Với những người lao động Nhật Bản, nhất là tại các thành phố lớn, trạng thái bắt đầu một ngày mới thường được họ gọi là sushi-zume - một thuật ngữ để ví những người đi làm trên các chuyến tàu điện đông đúc giống như những hạt cơm bị ép chặt trong món sushi.

Người Nhật Bản khiến cả thế giới phải ngạc nhiên vì quan điểm về hạnh phúc rất kỳ lạ - Ảnh 1.

 Ga Shinjuku ở Tokyo chật chội trong giờ cao điểm

Không chỉ vậy, văn hóa công sở của đất nước này luôn yêu cầu mọi người dành nhiều giờ đồng hồ ở văn phòng. Làm quá giờ tại Nhật là chuyện quá bình thường. Và khi đến đây, bạn có thể để ý rằng những chuyến tàu cuối cùng lúc nửa đêm luôn được lấp đầy bởi dân văn phòng.

Vậy làm thế nào để cư dân ở xứ sở Mặt trời mọc có thể thích ứng được với lối sống này?

Bí quyết của người Nhật có thể liên quan đến một khái niệm, mang tên ikigai. Từ này không thể dịch trực tiếp, nhưng đối với người Nhật, nó thể hiện một quan điểm về hạnh phúc và là lý do để họ thức giấc vào mỗi buổi sáng.

Akihiro Hasegawa - một nhà tâm lý học tại Nhật xem ikigai là một phần trong ngôn ngữ đời thường của người Nhật. Theo Hasegawa, nguồn gốc của từ ikigai bắt nguồn từ thời Heian (794 - 1185). "Chữ "iki" có nghĩa là cuộc sống, còn "gai" nghĩa là rất có giá trị, từ đó ikigai được hiểu là từ mang nghĩa 'giá trị trong cuộc sống'."

Ikigai - Bí mật của hạnh phúc, và sống là phải xông pha

Phương pháp đầu tiên để tạo nên "ikigai" chính là bạn phải hành động, phải làm việc và không được lười nhác.

Người Nhật Bản khiến cả thế giới phải ngạc nhiên vì quan điểm về hạnh phúc rất kỳ lạ - Ảnh 2.

Đối với nhiều người, công việc là thứ họ buộc phải làm trong cuộc chiến sinh tồn. Nhưng ở Nhật Bản, có khả năng làm việc đã là một điều hạnh phúc rồi.

Yuko Takato - CEO của công ty tuyển dụng Probity Global Search - đã dành nhiều ngày với những lao động trình độ cao. Đó là những người coi công việc là ikigai của họ.

Theo Takato, họ đều có một điểm chung: tất cả là những người có động lực và có thể nhanh chóng biến lời nói thành hành động.

"Nếu bạn muốn mở một công ty nhưng sợ những thách thức mới, đừng tiếp tục nghĩ ngợi mà hãy đứng dậy và tìm gặp những người đã thành công trong lĩnh vực bạn đang muốn thực hiện."

"Việc chứng kiến sự thành công sẽ khiến bạn tự tin rằng mình cũng có thể làm được. Chỉ suy nghĩ mà không bắt tay vào làm thì mọi việc sẽ không đi đến đâu cả." – Takato cho biết.

Một người vì mọi người

Hạnh phúc thường là từ chỉ cảm giác thỏa mãn được những nhu cầu của bản thân. Nhưng với người Nhật, ikigai - giá trị trong cuộc sống của họ lại xuất phát từ việc cảm thông và chia sẻ với mọi người, chứ không chỉ từ niềm vui thú cá nhân.

Bạn biết không, nước Nhật là nơi có những công dân sống thọ nhất trên thế giới. Theo số liệu thống kê, tuổi thọ trung bình của đàn ông ở đây là 81 tuổi còn phụ nữ là 87 tuổi.

Bên cạnh một chế độ ăn uống bổ dưỡng, liệu còn nhân tố nào có thể giúp duy trì tuổi thọ của người Nhật chăng? Theo nhà văn Dan Buettner – người đã đi khắp thế giới và khám phá các cộng đồng người sống thọ mà ông gọi là "blue zones" - cho biết, chính quan điểm và thái độ sống đã làm nên điều kì diệu này. Hay nói cách khác, đó là ikigai.

"Ở một số xã hội khác, người già không còn khả năng lao động nên thường được xem là vô dụng. Nhưng ở Nhật, họ rất đánh giá cao và tôn trọng người già, bởi họ hiểu "gừng càng già càng cay."

"Việc này mang lại cho người già một mục đích sống cao cả: sống để phục vụ cộng đồng. Do vậy, họ luôn cảm thấy phấn chấn và muốn sống lâu để truyền lại sự thông thái của mình cho thế hệ trẻ." - Buettner chia sẻ.

Người Nhật Bản khiến cả thế giới phải ngạc nhiên vì quan điểm về hạnh phúc rất kỳ lạ - Ảnh 3.

Với lớp trẻ của Nhật, họ cũng mang theo mục đích sống đó để phát triển sự nghiệp của mình.

"Trong một nền văn hóa mà giá trị của số đông vượt trội hơn giá trị cá nhân, người lao động Nhật Bản hướng tới việc không quá xem trọng giá trị lợi nhuận. Quan trọng hơn, họ phải tìm ra được ý nghĩa của công việc, phải trở nên hữu ích cho cộng đồng, nhận được sự cảm kích và tôn trọng từ mọi người." - Ông Toshimitsu Sowa, CEO của công ty cố vấn nhân sự Jinzai Kenkyusho chia sẻ.

Trong nhiều xã hội, việc nghỉ hưu có thể mang lại một cảm giác mất mát to lớn và trống rỗng. Điều này đặc biệt đúng với các vận động viên - những người có sự nghiệp ngắn hơn so với các nghề nghiệp khác.

Tuy nhiên, khi nghỉ hưu, nhà vô địch chạy vượt rào Dai Tamesue của Nhật Bản đã vượt qua nỗi buồn bằng cách trả lời một câu hỏi mà ông tự đặt ra cho chính mình: "Tôi muốn đạt được điều gì qua việc chơi thể thao?"

Việc nghỉ hưu khiến vận động viên Dai Tamesue suy nghĩ lại về công việc ông muốn làm trong đời.

"Với tôi, điều tôi muốn đạt được qua việc chạy đường dài đó là góp phần giúp thay đổi nhận thức của mọi người. Tôi muốn mọi người biết được thể thao quan trọng như thế nào."

Do vậy, sau khi nghỉ hưu, thay vì mất quá nhiều thời gian để tiếc nuối, ông lại bắt tay vào mở một công ty hỗ trợ các công việc kinh doanh có liên quan đến thể thao.

Câu chuyện của Tamesue đã chứng minh việc ý thức được lý do bạn đang làm công việc hiện tại ngoài mục đích tiền bạc là rất có ích.

Tạm kết

Xứ sở mặt trời mọc từ trước tới nay vẫn luôn nổi tiếng với thế giới về vô vàn nét truyền thống văn hóa. Và quan niệm về ikigai cũng chính là một trong những nét văn hóa đặc sắc mà người Nhật luôn tự hào.

Hiểu rõ ý niệm của ikigai và thực hành nó, chắc chắn, bạn sẽ sống một cuộc sống thật trọn vẹn!

Theo Ta Ta

Helino