Đó là trường hợp của bé N.T.Q.V (11 tuổi), con chị Thảo (43 tuổi, quê Nha Trang). Người mẹ hai con cho biết, chị đã phát hiện con trai út của mình quá nhỏ bé so với bạn cùng trang lứa từ lâu.

Chỉ vào tấm hình chụp buổi lễ tổng kết năm học lớp 5 vừa qua của con, chị Thảo lắc đầu khi bé Q. chỉ đứng đến vai bạn học, còn cân nặng cơ thể cũng thua thiệt rõ ràng.

Người mẹ vượt quãng đường dài vào Sài Gòn tìm cách cứu con học lớp 5 nhưng nhỏ như đứa bé 7 tuổi - Ảnh 1.

Nhiều bà mẹ ở xa đưa con đến Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) tầm soát bệnh chậm tăng trưởng chiều cao.

 Học lớp 5, cơ thể chỉ như đứa trẻ lên 7

"Con tôi đã 11 tuổi nhưng chỉ nặng 29 kg, cao có 1.29 mét. Bạn bè nó trong lớp có đứa đã cao đến 1.6 mét rồi. Con trai lớn của tôi năm nay học lớp 8 cũng cao 1.7 mét, nặng 70 kg. Trong nhà không ai nhỏ bé như Q. cả. Kể cả đứa em họ sinh trước nó 15 ngày mà giờ chiều cao cũng hơn hẳn nó" - chị Thảo kể.

Ban đầu vì nghĩ con có thể tự phát triển về sau, chị Thảo cứ nấn ná chần chừ mãi, tuy nhiên khi thể trạng bé đã quá gầy gò thì người mẹ bắt đầu lo sợ.

Người mẹ vượt quãng đường dài vào Sài Gòn tìm cách cứu con học lớp 5 nhưng nhỏ như đứa bé 7 tuổi - Ảnh 2.

Con chị Thảo đã 11 tuổi nhưng chỉ nặng 29 kg, cao có 1.29 mét.

Nghe thông tin bệnh viện ở TP.HCM có chữa cho nhiều trường hợp trẻ chậm tăng trưởng thành công, chị Thảo cùng chồng lập tức mua vé tàu hỏa từ TP Nha Trang vào TP.HCM ngay để tìm cách cứu con.

Sau khi chụp X-quang và thăm khám lâm sàng, các bác sĩ nhận định xương tay, chân bé Q. chỉ như một đứa con nít 7 tuổi. Dự kiến bé sẽ tiếp tục được làm 2 xét nghiệm chuyên sâu trước khi lên kế hoạch điều trị cụ thể chứng chậm tăng trưởng.

Người mẹ vượt quãng đường dài vào Sài Gòn tìm cách cứu con học lớp 5 nhưng nhỏ như đứa bé 7 tuổi - Ảnh 3.

Khá nhiều phụ huynh lo lắng khi con quá thấp bé, nhẹ cân.

Cũng trong tình trạng tương tự, con trai chị Loan (15 tuổi, ngụ quận Tân Bình) đã có 2 năm điều trị căn bệnh này bằng hormone tăng trưởng.

Người mẹ cho biết từ khi bé 10 tuổi đã thấy con có những bất thường. Đưa con đi nhiều nơi và thậm chí là sang Singapore thăm khám, các bác sĩ đều kết luận cho chị bị chậm tăng trưởng chiều cao do thiếu hormone tăng trưởng.

Người mẹ vượt quãng đường dài vào Sài Gòn tìm cách cứu con học lớp 5 nhưng nhỏ như đứa bé 7 tuổi - Ảnh 4.

Các cha mẹ cũng lo lắng khi nghe điều trị bệnh chậm tăng trưởng bằng tiêm hormon.

"Ban đầu, tôi nghe bác sĩ nói phải tiêm hormone tăng trưởng liên tục thì rất lo, bởi bé nhà tôi nghe đến chích ngừa là đã nhảy dựng lên, sợ lắm. Mãi đến năm 13 tuổi mà nó chỉ cao có 1.32 mét, tôi đành chấp nhận điều trị. 

Chỉ hai tháng sau nó đã lên ngay chiều cao, đến giờ thì con tôi đã cao đến  1.62 mét. Tôi thực sự rất vui nhưng cũng tiếc vì không điều trị cho bé ngay từ đầu, bởi lúc đó xương bé còn phát triển nhanh sẽ có thể cao hơn nữa" - chị Loan tâm sự.

Người mẹ vượt quãng đường dài vào Sài Gòn tìm cách cứu con học lớp 5 nhưng nhỏ như đứa bé 7 tuổi - Ảnh 5.

Nhân viên y tế giải thích về quá trình triều trị cho phụ huynh.

4.000/10.000 trẻ sẽ có 1 trẻ bị bệnh này

Bác sĩ Nguyễn Thị Thư Hương, Khoa Nội tiết Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) cho biết, thiếu hormone tăng trưởng đơn thuần là bệnh lý hiếm với tỉ lệ 1/4.000 – 1/10.000.

