Vào ngày 8 tháng 6, Vikram Verma, một bác sĩ kiêm tay đua xe đạp 45 tuổi, đã ngã bất tỉnh ngay trên đường đạp xe. Cú ngã bất ngờ khiến ông gãy một bên xương quai xanh và vài chiếc xương sườn. Nhưng điều nguy hiểm hơn đó là nguyên nhân khiến ông đột ngột bất tỉnh - ông đã bị tắc hoàn toàn động mạch vành trái ở tim.
Đây là nhánh động mạch lớn cung cấp đến khoảng 50% lượng máu tới thất trái vì vậy khi tắc mạch này có khả năng cao sẽ gây đột tử. Vì sự nguy hiểm của nó, người ta đã đặt tên cho loại nhồi máu cơ tim này là "window-maker" - căn bệnh tạo ra những góa phụ.
Có một vài người qua đường thấy Vikram ngã đã dừng lại để giúp đỡ, tuy nhiên khi thấy ông nằm bất tỉnh họ lo lắng rằng ông đã bị chấn thương cột sống nên không dám di chuyển ông ấy. Họ chỉ có thể gọi xe cấp cứu và liên lạc cho vợ ông ấy thông qua số cấp cứu lưu trên điện thoại của ông, ngoài ra họ không biết làm gì khác hơn.
Thật may mắn sao, Larry Detris, một cựu lính cứu hỏa, đi ngang qua đó. Larry ngay lập tức nhận ra Vikram không có mạch đập và đang thở nặng nhọc, đó chính là dấu hiệu của thở ngáp cá. Thở ngáp cá nói ngắn gọn không thực chất là thở, mà chỉ là không khí đang đi ra khỏi phổi, thở ngáp cá có thể kéo dài vài phút sau khi tim ngừng đập.
Rất nhanh chóng, Detris đã bắt đầu ép tim và hô hấp nhân tạo cho Vikram. Trong khi đó Wendy Robb, một giảng viên và trưởng khoa Điều dưỡng của trường Cao đẳng Cedar Crest cũng giúp sức bằng việc cởi mũ bảo hiểm của Vikram và giữ đầu của ông trong tư thế chuẩn để đường thở thông thoáng. Còn Kelsey Miller, là y tá tại Bệnh viện Lehigh Valley - Cedar Crest cũng tình cờ có mặt tại hiện trường, tới bắt mạch và theo dõi mạch đùi của Vikram.
Ngay khi nhận được cuộc gọi yêu cầu cấp cứu, kỹ thuật viên cấp cứu Anthony Levan đã nhanh chóng đến hiện trường và sốc tim cho Vikram bằng máy khử rung cầm tay (AED) lấy vội từ sở cảnh sát.
Và cuối cùng, thật kỳ diệu khi Vikram đã được cứu sống.
"Mọi người gọi đây là phước lành hay đại loại thế. Nhưng tôi nghĩ, đây chính là đúng người đúng thời điểm". Ông Vikram xúc động nói.
Vikram Verma (áo xanh) cùng Y tá Wendy Robb, y tá Kelsey Anne Miller và cựu lính cứu hỏa Larry Detris (từ trái qua) đã cùng chung tay cứu sống Vikram Verma khỏi tử thần.
Không phải ai cũng có may mắn gặp được đúng người có chuyên môn như câu chuyện trên, có thể đa số người chỉ có thể đứng nhìn và gọi cấp cứu. Đó là lúc bạn cần ra tay giúp đỡ. Nhưng phải làm gì khi bạn không hề làm trong ngành y?
Phải làm gì để cứu sống một người bị ngừng tim?
Có khoảng 90% các ca ngừng tim ngoài bệnh viện đều dẫn đến tử vong. Nhưng nếu được Hồi sức tim phổi (CPR) ngay lập tức, tỉ lệ sống sót tăng lên đáng kể: Gần 50% bệnh nhân ngừng tim có thể sống sót sau khi được hồi sức tim phổi.
Nhưng thực tế đáng buồn là: Chỉ 45% những người bị ngừng tim thực sự nhận được Hồi sức tim phổi. Đôi khi đó là bởi vì không có ai xung quanh, nhưng đôi khi lại vì mọi người xung quanh không biết phải làm gì cả.
Hãy tưởng tượng đến bối cảnh một người thân của bạn đột nhiên bất tỉnh. Bạn cố gắng gọi họ dậy, nhưng vô tác dụng. Vậy bạn nên làm gì trong lúc này?
Bước 1: Hãy chắc chắn rằng đường thở không bị tắc nghẽn (dù người đó còn thở hay không).
Dù cho tư thế lúc bạn phát hiện ra người đó là như thế nào, hãy dành một giây để chắc chắn rằng người ấy đang nằm với tư thế chuẩn để giúp đường thở lưu thông dễ dàng. Cách tốt nhất là hãy để người đó nằm ngửa và giữ cho cổ người đó thẳng, cằm hướng lên trên.
Bước này sẽ mất vài giây. Hãy nhớ rằng, thời gian là rất quan trọng.
Bước 2: Gọi cấp cứu
Cấp cứu đến càng nhanh, cơ hội sống sót càng cao. Thêm vào đó, nhân viên y tế có thể nói cho bạn biết bạn phải làm gì. Đặc biệt là nếu bạn không biết CPR.
Bước 3: Bắt đầu CPR (hồi sức tim phổi)
Hãy đặt tay lên ngực bệnh nhân, đặt đúng chỗ nhé rồi ép mạnh.
Tốt hơn hết, hãy mời một chuyên gia để dạy cho tất cả nhân viên của bạn cách thực hiện CPR. Trong khi bạn đang ở đó, bạn cũng có thể được thực hành với máy AED để biết cách sử dụng máy khử rung tim cầm tay.
Và đừng lo lắng về vấn đề hô hấp nhân tạo: Mặc dù cách tốt nhất để thực hiện CPR là kết hợp ép tim với hô hấp nhân tạo, nhưng ít nhất đã có nghiên cứu cho thấy những người được ép tim mà không có hô hấp nhân tạo vẫn có tỉ lệ sống sót gấp đôi những người không được cấp cứu.
Cho dù bạn không làm được theo cách hoàn hảo nhất, cho dù bạn không phải nhân viên y tế, nhưng bạn biết rằng bạn đã làm gì đó. Như vậy còn tốt hơn không làm gì cả, và biết đâu đấy bạn lại cứu sống 1 mạng người thì sao!
Nguồn: Inc