng lẽ, không vui, không buồn. Có lẽ chị không còn nước mắt để khóc, vì 7 tháng qua khóc quá nhiều rồi. Và dù sao tại bệnh viện Mắt Trung Ương (Hà Nội), các bác sĩ đã thông báo rõ ràng chuyện mắt phải bé Phúc không còn hoạt động, chỉ có thể tìm cách bảo toàn mắt trái. Nhưng chị Sình bảo: "Biết trước là vậy mà vẫn có chút thất vọng...".
Kết quả điều trị mắt của bé Phúc tại BV Mắt Trung Ương Hà Nội.
Sáng hôm sau, tôi theo hai mẹ con chị đến một điểm vui chơi ở trung tâm Sài Gòn trong thời gian bé Phúc chờ kiểm tra dinh dưỡng. Như bao cậu nhóc khác, Phúc rất hiếu động, chạy nhảy khắp nơi vì phấn khích. Kể cả giây phút chứng kiến con chơi đùa thoải mái, chị Sình cũng không thể tươi cười như bao bà mẹ khác.
Từ ngày bé Phúc hỏng mắt, chị Phúc đã mang gánh nặng cơm áo gạo tiền càng thêm nhọc lòng vì bệnh tình của con.
Hướng ánh nhìn xuống đất, chị Sình cho biết, 7 tháng qua, bé Phúc có đến 3 lần phẫu thuật, cuối cùng do chấn thương quá nặng, thể thủy tinh trong mắt bị cắt bỏ. "Con mình đang lành lặn giờ thành thế này, có người mẹ nào không rụng rời" - chị Sình chua xót.
Nhìn bề ngoài, khó có thể phát hiện cậu bé đã hỏng 1 mắt.
Chị kể, hôm ấy (24-8-2016), chị đang đi làm mướn ở một huyện xa, nên khi hay tin thì mọi sự đã rồi.
"Nghe cháu kể lại, lúc đó là giờ ra chơi. Con tôi bị một bạn học hay đùa nghịch trong lớp bắn chiếc xiên que nướng thịt trúng vào giữa tròng đen. Thằng bé đau lắm mà sợ cô mắng nên khi cô giáo gặng hỏi thì không dám nói. Mãi đến lúc về nhà không chịu được, thằng bé mới khai ra mọi chuyện".
Tổng cộng 8 lần ngược xuôi đưa con lên Hà Nội chữa bệnh là bấy nhiêu lần chị Sình trằn trọc, mong ngóng rồi thất vọng. Nhưng đau đớn nhất với người mẹ là khoảnh khắc đứa con trai bé bỏng của chị biết mình đã không còn ánh sáng một bên mắt.
Ngày nhận ra sự thật, cậu vô tư nói với bà ngoại, rằng cháu đã mù.
"Từ BV tỉnh, con tôi được chuyển lên tiếp tuyến trên. Sau một tuần điều trị tại BV Mắt Trung Ương rồi xuất viện trở về, thằng nhóc nói với mẹ tôi rằng: "Bà ơi cháu bị mù rồi". Nó còn nhỏ quá, không biết gì hết" - chị Sình tâm sự.
Ước có người hiến mắt cho con trai
Về phía gia đình cậu bé vô tình làm hỏng mắt Mạnh Phúc, chị Sình cho biết, gia đình này đã bồi thường cho chị tổng cộng 5 triệu đồng rồi thôi không còn ngó ngàng gì nữa. "Họ bảo mọi chuyện là do con nít đùa giỡn gây ra chứ người lớn có làm đâu. Đúng là người lớn không làm nhưng cũng cần phải có trách nhiệm chứ" - người mẹ ấm ức.
Vậy nhưng khi hỏi về gia cảnh của họ, chị Sình tỏ vẻ cảm thông, bảo rằng gia đình đó cũng chẳng khá khẩm gì, cũng nai lưng ngoài ruộng kiếm sống. Có điều họ may mắn hơn chị khi có đôi có cặp, và con trai họ thì vẫn lành lặn bình thường. Còn chị thì...
8 năm qua, một mình chị Sình tần tảo nuôi con.
Người mẹ thoáng buồn. 8 năm qua chị đã phải tần tảo nuôi con, mặc cho miệng lưỡi thế gian và cả sự chì chiết từ những người trong gia đình về chuyện "không chồng mà chửa". Tôi hỏi chị có hận người đàn ông bạc tình ấy không, chị Sình lắc đầu: "Không nhận thì thôi. Mình cũng lớn tuổi rồi, xem như xin người ta một đứa con".
Mắt trái của bé Phúc giờ phải làm nhiệm vụ của cả 2 mắt nên thường xuyên nhức mỏi.
Kể từ ngày xảy ra chuyện bất hạnh, ngoài chuyện bị chọc không có cha, bé Phúc còn bị bị bè chế giễu chuyện "mù mắt". Những lần ấy, đứa trẻ ngây thơ không biết làm gì ngoài việc đem sự tình về kể cho mẹ. Việc học của Phúc cũng từ đó sa sút hẳn, khi chỉ cần ngồi vào bàn một lúc, mắt trái em đã có triệu chứng nhức mỏi vì phải gánh nhiệm vụ bắt sáng cho cả hai bên.
Và cũng kể từ đó, chị Sình chưa ngày nào ngủ yên. Nhất là khi trái gió trở trời, vết thương trong mắt trở nặng làm con trai chị đau đớn, rên rỉ. Gánh nặng càng thêm chất chồng khi 3 sào ruộng được xã chia chỉ đủ giúp chị kiếm được khoảng 1 triệu đồng/tháng, và bên cạnh chị còn một mẹ già 80 tuổi. Lo mấy miệng ăn đã cực, lấy tiền đâu mà lo cho con chữa bệnh.
Những ngày sau khi sự việc xảy ra, đêm nào người mẹ cũng trằn trọc.
Đến đây, chị Sình bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với xã hội, khi nhờ sự vào cuộc của các mạnh thường quân, chị mới cầm cự được đến giờ này. "Lần này lại được một chị MC ở Sài Gòn giúp đỡ, tôi vừa vui mừng lại vừa thấy tủi. Có tiền nhiều nhưng mắt con tôi vẫn không thể sáng trở lại..." - chị Sình day dứt.
Người mẹ cho biết, hồi còn điều trị cho bé Phúc tại Hà Nội, các BS bảo mắt bé không thể điều trị được, trừ khi thay mắt khác. "Phải chi có người nào đó hiến mắt cho con trai tôi thì hay biết mấy. Nhưng có ai lại muốn cơ thể mình không còn lành lặn...".
Chị Sình luôn mong bé Phúc sẽ sáng mắt trở lại.
Cuộc trò chuyện lấp lửng đến đây thì người mẹ phải lo đuổi theo đứa con trai hiếu động đang cuốn vào những trò chơi hấp dẫn. Nếu chỉ nhìn bề ngoài, chẳng ai nhận ra em bị hư một bên mắt. Cũng như chị Trương Thị Sình, nếu không tiếp xúc với chị, làm sao biết ẩn bên trong cơ thể gầy gò, ốm yếu, tai bị dị tật vì tai nạn thuở nhỏ, ngực thường xuyên tức khi trái gió trở trời lại có một sức chịu đựng phi thường.
Trên đường đời dài thăm thẳm phía trước, hai mẹ con chỉ còn biết nương tựa vào nhau.
Có thể lần này, bé Phúc sẽ lại cùng mẹ trở về Hải Dương bằng phân nửa ánh sáng của người bình thường. Nửa còn lại, là tình yêu thương vô bờ bến của người mẹ soi đường cho con.