Trong suốt 40 năm qua, người phụ nữ ấy đã hết mình vì những đứa trẻ trong "ngôi nhà" có tên rất gần gũi: Mái ấm Thiện Giao (ở Đồ Sơn, Hải Phòng). Vừa qua, bà bị cấp cứu vì căn bệnh ung thư giai đoạn cuối, khiến ai đã biết đến bà thì đều phải lo âu.
Người mẹ của gần 200 trẻ khuyết tật chia sẻ về căn bệnh
Ngày 18/5, chúng tôi tìm tới tầng 10, trung tâm Y học Hạt nhân và Ung bướu (bệnh viện Bạch Mai), nơi bà Hương đang nằm điều trị. Lúc này, người mẹ của hàng trăm đứa trẻ đang phải đeo dây để truyền nước bất cứ lúc nào. Nhưng bà vẫn đang nắn nót từng mũi thêu trên bức vẽ Phật Adida.
Luôn nở nụ cười tươi vui và gần gũi, bà Hương nhớ lại mối lương duyên và kể rằng, khi còn ở chiến trường, bà đã nhận nuôi giúp con cho đồng đội vì thương anh em.
Theo bà, do số lượng các cháu khuyết tật đông nên bà Hương đành phải chọn lựa các trường hợp có 1 trong 3 điều kiện: Con ruột hoặc cháu của các cựu chiến binh, gia đình thuộc diện hộ nghèo; bố, mẹ đã chết hoặc là người tàn tật.
Người tàn tật chăm người ung thư
Khi ở Thiện Giao, tất cả các cháu không phải đóng góp bất cứ một khoản tiền nào. Tiêu chuẩn, chế độ, cháu nào cũng đều được hưởng như nhau. Riêng chế độ của Nhà nước, bà Hương dành lại cho gia đình các cháu.
Cũng theo bà Hương, con số gần 200 trẻ khuyết tật nói trên là trải dài từ thời điểm trung tâm mới thành lập. Còn, hiện tại bà đang nuôi dưỡng 28 đứa trẻ khuyết tật, ảnh hưởng từ chất độc da cam, down, câm điếc bẩm sinh.
Mỗi mũi kim thêu, là một câu niệm quên bệnh tật
Cuộc đời những tưởng để bà khỏe mạnh để chăm lo cho các con thì một ngày bà phát hiện mình bị ung thư. Bà Hương cho biết, dù căn bệnh ung thư vú không còn kéo dài sự sống được bao lâu, nhưng bà vẫn lao động đến hơi thở cuối cùng.
Người chăm sóc bà hiện nay là chị Hoàng Thị Hương – người từ nhiều năm nay vẫn gọi bà là mẹ xưng con dù họ không có chút máu mủ ruột già nào. Mặc dù chị Hoàng Hương bị teo hai chân, muốn di chuyển, chị phải dùng đôi tay để đẩy thân đi. Nhưng chị được xem là khỏe mạnh, tỉnh táo nhất trong số 28 người "con" kia nên đã được "đàn" con ở nhà cắt cử đi chăm mẹ.
Bà Hương muốn lao động cho đến khi tắt hơi thở cuối cùng
Khi cánh tay vẫn đang chăm chút cho từng đường kim, mũi chỉ trên bức tranh Phật đang thêu, bà Hương nở nụ cười bảo rằng, căn bệnh ung thư đã tìm tới bà từ nhiều năm nay nhưng chính thức khiến bà phải sống chung với những cơn đau là 4 năm trở lại đây.
"Cứ mỗi mũi kim, lại là một câu niệm. Tôi cầu cho tất cả mọi người được bình an, tôi cũng quên đi cơn đau. Vì nếu khóc là đau, thì việc gì phải vậy, cứ coi như không đau." bà Hương cười.
Cách đây một tuần, bà bị chảy máu ở khối u vỡ không cầm được nên phải đưa đi cấp cứu ở bệnh viện Việt Tiệp (Hải Phòng), rồi chuyển lên bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội.
Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bà bị ung thư vú giai đoạn cuối, đã di căn. Hiện bà chỉ uống thuốc và tiêm kháng sinh liều cao.
Ngoài ra, các bác sĩ cho biết, có thể bà sẽ phải trải qua 8 đợt điều trị kéo dài bằng cách dùng các phương pháp kết hợp, nhưng sợ rằng sức khỏe của bà không chịu được. Hơn nữa, các biện pháp trên cũng chỉ là kéo dài thời gian sống chứ không thể khỏi được.
