Mạng xã hội xuất hiện clip ghi lại cảnh một người phụ nữ và ba chàng trai thi ăn tiết canh. Chỉ trong 10 phút người phụ nữ ăn liên tiếp 32 bát tiết canh dê khiến nhiều người ngạc nhiên và lo ngại cho sức khoẻ của người này.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng người phụ nữ nên đi khám sức khỏe ngay, có thể cô ấy đã đưa cả ổ ký sinh trùng vào người.

“Người bình thường chỉ ăn được một đến hai bát tiết canh. Việc ăn quá nhiều một món ăn đều không tốt, dù nó có giá trị dinh dưỡng cao chứ đừng nói gì đến tiết canh, món ăn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh” , PGS. TS Thịnh nói.

Ông Thịnh cho biết, thời xưa tiết canh được xem là món khoái khẩu của cánh mày râu, chúng ta có thể làm tiết canh từ nhiều con vật như lợn, vịt, dê, thậm chí là chó...Nhiều người quan niệm tiết canh có giá trị dinh dưỡng cao.

Tuy nhiên, thực tế tiết canh không có nhiều dinh dưỡng, thậm chí rất nguy hại đến sức khoẻ. Trong đó có nguy cơ nhiễm độc từ chính con vật mắc bệnh và nguy cơ trong quá trình giết mổ không đảm bảo vệ sinh.

Theo ông Thịnh, tiết canh bản chất là máu sống chế biến cùng các loại thịt, xương nên không thể tiêu diệt các loại vi khuẩn, ký sinh trùng, nhất là máu của lợn, dê gà, vịt...đang nhiễm bệnh, nguy cơ nhiễm chất độc từ máu động vật rất cao.

"Ăn tiết canh từ con vật bị bệnh bạn có nguy cơ nhiễm liên cầu lợn, giun sán, bệnh đường tiêu hóa, viêm não mô cầu, nặng có thể chết người" , PGS.TS Thịnh nhấn mạnh.

Người phụ nữ ăn liên tục 32 bát tiết canh, bác sĩ cảnh báo nhiễm ổ ký sinh trùng - Ảnh 1.

Tiết canh tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh cho sức khỏe con người.

TS.BS Trần Huy Thọ, Phó Giám đốc Bệnh viện Đặng Văn Ngữ cho biết mỗi năm bệnh viện đón nhận hàng trăm bệnh nhân đến viện thăm khám bị nhiễm ký sinh trùng do thói quen ăn tiết canh.

“Hiện nay phổ biến nhất là tiết canh lợn, vịt và dê, ba loại này đều có nguy cơ nhiễm ký sinh trùng cao”, bác sĩ Thọ nói.

Theo bác sĩ Thọ, nhiễm ký sinh trùng thường không có biểu hiện rõ ràng như các bệnh cấp tính cần đến ngay bệnh viện cấp cứu. Song, bệnh để lâu dài có thể dẫn đến còi cọc, chậm lớn ở trẻ em. Thai phụ có thể suy dinh dưỡng, thiếu sắt, các bệnh lý về gan, phổi...và suy nhược ở người cao tuổi.

Ở thể nặng hơn, ấu trùng luân chuyển trong máu có thể làm giảm thị lực, co giật. Tuy nhiên, nó chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ và có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm.

Ăn tiết canh còn dẫn đến nhiễm khuẩn nhiễm độc cấp dẫn đến tiêu chảy cấp do ngộ độc thực phẩm, rối loạn tiêu hóa đi ngoài nhiều lần, phân lỏng, có máu.

Một số trường hợp khác nhiễm liên cầu lợn dẫn đến viêm màng não, hoại tử da, suy đa tạng... biểu hiện như sốt cao, co giật, nôn vọt, sợ ánh sáng...Người bệnh bị nhiễm độc tố nặng có thể dẫn tới sốc nhiễm khuẩn, tụt huyết áp, suy hô hấp, thậm chí tử vong nếu không phát hiện sớm để điều trị kịp thời.

Nhóm dễ mắc bệnh là người ăn trực tiếp, người chế biến. Những người chăm sóc, giết mổ, vận chuyển thịt, máu con vật có bệnh có thể bị lây nhiễm qua các vết thương, vết xước ở da.

“Nhiều người cho rằng chỉ ăn tiết canh lợn mới nhiễm bệnh, còn vịt hay dê thì không. Tuy nhiên tất cả các loại tiết canh dù là dê, vịt, thực chất là máu sống và đều tiềm ẩn rất nhiều mầm bệnh nguy hiểm, từ tiêu chảy, tả, lị, liên cầu khuẩn… ”, bác sĩ Thọ nói.

Vị chuyên gia khuyến cáo chỉ cần ăn tiết canh 1 lần cũng có thể bị nhiễm liên cầu khuẩn. Do đó, người dân nên từ bỏ thói quen ăn tiết canh để đảm bảo sức khỏe.