Con ơi, mẹ sẽ cầm cự đủ lâu để chờ con chào đời
Người mẹ ấy trắng xanh, yếu nhớt, gầy gò trên giường bệnh. Chị đã trải qua một ca mổ hy hữu mà bản thân chị chưa bao giờ ngờ tới. Với các bác sĩ ở Bệnh viện K, đó cũng là ca mổ đầu tiên trong sự nghiệp, khi phải huy động 20 y bác sĩ và tình trạng của bệnh nhân cực kỳ nguy cấp. Vào lúc 20h, ngày 10/7, tại phòng mổ của bệnh viện K, các y bác sĩ đã lần đầu tiên thực hiện một ca mổ lấy thai nhi hy hữu: Bệnh nhân là người mẹ đang mang thai 29 tuần tuổi không thể nằm, không thể gây mê mà phải mổ trong tư thế ngồi và chỉ gây tê tủy sống. Và người mẹ ấy đã hoàn toàn tỉnh táo trong suốt cuộc mổ để chờ đón con chào đời.
Bệnh nhân là chị Đậu Thị Huyền Trâm, 25 tuổi, ở phường Thành Quý, TP. Hà Tĩnh.
Người mẹ dũng cảm ấy là chị Đậu Thị Huyền Trâm, 25 tuổi, quê Hà Tĩnh.
Mẹ của Trâm kể rằng, lần đầu mang thai, cả gia đình hân hoan, mong ngóng đứa trẻ chào đời bởi cha bé là con một. Khi thai được 11 tuần, sờ thấy hạch ở cổ nên Trâm đi khám ở phòng khám tư nhưng không phát hiện được bệnh. Đến tuần thứ 14-15, chị đi khám lần nữa nhưng các bác sĩ mới chỉ chẩn đoán nghi ngờ u tuyến giáp. Sau đó, khi các dấu hiệu nặng dần lên ở tuần thai thứ 19, chị đã đi khám tại Bệnh viện K và được chẩn đoán xác định là ung thư phổi giai đoạn 4 di căn sang gan. Quyết định sẽ cầm cự để sinh con, chị từ chối lời đề nghị đình chỉ thai nhi, từ chối luôn quy trình điều trị ung thư. Rồi chị bắt đầu ho ra máu, khó thở khi gắng sức. Đứng trước tình hình sức khỏe diễn biến ngày càng xấu đi, chị vẫn tự nhủ phải tiếp tục cầm cự cho đến khi con ra đời, kiên quyết không vào thuốc vì sợ ảnh hưởng đến con.
ThS. Lê Thị Yến, khoa Nội và ThS. Trần Đức Thọ, Phó trưởng khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện K trung ương, những người trực tiếp điều trị cho chị Trâm cho biết, đến tuần thai thứ 27, Trâm mới chấp nhận điều trị khi cơ thể đã có nhiều biểu hiện trầm trọng lên. Bệnh nhân cũng từ chối thực hiện nhiều xét nghiệm và chỉ chấp nhận làm những xét nghiệm cơ bản để không gây ảnh hưởng đến thai nhi. Trâm chỉ chấp nhận điều trị triệu chứng viêm nhiễm bằng kháng sinh, hỗ trợ thở oxy, uống thuốc cầm máu, chọc dịch hàng ngày để dễ thở, tiêm truyền và ăn nhẹ để có chất dinh dưỡng. Ngày qua ngày, trong những cơn đau và khó thở, người mẹ trẻ vẫn dũng cảm tự nhủ "mình sẽ cầm cự đủ lâu cho đến khi con chào đời". Vừa chiến đấu giành sự sống, vừa ôm ấp, che chở cho mầm sống trong bụng, kiên trì đợi chờ cho đến ngày được đón con. Những ngày dài dằng dặc, đớn đau, giằng xé khi những cơn khó thở, những trận ho ra máu như muốn quật ngã chị. Nhưng hình như trong trái tim người mẹ trẻ ấy, có cái gì đó rất mạnh mẽ, rất thiêng liêng, vực chị dậy, giúp chị tiếp tục "chiến đấu" vì con mà không chút nề hà lắng lo cho sức khỏe của bản thân mình.
PGS.TS. Trần Văn Thuấn, Phó giám đốc Bệnh viện K trung ương chia sẻ: “Chúng tôi đã hội chẩn các bác sĩ cả chuyên ngành ung thư và phụ sản để có giải pháp tốt nhất cho người bệnh và thai nhi, và cũng phải dựa trên ý nguyện của bệnh nhân và gia đình. Việc quyết định lựa chọn phương pháp điều trị thế nào phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: thai kỳ đang ở giai đoạn nào, quyết định của người bệnh và người nhà người bệnh ra sao... Khi người bệnh có ý nguyện giữ thai, chúng tôi đành chấp nhận và tư vấn bệnh nhân dùng các phương pháp dinh dưỡng hợp lý để vừa đủ sức khỏe cho mẹ vừa đủ dinh dưỡng cho con”.