Bệnh có thể xảy ra ở trẻ em mọi độ tuổi cho đến trước khi dậy thì.

Biểu hiện bên ngoài không có gì đặc biệt ngoài vấn đề chiều cao của bé sẽ không tăng hoặc tăng rất chậm so với độ tuổi, mập phì vùng bụng, khối cơ giảm.

"Thiếu hormone tăng trưởng đơn thuần không ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ của trẻ nhưng làm ảnh hưởng đến chiều cao, gây nên những bất lợi trong cuộc sống cũng như nghề nghiệp trong tương lai.

Vì vậy, khuyến cáo các bậc cha mẹ nên đo chiều cao cho trẻ mỗi 6 tháng/lần hoặc tốt nhất là 3 tháng/lần và vẽ lên biểu đồ tăng trưởng của WHO. Nếu phát hiện tốc độ tăng trưởng ≤ 2cm/6 tháng thì có nghĩa là chiều cao của bé đang có dấu hiệu bất thường" - bác sĩ Hương phân tích.

Bác sĩ Võ Đức Chiến, Giám Đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương chia sẻ, chậm tăng trưởng chiều cao là vấn đề nội tiết phổ biến trong Nhi khoa. 

Người mẹ vượt quãng đường dài vào Sài Gòn tìm cách cứu con học lớp 5 nhưng nhỏ như đứa bé 7 tuổi - Ảnh 7.

Bác sĩ Võ Đức Chiến, Giám Đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết trẻ nên được phát hiện sớm và được điều trị trong khoảng độ tuổi từ 4-13 tuổi.

Ngoài yếu tố di truyền, dinh dưỡng, bệnh nội khoa thì thiếu hụt hormone là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn tới chậm phát triển chiều cao ở trẻ em.

Khi điều trị thay thế bằng hormone tăng trưởng, để đạt được hiệu quả tối ưu thì việc điều trị đúng thời điểm, đúng liều lượng là rất quan trọng. Trẻ nên được phát hiện sớm và được điều trị trong khoảng độ tuổi từ 4-13 tuổi. 

Người mẹ vượt quãng đường dài vào Sài Gòn tìm cách cứu con học lớp 5 nhưng nhỏ như đứa bé 7 tuổi - Ảnh 8.

Nếu phát hiện tốc độ tăng trưởng ≤ 2cm/6 tháng thì có nghĩa là chiều cao của bé đang có dấu hiệu bất thường.

Nếu qua "thời gian vàng" này, các sụn xương của trẻ sẽ đóng lại, dẫn đến việc dùng hormone tăng trưởng sẽ không còn tác dụng.

"Từ năm 2017, BV Nguyễn Tri Phương đã bắt đầu tầm soát miễn phí cho trẻ bị chậm tăng trưởng do thiếu hormone tăng trưởng. 

Năm nay, bệnh viện sẽ tiếp tục khám và tầm soát miễn phí cho tất cả trẻ em chưa dậy thì có nhu cầu được tầm soát chậm tăng trưởng chiều cao vào các buổi sáng thứ bảy và chủ nhật từ 8/6 đến 27/7/2019"  - Giám đốc bệnh viện thông tin.

CÁC CHỈ ĐỊNH TIÊM HORMONE TĂNG TRƯỞNG:

Thiếu hormone tăng trưởng ở trẻ em: 0,025-0,035 mg/kg /ngày. (Tiêm dưới da hoặc tiêm bắp 7 ngày/tuần).

Hội chứng Turner: Liều 0,045-0,050 mg/kg /ngày. (Tiêm dưới da 7 ngày/tuần).

Chậm phát triển ở trẻ em sinh ra nhỏ so với tuổi thai Liều 0,035-0,067 mg/kg/ngày. (Tiêm dưới da 6 ngày/tuần).

Lùn vô căn & chậm tăng trưởng thể tạng: Liều 0.045-0.050 mg/kg /ngày. (Tiêm dưới da hoặc tiêm bắp 7 ngày/tuần).

Người lớn thiếu hụt hormone tăng trưởng: Liều thấp từ 0,15 - 0,3 mg/ngày tiêm dưới da. Sau đó liều này nên được tăng lên từ từ.

HIỆU QUẢ ĐÁP ỨNG ĐIỀU TRỊ:

Trong năm đầu tiên thông thường sẽ tăng từ 8 – 12 cm/năm, trung bình 1cm/tháng. Năm thứ 2 sự tăng trưởng thường đặt 75 – 80% so với năm đầu tiên.

Những năm sau sẽ giảm hơn.

TÁC DỤNG PHỤ CÓ THỂ XẢY RA:

Đau các khớp ngón tay;

Phù 2 chân, trật khớp háng;

Suy giáp;

Rối loạn đường huyết đói.