Sau khủng hoảng bong bóng kinh tế từ năm 1986 đến 1991, xã hội Nhật Bản phải đương đầu với rất nhiều khó khăn như mất việc, thu nhập thấp, khó thăng tiến… Sau dịch COVID-19, Nhật Bản lại đối mặt với khó khăn tương tự trong làn sóng tăng giá liên tiếp, lạm phát tăng cao.
Chị Miria, 23 tuổi, sau khi tốt nghiệp đại học đã đi làm được một năm. Tuy nhiên, do lương khởi điểm thấp, Nhật Bản lại vừa trải qua hai đợt lên giá các mặt hàng nên phần chi tiêu cho cá nhân bị hạn chế nhiều. Ngoài việc lựa chọn giờ giảm giá của siêu thị để mua hàng, các cửa hàng quần áo cũ là địa điểm chị Miria thường xuyên ghé thăm.
Làm công việc liên quan đến thời trang, chị Miria luôn có nhu cầu tìm những bộ cánh để thay đổi liên tục. Chị chia sẻ, món quần áo rẻ nhất mà chị mua có giá khoảng 20.000 đồng.
Chị Miria, nhân viên văn phòng, nói: "Tình hình bây giờ khó khăn hơn nhiều so với thời bong bóng kinh tế. Do đó, người Nhật cũng thay đổi cách lựa chọn quần áo cho phù hợp với thời đại. Việc có thể tìm được một set quần áo như thế này mà chỉ với chút tiền đem lại cho tôi cảm giác "rất hời", được lợi hơn người khác. Với tôi đó là một niềm vui và là việc tốt vào thời điểm này".
(Ảnh: Kyodo)
Với những người đã từng trải qua thời kỳ bong bóng, vật giá được đội lên "tận trời", nhìn cách chi tiêu hiện nay ít nhiều đem lại cảm giác "nghèo". Tuy nhiên, trên thực tế, người Nhật vốn rất thích tiết kiệm, tiêu thật ít tiền, đó là lý do "bữa trưa 1 xu" (500 Yen, tương đương 90.000 đồng), cửa hàng 100y (tương đương 20.000 đồng)... là lựa chọn hàng đầu trong tiêu dùng của người Nhật.
Anh Watanabe cho biết: "(Vào) thời kỳ bong bóng, cuộc sống vô cùng dư dả. Tuy nhiên, người Nhật cũng có xu hướng chắt bóp chi tiêu, tích cóp và thích cảm giác "hời" khi mua hàng, thường sẽ cảm thấy mãn nguyện khi mua rẻ được một món vốn có giá trị cao. Có thể nói đây cũng là một đặc trưng trong tính cách của người Nhật".
Xu hướng này được thể hiện nhiều trên các nền tảng xã hội như phong trào hashtag "bộ đồ 2.000 Yen", tức là cả quần áo, túi xách và giày dép chỉ tốn 360.000 đồng.
Xu hướng tiết kiệm trong thời trang hay các chi tiêu thường ngày khác không chỉ đơn thuần để giảm chi phí sinh hoạt mà còn là một trong những thú vui của người Nhật khi tìm được những món đồ rẻ cho riêng mình lại không đụng hàng.