Theo các bác sĩ, bệnh nhân Trâm đã phục hồi tốt về sức khỏe
Khi thai nhi được 29 tuần 3 ngày, chị bắt đầu vào giai đoạn mệt mỏi, đau đớn, suy hô hấp, các bác sĩ lập tức hội chẩn và triển khai ca mổ lấy thai cấp. Ngay sau khi thông báo với Bệnh viện Phụ sản Trung ương, trong vòng 1 giờ, Bệnh viện đã chuẩn bị 2 kíp sang Bệnh viện K trung ương để phẫu thuật và hồi sức cho đứa trẻ sau khi sinh. Cuộc đấu tranh sinh tử bắt đầu...
Cám ơn Gấu, vì con đã đến nơi an toàn...
BS Nguyễn Liên Phương, Phó trưởng khoa Sản bệnh lý, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, người trực tiếp tham gia ca mổ đặc biệt này hồi tưởng lại trong nỗi xúc động trào dâng, đây lần đầu chị mổ cho bệnh nhân trong tư thế ngồi, bác sĩ cúi đầu ngang bàn để mổ, bệnh nhân suy yếu nên phải cố gắng mổ thật nhanh. Điều này cũng không phải dễ dàng khi phải mổ dọc, ruột dồn hết xuống vị trí mổ. Trong lúc đó, hai y tá nâng đỡ sau lưng bệnh nhân, một người phải nâng thành bụng. Các bác sĩ vừa chiến đấu với thời gian, vừa tập trung để không xảy ra sơ sót gì, vì người mẹ đã quá yếu.
Sau gần 1 giờ căng thẳng, ca mổ cuối cùng đã hoàn thành tốt đẹp, mẹ tròn con vuông, em bé sinh ra là một bé trai nặng 1,2 kg đã được chuyển sang Bệnh viện Phụ sản Trung ương ngay sau khi cất tiếng khóc chào đời để được hỗ trợ nuôi dưỡng trong lồng ấp. Bé được gia đình đặt một cái tên dễ thương là Gấu với kỳ vọng khi lớn lên bé sẽ luôn khỏe mạnh và dũng cảm.
Sau gần 1 giờ đồng hồ phẫu thuật mổ ngồi, bé Gấu đã bắt đầu chuyến phiêu lưu đầu tiên đến với thế giới tươi đẹp này.
Hiện tại sức khỏe bé Gấu đã khá ổn định.
Cám ơn Gấu, con đã không phụ lòng mẹ suốt nhiều tháng ròng cầm cự với cơn đau, chiến đấu với bệnh tật mà không màng sức khỏe của bản thân. Cám ơn MẸ của Gấu, người phụ nữ có trái tim quả cảm, đã chứng minh một điều: Tình yêu mà mẹ dành cho con là vô bờ bến. Sợi dây vô hình nối giữa Mẹ và con là tình mẫu tử, là những điều không thể diễn đạt bằng lời nhưng rất đỗi thiêng liêng. Nó đã khiến mẹ đủ dũng cảm để hy sinh, để vượt qua điều mà tưởng chừng như sẽ quật ngã Mẹ.
Chuỗi ngày mà chị Trâm vượt qua là chuỗi ngày vừa đau thương vừa hạnh phúc. Trong khi người mẹ chiến đấu với căn bệnh ung thư đã di căn giai đoạn cuối, thì mầm sống nhỏ nhoi vẫn đang cựa quậy, vẫn như tiếp thêm sức mạnh cho chị để tiếp tục cầm cự chờ ngày con ra đời. Sự sống mong manh, ngay cả các bác sĩ cũng lo lắng vì ca phẫu thuật quá hy hữu, có thể mất mẹ hoặc con bất cứ lúc nào.
Nhưng rồi phép màu kỳ diệu nào đó đã đến với hai mẹ con chị Trâm. Bản năng sinh tồn của đứa trẻ chỉ mới nặng 1,2 kg, sự dũng cảm, mạnh mẽ của trái tim người mẹ, cùng với sự tận tâm của 20 y bác sĩ đã làm nên kỳ tích. Một mầm sống đã ra đời từ những đau thương. Chị Trâm đã khóc khi đón con ra đời sau bao ngày chờ đợi.
Từ đây, chị lại bắt đầu cuộc hành trình chiến đấu với căn bệnh quái ác. Nhưng chắc chắn rằng, chị sẽ mạnh mẽ hơn nhiều, vì sau bao đớn đau nhường ấy, cuối cùng, hạnh phúc đã mỉm cười với chị, đã chứng minh rằng điều kỳ diệu có thật. Chị đã đưa con đã đến bên đời.
Điều kỳ diệu tuyệt vời ấy chỉ có thể giải thích bằng 1 lý do đơn giản đến bất ngờ. Bởi vì, đó là Mẹ.
Ngày 14/7, trao đổi với PV, BS. Nguyễn Ngọc Lợi, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc và Điều trị sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, sau 2 ngày được phẫu thuật, chị Trâm đã phục hồi và có sức khỏe khá tốt, chờ đến khi ổn định sẽ cân nhắc việc điều trị bệnh ung thư phổi một cách toàn diện. Đứa con vẫn đang được các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Trung ương chăm sóc một cách đặc biệt.
Theo BS. Lợi trước đó ngay khi được trẻ được chuyển đến, các bác sĩ đã tiến hành đặt nôi khí quản cho thở máy, trẻ suy hô hấp rất nặng, lại non tháng. Với trẻ sinh non tháng như trường hợp này có thể phải nằm viện 3 tháng.