Tòa dân sự, TAND tỉnh Nghệ An vừa xử phúc thẩm, tuyên hủy bản án tranh chấp về nuôi con của TAND huyện Kỳ Sơn (xét xử ngày 29-6) để xét xử lại. Do bản án sơ thẩm bị hủy nên chị H. chưa được thi hành án... trao con về nuôi.

Theo đơn khởi kiện và quá trình giải quyết vụ án, năm 2013, do bị bạn bè rủ rê nên chị H. đã đi Trung Quốc làm việc rồi bị "gả" lấy chồng người Trung Quốc. Đến tháng 1-2014, chị H. sinh được một đứa con gái. Sau khi sinh con được 3 tháng do nhà chồng ở Trung Quốc hành hạ, đánh đập, cuộc sống quá tủi nhục nên chị H. đã ôm con nhỏ vượt tường rào, trốn được về Việt Nam.

Người mẹ xinh đẹp hơn một năm chưa đòi được con gái - Ảnh 1.

Chị H. hơn ba năm nay mong được trao trả con gái để đưa về nuôi.

Khi chị H. về đến quê nhà thì bố, mẹ, anh trai đều đã đi tù hết, nhà cửa không có, không còn nơi nương tựa nên ngày 14-4-2014, chị H. đưa con đến nhờ bà Lương Thị B (trú huyện miền núi Kỳ Sơn, Nghệ An) nuôi hộ để đi tìm việc làm, kiếm tiền.

Sau khi gửi con bà B. nuôi dưỡng thì bà B. đặt tên cháu bé là Nguyễn Thị Hà Đ. Bà B. đi làm giấy khai sinh cháu Đ. là con bà B, nhưng rồi vì khai sinh không đúng nên chính quyền đã hủy giấy khai sinh trên. Trong thời gian gửi con cho bà B. chị H. có gửi về 30 triệu đồng cho bà B. nuôi cháu Đ. và cho bà vay mượn 50 triệu đồng.

Đến khi con được hơn 2 tuổi (tháng 6-2016), chị H. đã ổn định cuộc sống, trở về quê nhà, đến nhà bà B. xin đưa con về nuôi nhưng bà B. không chấp nhận. Sau nhiều lần đòi lại con nhưng bà B. không chịu trả con cho H. nên ngày 30-12-2016, chị H. khởi kiện bà B. yêu cầu bà B. trả lại con gái cho H. Kết quả giám định ADN cho kết quả chị H. là mẹ đẻ cháu Đ. mà bà B. đang nuôi.

Bà B. cho rằng: “Qua hai năm nuôi con tình cảm đã sâu đậm và không muốn rời xa cháu”. Trong trường hợp Tòa yêu cầu trả con cho H, thì bà B. yêu cầu H. phải thanh toán tiền công trong thời gian nuôi cháu là 350 triệu đồng.

Ngày 29-6, TAND  huyện Kỳ Sơn xử sơ thẩm, tuyên: Cháu Đ. là con đẻ của H, buộc bà B. phải trả cháu Đ. cho H- là mẹ của cháu trực tiếp nuôi dưỡng. Về án phí, buộc bà B. phải nộp 300 ngàn đồng tiền án phí. Sau đó, bà B. kháng cáo lên cấp phúc thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm, HĐXX cho H. và bà B. thỏa thuận với nhau về tiền công nuôi con nhưng bà B. đòi tiền công nôi con là gần 200 triệu đồng, còn chị H. trình bày, hoàn cảnh quá khó khăn nên không có đủ số tiền trên. Do vậy, hai bên không thỏa thuận được phần tiền công chăm, nuôi bé Đ cho bà B.

HĐXX phúc thẩm đã tuyên hủy bản án sơ thẩm của TAND huyện Kỳ Sơn để xét xử lại vì trong bản án sơ thẩm tuyên trả cháu Đ. cho H. là đúng, nhưng yêu cầu của bà B. là phải trả lại tiền công nuôi con, thì cấp phúc thẩm lại không xem xét trong bản án.