Bộ Công thương vừa ban hành văn bản hướng dẫn quyết định của Thủ tướng về biểu giá bán lẻ điện. Điều đặc biệt là một số đối tượng khách hàng dùng nhiều theo biểu giá mới sẽ được giảm tiền điện, nhưng đối tượng người nghèo lại phải tăng hơn.

Người nghèo phải đóng tiền điện nhiều hơn 1
  Sáng 31/5, Đoàn thanh niên Tổng công ty Điện lực TP. HCM phối hợp với Đoàn Sở Cảnh sát PCCC và Huyện đoàn Củ Chi ra quân sửa chữa thay thế các thiết bị điện cho 200 hộ dân.

Theo quyết định 4887/2014 của Bộ Công thương vừa ban hành, có hiệu lực từ ngày 1/6, điểm quan trọng hàng đầu là giá bán lẻ điện sinh hoạt thay vì có bảy bậc thang lũy tiến sẽ chỉ còn sáu. Tuy nhiên phân tích sâu hơn, dù không có quyết định giảm giá điện nào, nhưng một số đối tượng người dân đang dùng điện sinh hoạt ở mức khá nhiều sẽ được giảm giá khá mạnh, trong khi một số đối tượng khác phải chịu tăng giá.

Giảm giá cho người giàu?

Cụ thể, theo quyết định của Bộ Công thương, giá bán lẻ điện bình quân (trung bình giá bán điện sinh hoạt, sản xuất kinh doanh...) vẫn giữ nguyên 1.508,85 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Tuy nhiên, do thay đổi tỉ lệ tính trên giá bán lẻ bình quân, người dân dùng điện sinh hoạt nhiều, đạt đến 201-300 kWh/tháng sẽ được giảm tới 7% trên giá bán lẻ điện bình quân đang áp dụng hiện nay (từ mức bằng 145% giá bán lẻ điện bình quân giảm chỉ còn 138%). Người dùng 301-400 kWh/tháng cũng được giảm giá 1%.

Tương tự, giá điện cho đơn vị hành chính sự nghiệp, dù dùng cấp điện áp nào cũng được giảm 1%. Giá bán lẻ điện cho kinh doanh (như nhà hàng, khách sạn...) còn được giảm mạnh. Như cấp điện áp từ 22kV trở lên, giờ bình thường các đơn vị này sẽ được giảm 5% giá điện. Nếu dùng giờ thấp điểm được giảm 3%, giờ cao điểm được giảm tới 8%. Sử dụng các mức điện áp khác, khách hàng sử dụng điện kinh doanh cũng được giảm 2-8% tùy thời điểm sử dụng.

Tuy nhiên, theo quy định mới, hộ nghèo theo đúng tiêu chí của Thủ tướng Chính phủ sẽ bị giảm hỗ trợ trên thực tế vì giá điện cho 50 kWh đầu tăng từ 993 lên 1.271 đồng/kWh. Quy định hiện nay là hộ nghèo sẽ được hỗ trợ 30.000 đồng/tháng. Theo quy định mới, hộ nghèo sẽ được hỗ trợ 30 kWh/tháng (tính theo giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1). Nghĩa là từ ngày 1/6, mỗi hộ nghèo sẽ được hỗ trợ trực tiếp 38.730 đồng/tháng.

Như vậy so với quy định cũ (quyết định 268/2011 của Thủ tướng), với mức hỗ trợ cố định là 30.000 đồng/tháng, người nghèo sẽ được hỗ trợ nhiều hơn quy định cũ 8.730 đồng/tháng. Tuy nhiên, nếu như quy định cũ giá điện cho 50 kWh đầu chỉ là 993 đồng/kWh, người nghèo nếu sử dụng 50 kWh/tháng chỉ phải đóng 49.650 đồng/tháng thì với giá mới, họ sẽ phải đóng tới 64.550 đồng. Như vậy, dù tăng mức hỗ trợ nhưng thực tế người nghèo sẽ vẫn phải đóng tiền nhiều hơn.

Một số đối tượng khách hàng khác cũng sẽ phải tăng tiền điện. Như tổ chức, cá nhân mua điện phục vụ mục đích sản xuất dùng cấp điện áp từ 110 kV trở lên, giờ bình thường sẽ được giữ nguyên giá, nhưng giờ thấp điểm sẽ phải tăng giá 1% (từ 51% giá bán lẻ điện bình quân lên 52%). Khách hàng dùng các cấp điện áp khác cho sản xuất giờ thấp điểm cũng đều bị tăng giá 1%.

Người nghèo phải đóng tiền điện nhiều hơn 2
Cách tính giá bán lẻ điện hiện hành và theo quyết định mới.

“Đã tính toán phù hợp”

Ngày 2/6, Tập đoàn Điện lực VN (EVN) đã chính thức có thông cáo khẳng định không có việc tăng giá điện, đồng thời cho biết từ ngày 1/6 các khách hàng khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo chưa nối lưới điện quốc gia sẽ được áp dụng biểu giá điện như khách hàng sử dụng điện ở khu vực đã nối lưới điện quốc gia. Có nghĩa là sẽ không còn tình trạng có gia đình tại xã đảo, huyện đảo phải trả tới hơn 10.000 đồng/kWh điện.

