Họ chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, nhóm người vốn phải được hưởng ưu tiên về chăm sóc sức khỏe thì nay lại phải bán sức chỉ để kiếm chút tiền ít ỏi, trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày.
Khói bốc lên từ núi rác thải tại bãi rác Dandora ở Nairobi, nhưng đây lại là nơi mưu sinh của những người dân nghèo. Họ bới rác để tìm những mảnh nhựa, thủy tinh, thậm chí là rác thải y tế hay bất cứ thứ gì có thể tái chế được. Bà Mariam là một trong số những người nhặt rác ở đây.
Bà Mariam Makeba - Người nhặt rác nói: "Chúng tôi không có đồ bảo hộ gì, kể cả giày cao su nên đôi khi chúng tôi bị thủy tinh cứa vào chân tay, khổ lắm".
Nhưng những vết thủy tinh cứa không thể ngăn cản những người phụ nữ này hàng ngày ngụp lặn trong núi rác độc hại. Bà mẹ 6 con Winfred Wanjira dành cả ngày nhặt nhựa để kiếm đủ tiền nuôi các con.
Chị Winfred Wanjira, người nhặt rác: "Nhiều người sảy thai một cách bất ngờ chỉ nghĩ là do làm việc nặng nhọc thôi. Các chuyên gia y tế đã khuyên chúng tôi ngừng làm việc tại bãi rác, nhưng tôi biết kiếm tiền ở đâu nếu tôi ngừng làm việc ở đây. Các con tôi sẽ đói khát".
Bất chấp tòa án Môi trường và Đất đai Kenya ra lệnh đóng cửa bãi thải vào tháng 7/2021, nơi này vẫn tiếp tục hoạt động. Theo một thống kê không chính thức, hiện tại có khoảng hơn 10 nghìn phụ nữ và trẻ em đang kiếm sống từ bãi rác này.
Bà Jacqueline Naulikha - Chuyên gia sức khỏe cộng đồng, Đại học Maasai Mara, Kenya cho rằng: "Chì và thủy ngân là những kim loại nặng trong rác thải khi đốt chúng. Khi những người phụ nữ hít vào, chúng không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản mà còn gây ung thư nữa. Nhiều người không biết đã mắc ung thư".
Hội đồng Môi trường Liên Hợp Quốc yêu cầu các quốc gia, trong đó có Kenya phải có nhiều biện pháp quản lý và xử lý rác thải nhựa hơn nữa. Nhưng từ giờ đến khi các biện pháp mới được áp dụng, và dù biết những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe khi làm việc ở các bãi rác này, thì nhiều người đành buộc phải chấp nhận, bởi đó là cách duy nhất để nuôi sống gia đình.