Khi con hỏi: “Mẹ nuôi con có ích gì?”. Bạn sẽ trả lời như thế nào? Một bà mẹ ở Trung Quốc mới đây rơi vào tình huống khó xử như thế. Chị kể, sau bữa trưa, vừa ngồi xuống trước máy tính thì con trai chạy đến. Cậu bé nghiêm mặt hỏi: "Mẹ, nuôi con có ích lợi gì?

Người mẹ sửng sốt, còn tưởng rằng đứa trẻ bị kích động vì điều gì đó, liền nắm chặt cánh tay con, hỏi dồn: "Chuyện gì vậy? Sao đột nhiên con lại hỏi như vậy?". Cậu con trai bình thản: "Mẹ cứ trả lời con đi?".

Khi bị mẹ hỏi gặng lý do, cậu bé lại hỏi: "Vậy nuôi mèo có ích lợi gì?" - "Nuôi mèo rất hữu ích. Mèo có thể bắt chuột, chúng có thể đi chơi cùng chúng ta,...", bà mẹ trả lời.

"Vậy nuôi con có ích gì?" - cậu bé lại trở về thắc mắc cũ. Lúc này, bà mẹ rơi vào suy tư và im lặng. Không biết tại sao con lại nghĩ như vậy, nhưng chắc hẳn có điều gì đó tiêu cực đã chạm đến trái tim của con chăng? Có phải vì con không tham gia lớp học trực tuyến một cách nghiêm túc và bị mẹ khiển trách không? Hay bị cằn nhằn vì chơi iPad,… Dù đó là gì đi nữa, bà mẹ nghĩ mình sẽ phải trả lời câu hỏi này thật tốt và nghiêm túc.

Đứa trẻ hỏi: Nuôi con có ích lợi gì? Câu trả lời của người mẹ xứng đáng đưa vào sách giáo khoa - Ảnh 2.

Tại sao bạn phải nghiêm túc khi con hỏi một câu hỏi "kỳ quặc"?

Đơn giản bởi câu trả lời của bạn có thể ảnh hưởng đến cách nhìn nhận cuộc sống và sự khẳng định giá trị bản thân của đứa trẻ. Nhận thức và lời nói, việc làm của mẹ đối với con sẽ tác động đến thế giới quan và cảm giác an toàn của trẻ. Có lẽ trẻ không thực sự muốn câu trả lời, điều con muốn nghe là sự bao dung của cha mẹ sau khi mắc sai lầm, hoặc chỉ muốn chắc chắn về tình yêu của cha mẹ dành cho mình.

Chúng ta cũng từng là những đứa trẻ, từng hiểu rằng tâm hồn trẻ thơ luôn rất nhạy cảm và mong manh. Đôi khi chúng rất dễ rơi vào tình trạng thiếu tự tin, tủi thân vì bị bố mẹ la mắng hoặc bị phớt lờ. Chẳng hạn với câu hỏi: Sinh con có ích gì? Nếu bạn bỏ qua, tỏ vẻ không quan tâm, đánh trống lảng để đổi đề tài, đứa trẻ có thể sẽ nghĩ: "Ồ, vậy là mình không có ích gì. Mẹ chẳng thèm nói gì cả".

Bà mẹ kia có cách xử lý khác. Chị ôm khuôn mặt bé nhỏ của con và nói:

"Mẹ nuôi con vì con là của mẹ, vì mẹ yêu con, vì mẹ rất vui khi con đến... Có người nói 'nuôi con để báo hiếu lúc tuổi già'. Nhưng với mẹ, chính vì sau khi có con, cuộc sống của mẹ luôn trở nên rất vui vẻ, nhiều màu sắc và bớt cô đơn hơn... Mẹ muốn cảm ơn vì con đã xuất hiện trong cuộc đời này.

Mặc dù có nhiều rắc rối. Nhưng đôi khi mẹ chỉ trích con không phải vì mẹ không yêu con, mà vì con đã làm sai, con biết không? Ví dụ như ăn quà vặt bừa bãi sẽ dẫn tới biếng ăn, thậm chí gây hại cho sức khỏe. Ví dụ như con làm bài tập không tốt, cứ tiếp tục như vậy sẽ ảnh hưởng đến việc học, đến khi hối hận cũng đã quá muộn. Một ví dụ khác là nếu con xem TV và chơi iPad liên tục, sẽ có hại cho mắt của con.

Đây là những thói quen xấu và mẹ có trách nhiệm giám sát, nhắc nhở. Con mắc sai lầm không quan trọng, quan trọng là biết sửa sai và con vẫn là một cậu bé ngoan. Chỉ là con cố gắng đừng tiếp tục mắc những sai lầm tương tự.

Mẹ muốn con phải nhớ một điều, dù con có mắc lỗi lầm gì thì con vẫn là người con yêu quý nhất của mẹ, và mẹ sẽ không vì những lỗi lầm đó mà ngừng yêu thương con. Không ai hoàn hảo, không ai không mắc sai lầm, mẹ cũng từng như thế khi còn trẻ. Lúc nào con cũng phải nhớ rằng: Mẹ mãi yêu con! Điều này sẽ không thay đổi!".

Đứa trẻ gật đầu và vẻ mặt đầy hạnh phúc khi cuối cùng cũng có câu trả lời thỏa đáng.

Đứa trẻ hỏi: Nuôi con có ích lợi gì? Câu trả lời của người mẹ xứng đáng đưa vào sách giáo khoa - Ảnh 3.

Mục đích của việc nuôi dạy một đứa trẻ là gì?

Mọi người có thể có một câu trả lời khác nhau trong tâm trí mình. Nhà tâm lý học Huang Xingzhen (Trung Quốc) từng cho biết: Nuôi dạy con cái là sự rèn luyện, là nơi vun đắp tình cảm và trí tuệ của cha mẹ. Cha mẹ la mắng thường bỏ lỡ cơ hội dạy con cách quản lý cảm xúc. Cho con nhiều biểu hiện yêu thương hơn thay vì quát mắng sẽ giúp trẻ dễ dàng nhận ra trách nhiệm và lỗi lầm của mình.

Cha mẹ đừng yêu cầu con phải hoàn hảo, mỗi một sai lầm nhỏ mà con gặp phải đều là những cột mốc mà con cần trải qua trong quá trình trưởng thành. Con cái cũng không cần phải đánh mất ước mơ, hoài bão của mình để thực hiện mong ước và giữ thể diện cho cha mẹ.

Đối với cha mẹ, con cái là một sức mạnh. Chính con cái cũng giúp cha mẹ ngày một tốt dần lên, "nhìn cây sửa đất nhìn con sửa mình". Tạo dựng cho trẻ một mái nhà vững chắc, ấm áp, tạo cho trẻ một tuổi thơ an toàn, hạnh phúc mới là mục đích quan trọng nhất.

Nuôi dạy một đứa trẻ cũng đừng nên nghĩ chỉ để con báo hiếu lúc về già. Tình cảm phải được xây dựng từ hai phía. Cha mẹ sinh con ra, chăm bẵm, yêu thương, dạy dỗ con tới nơi tới chốn thì tự khắc trong tim nó sẽ phát sinh tình cảm yêu thương vô bờ bến với cha mẹ, và con sẽ hiếu thảo với cha mẹ xuất phát từ tâm.

Nếu tình yêu của cha mẹ không vụ lợi tính toán thì sự hiếu thảo của con cái cũng sẽ tự nguyện và thanh thản. Con cái là niềm vui của cha mẹ, cũng là tấm gương phản ánh thái độ sống của cha mẹ. Con cái lớn lên trở thành người như thế nào là do cha mẹ giáo dục như thế.