Trả lời phóng viên về hiện tượng nhiều đối tượng phải chịu tăng giá điện, một quan chức EVN cho biết biểu giá bán lẻ điện được Bộ Công thương xây dựng theo đúng quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Biểu giá mới chỉ chia lại tỉ lệ được hưởng giá điện trên mức giá bán lẻ điện bình quân chung, trong khi bản thân giá bán lẻ điện bình quân không thay đổi. Có nghĩa đối tượng này được giảm đi thì đối tượng khác phải tăng lên. Tỉ lệ đó đã được tính toán phù hợp.

Ví dụ như giảm giá cho khách hàng kinh doanh, lý do là giá điện cho khách hàng này đang ở mức khá cao: 75-230% giá bán lẻ điện bình quân. Trong khi đó, khách hàng là doanh nghiệp sản xuất chỉ phải chịu mức giá bán điện 51-167% giá bán lẻ điện bình quân. Các đối tượng phải tăng giá, theo quan chức EVN, thường cũng chỉ phải chịu mức tăng nhỏ.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia về giá, dù một số khách hàng tới đây sẽ phải chịu tăng giá điện 1%, nhưng nếu họ sử dụng quy mô lớn thì số tiền tuyệt đối tăng lên sẽ không nhỏ. Cụ thể, tăng 1% giá bán điện bình quân hiện nay, sử dụng mỗi kWh điện các đơn vị phải tăng khoảng 15 đồng. Trong khi đó, các khách hàng bị tăng giá thường có mức sử dụng lớn, nên dù tăng ít nhưng chi phí phải bỏ ra cũng lớn. Hơn nữa, mấy lần tăng giá gần đây, mỗi lần tăng cân nhắc mãi cũng chỉ dám tăng mấy chục đồng/kWh.

Vì vậy, theo ông Long, xu hướng tăng giá điện sản xuất để khuyến khích tiết kiệm điện, dùng công nghệ cao là đúng, nhưng khi điều chỉnh chính sách, cụ thể là cách tính giá điện, EVN và Bộ Công thương cũng cần chủ động giải thích rõ hơn tại sao lại điều chỉnh như vậy. Do giá bán lẻ điện không đổi, nên tất cả phần giảm giá cho đối tượng này thì đối tượng khác sẽ phải gánh hết. Vì vậy, ai phải chịu tăng giá, ai được giảm giá, lý do cũng như tác động cần được Bộ Công thương giải thích rõ ràng hơn để người dân hiểu, chia sẻ.

Giá điện 50 kWh đầu không phải cho người nghèo

Trả lời phóng viên về thực tế nhiều đối tượng như điện sản xuất giờ thấp điểm hay người nghèo chỉ dùng 50 kWh điện/tháng sẽ phải trả tiền điện nhiều hơn, ông Đinh Thế Phúc, cục phó Cục Điều tiết điện lực Bộ Công thương, công nhận theo biểu giá bán lẻ mới, một số đối tượng dùng điện sinh hoạt được giảm giá bán lẻ, một số đối tượng như điện sản xuất giờ thấp điểm có “tăng một chút”. Một số ngành nghề như nông nghiệp có gộp lại và tăng lên.

Tuy nhiên, ông Phúc khẳng định từ ngày 1/6, giá điện ở các hải đảo sẽ được giảm bằng giá đất liền. Về việc “mất” biểu giá 993 đồng/kWh (mức giá cho 0-50 kWh), ông Phúc cho rằng bậc thang này không phải dành cho người nghèo. Người nghèo đã có hỗ trợ 30.000 đồng/tháng, nay là số tiền tương đương 30 kWh đầu. Nhiều lần tăng giá trước bậc thang 993 đồng/kWh không thay đổi nhưng lần này tăng mạnh, theo ông Phúc, là theo chủ trương giá điện phải tương đương giá thành sản xuất.

TP. HCM áp dụng giá điện mới

Theo Tổng công ty Điện lực TP. HCM (EVN HCMC), đến ngày 2/6 đã cơ bản hoàn tất việc chốt chỉ số hơn 132.000 điện kế cho các đối tượng sản xuất kinh doanh, dịch vụ, hành chính sự nghiệp... trên địa bàn TP. HCM để làm cơ sở tính tiền điện theo giá mới. Trong khi đó, Tổng công ty điện lực miền Nam (EVN SPC) cũng cho biết đã chốt xong hơn 419.000 điện kế thuộc các đối tượng trên tại địa bàn 21 tỉnh thành phía Nam.

Riêng đối tượng sử dụng điện cho mục đích sinh hoạt để làm cơ sở tính tiền theo giá mới, EVN HCMC và EVN SPC không chốt chỉ số mà cách tính thực hiện theo phương phápnội suy.