Chuyện xảy ra vào năm 1994, khi đó Jean Marc Pucci – con trai út của chị mới 16 tuổi. Ở cái tuổi “bẽ gãy sừng trâu” khi ấy, Jean đam mê bơi lội và có thể bơi sải đến 700m hai lượt đi về trên biển ở Paris. Một buổi sáng, Jean đến hồ bơi. Quăng mình xuống hồ, Jean vấp cú va chạm mạnh với một người bạn đang đứng dưới hồ, khiến đầu Jean bị đập vào thành hồ. Máu tuôn ra, Jean ngất xỉu.
Nói về con trai, chưa bao giờ chị Hélènne Pucci cầm được nước mắt.
Trước cửa phòng cấp cứu, bác sĩ cho biết Jean bị gãy và bể tủy đốt sống cổ, khả năng sẽ bị liệt đến chết, còn nếu cho mổ thì xác suất hồi phục là 0%. Chị vừa nghe xong thì loạng choạng, bước ra sân bệnh viện đứng khóc.
12 giờ đêm đó, hai cánh tay của Jean mất cảm giác, đến 3 giờ sáng thì liệt hết cả người. Y tá gọi bác sĩ đến xem, bác sĩ khẳng định diễn biến như vậy là bình thường. Chị như bị đứt từng đoạn ruột, nhưng bằng linh cảm kỳ lạ của một người mẹ, chị nhận ra có sự khuất tất trong kết luận và quá trình điều trị của bệnh viện. Chị đâm đơn kiện bệnh viện ra tòa.
Tòa giam hai vị bác sĩ điều trị chính cho Jean là Jean – Francois Vaxemédecins và Samir Daoui trong 24 giờ, họ vẫn khăng khăng bảo mình điều trị đúng quy trình. Giam họ thêm 24 giờ nữa thì bất ngờ một y tá đứng ra làm chứng hai vị này đã giấu và thay đổi chứng cứ, rằng nếu được mổ kịp thời thì Jean hoàn toàn có khả năng hồi phục. Hai bác sĩ bị nhốt tù 30 ngày.
Bất nhẫn trước sự bất tương xứng giữa hình phạt và mất mát quá lớn mà Jean phải gánh chịu, chị kiện lần thứ hai. Lần này, tòa bắt bảo hiểm bệnh viện phải bồi thường cho Jean 900.000 USD.
Thời điểm đó, dư luận nước Pháp đặc biệt quan tâm theo dõi vụ kiện hy hữu kéo dài gần 2 năm của người phụ nữ gốc Việt. Vụ việc được phản ánh trên nhiều mặt báo Pháp làm rung động hàng triệu trái tim bạn đọc trước tình yêu, nghị lực phi thường và sự dũng cảm của một người mẹ.
Người mẹ 1,6m thoăn thoắt bê đỡ con trai cao... 2,05m
Trước khi Jean bị nạn, chị Hélènne Pucci có hãng phim tư nhân, chuyên sản xuất phim cho các kênh truyền hình ở Pháp, cũng là bà chủ của một khách sạn 3 sao ở Paris. Nhưng chị đã bỏ hết công việc và sự nghiệp, bán tháo gần hết tài sản để tiếp tục chạy chữa cho con.
Suốt 15 năm dài từ khi con trai bị tai nạn cho đến khi mất, chị Hélènne đã gạt nước mắt chăm lo cho Jean từng li từng chút một bằng tình yêu thương và sự chu đáo đến lạ kỳ, không khác hồi con mới lọt lòng hay mới lên ba, lên năm tuổi. Chị hầu như túc trực bên Jean suốt 24/24, từ làm vệ sinh cá nhân thay con, đến đút mớm cơm nước, lo từng bữa ăn giấc ngủ đến diễn biến buồn vui nhỏ nhặt của con đều không thể thiếu chị. May sao qua một thời gian điều trị thuốc thang theo kiểu “vái tứ phương” và tích cực tập vật lý trị liệu, Jean hồi phục vận động hai cánh tay, nhưng vẫn phải vĩnh viễn ngồi xe lăn.