"Tôi bị ung thư phổi đã nhiều năm trước. Sau một vài đợt xạ trị, tôi đã tự uống thuốc nam và nấm linh chi nên bệnh đỡ dần. Tuy nhiên, đến năm 2015, tôi lại phát hiện bị ung thư vú." bà Hương cho biết.
Bà Hương nói thêm: "Tôi tìm hiểu, được biết ung thư thì rất hiếm trường hợp chữa khỏi, trong khi chi phí điều trị lại cao nên xin về tự điều trị ở nhà. Tôi tiếp tục uống thuốc nam và nước nấm linh chi. Tôi luôn nghĩ rằng, khi mình đi điều trị như thế sẽ mất nhiều tiền và các con lại mất đi những khẩu phần ăn. Chính vì thế cũng có nhiều lần tôi trốn viện để về với các con. Bệnh phát ngày càng nặng nhưng tôi không để ý tới điều ấy. Nếu có mệnh hệ gì xảy tới thì tôi cũng tự hào vì mình là một trong những người bị ung thư nhưng có thời gian sống lâu".
"Tôi đã xác định"
Cũng theo bà Hương, thời gian gần đây, mọi công việc bà đã giao cho 3 người con là Thành, Phương, Việt tự quản nên bà cũng yên tâm nằm lại bệnh viện điều trị. Đau đớn về thể xác vì căn bệnh ung thư hành hạ nhưng bà Hương luôn sống lạc quan, yêu đời.
Một phần cũng bởi, bà không muốn các con mình phải lo lắng. Có những ngày bà Hương nói chuyện với mọi người toát hết mồ hôi phải thay tới 10 bộ quần áo nhưng và vẫn cười tươi. Bà luôn tâm niệm, đau là việc của bệnh, sống là việc của mình, khi bà kêu cũng đau, nói chuyện cũng đau và những lúc đau ấy bà lấy tranh ra thêu rồi miệng niệm Phật. Bà thả những cơn đau vào từng đường kim, mũi chỉ ấy.
Mỗi mũi thêu là câu niệm quên đi cơn đau bệnh tật mà bà Hương đang chịu đựng
Chia sẻ về những bức tranh mình hàng ngày vẫn tỉ mẩn thêu, bà Hương bảo rằng, bà thêu tranh không phải để bán mà để tặng cho các lực lượng vũ trang, những người sống có tâm, có đức, sống vì người khác... "Có thể những việc làm của tôi không ai thích và họ bảo tôi là điên và dở hơi nhưng tôi bỏ ngoài tai những điều ấy miễn sao tôi sống đúng với những gì lương tâm mình cho phép, và mang lại niềm vui cho các con của tôi", bà Hương chia sẻ.
Từ khi bà phát bệnh phải đi viện, kinh phí điều trị cao, khiến bà Hương rất lo lắng. Tính đến nay, đã hết gần 50 triệu đồng. "Chúng tôi mới dành được vài chục triệu đồng để sửa lại nhà dùng làm nơi sản xuất nấm thì mình phải đi cấp cứu. Kế hoạch đã dang dở rồi. Giá mình không ốm thì các con có thêm công việc, kiếm được đồng ra, đồng vào. Mong ước lớn nhất của tôi lúc này là làm thêm nhà để trồng nấm vì chúng tôi mới có nhà ươm. Tôi mong là mái ấm của mình là nơi người khuyết tật sống có nhân cách. Phải có ngành nghề và khách hàng truyền thống để tự sống ", bà Hương trải lòng.
Nghĩ về căn bệnh của mình, bà Hương cho biết đã xác định trước, bởi ung thư giai đoạn cuối có ai khỏi đâu. Nhưng bà quên hết mọi nỗi đau mà chỉ nghĩ về tương lai của các con, 28 đứa bị trẻ khuyết tật đang điều trị ở nhà.
Cách đây ít ngày, hơn 10 đứa con của bà lên Hà Nội thăm mẹ. Nhìn thấy các con vẫn khỏe mạnh, bà đã vỡ òa trong cảm xúc.
Dù đau bà Hường vẫn luôn nở nụ cười
Chúng tôi hỏi về gia đình riêng của bà và con do mình sinh ra, bà Hương chỉ mỉm cười và nói rằng: "Đừng bao giờ hỏi tôi câu đó, tôi sẽ không bao giờ trả lời cho ai điều đó".
Người phụ nữ với tấm lòng nhân hậu ấy vẫn ngày ngày chống chọi với con đau của căn bệnh ung thư vú giai đoạn cuối mà trong lòng không thôi canh cánh khi nghĩ về 28 đứa con khuyết tật của mình.