Trong suốt 15 năm gắn bó như hình và bóng với đứa con trai bất hạnh của mình, mỗi đêm chỉ dám chợp mắt khoảng 3 giờ đồng hồ, chỉ có duy nhất một lần chị Hélènne tạm rời con vào năm 2006, khi chị bị nhồi máu tim. Chỉ có sức mạnh kỳ diệu của tình mẫu tử thiêng liêng mới có thể cắt nghĩa nổi vì sao chị có thể tỉnh dậy khỏe mạnh như thường sau hai ngày nằm liệt giường và do đâu người mẹ 1,6m này có thể ngày ngày thoăn thoắt bê đỡ con trai cao lớn 2,05m lên xuống xe lăn và ra vào ôtô.
Ở một mặt trận khác phức tạp hơn, chị còn làm nên một cuộc thay đổi lớn lao trong quan điểm sống và tâm hồn con trai. Từ một người suy sụp, chán sống sau khi sức khỏe bị tước đoạt, Jean dần cảm thấy tự tin và sống hạnh phúc trong sự quan tâm ấm áp của mẹ và mọi người xung quanh. Đã có lúc Jean tủi thân mình, chạnh lòng cho mẹ buông câu: “Con đã phá nát đời mẹ rồi, con đáng chết!”, nhưng câu trả lời của người mẹ đã đem lại ý chí sống cho Jean: “Con là tất cả ý nghĩa cuộc sống của mẹ, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào”. Ba năm trước khi Jean mất, mỗi đêm ngủ của con là một đêm trắng của mẹ. Chị nằm ghé dưới chân con, canh chừng không để chiếc chân lành của con đạp lên một bên chân bị sưng phù khiến con đau đớn tỉnh giấc.
Ngày cuối cùng của Jean, chị kể trong nước mắt: “Jean hôn mê một ngày một đêm, nhịp tim gần bằng 0 thì bỗng bừng tỉnh dậy, thều thào cho biết là “Con đang chết nửa đường thì nghe tiếng mẹ gọi con thảm thiết quá nên con quay trở lại!”. Sau đó, Jean lịm dần rồi ra đi với hai dòng nước mắt chảy dài.
Đoạn đời còn lại đầy ý nghĩa
Từ nhiều năm nay, chị Hélènne Pucci gắn mình với rất nhiều hoạt động từ thiện tại quê mẹ Việt Nam. Ngoài các hoạt động từ thiện với tư cách cá nhân, chị còn là thành viên của Quỹ hỗ trợ giáo dục Nhân đạo Việt Nam. Có đợt hưởng ứng kêu gọi xin thuốc cho bệnh nhân phong cùi ở Việt Nam của chị, ông Giám đốc Khách sạn Equinox Paris 13 ở Pháp đã vận động và tài trợ đến... 300kg thuốc.
Về bản thân, chị nói: “Tôi đã và đang chịu đựng nỗi đau mất con nên càng thông cảm cho nhiều người cũng gặp bất hạnh. Hơn nữa, lâu nay tôi không chỉ sống cho mình mà còn sống thay cho cả đời sống của con, tôi làm những việc này cũng là thay cho con. Hồi còn sống, nó luôn ủng hộ tôi làm từ thiện”. Câu chuyện đặc biệt về trái tim người mẹ của chị Hélènne còn là nguồn cảm hứng để mới đây nhà văn, nhà biên kịch Lê Văn Duy chấp bút thành kịch bản phim truyền hình Gió đồng, giữ đúng tên hai mẹ con chị trong kịch bản.
Tôi quý và nể chị nuôi Hélènne Tôi quen biết chị Hélènne từ năm 1995 rồi thân thiết như chị em ruột thịt cho đến bây giờ, từ chỗ cùng cảnh ngộ khuyết tật với con trai của chị. Bất cứ chuyện vui buồn lớn nhỏ gì tôi cũng có thể chia sẻ hết với chị. Tôi chưa thấy người mẹ nào kiên cường và làm được nhiều điều phi thường cho con mình, mà ngay cả sức vóc đàn ông mạnh khỏe đến thế nào cũng không làm nổi. Chị cũng là một người rất hiền từ nhân hậu, nghe khó nghe khổ dù ở chỗ xa xôi thế nào chị cũng lặn lội tới hoặc tìm cách giúp đỡ cho bằng được. Tôi thấy mình thật may mắn được làm đứa em nuôi của một người chị đáng quý, đáng nể như vậy. Diễn viên PHAN VĂN SÁNG – người đóng vai nam chính trong phim truyền hình Chim phóng sinh (đạo diễn Trần Quang Đại, hãng phim TFS) |